Tăng huyết áp diễn biến âm thầm, để lại biến chứng, hậu quả nặng nề

Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, nếu không được phát hiện, kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và nhiều biến chứng nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội...

Cần chẩn đoán sớm, điều trị đúng, dự phòng hiệu quả tăng huyết áp

Tối 26/4, tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động chương trình "Tháng 5 đo huyết áp" – May Measurement Month năm 2025 (MMM).

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, tăng huyết áp hiện đang là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất trên toàn cầu. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 10 triệu người tử vong liên quan đến tăng huyết áp, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân gây tử vong do bệnh tim mạch.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo phát biểu tại buổi lễ.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo phát biểu tại buổi lễ.

Tại Việt Nam, cứ 5 người lớn có ít nhất 1 người bị tăng huyết áp, trong đó có đến gần 50% không biết mình mắc bệnh và một tỷ lệ lớn không được điều trị đúng hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp. Riêng tại TP Huế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trên 40 tuổi vượt ngưỡng 30%, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng nếu không có những can thiệp kịp thời, hiệu quả.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo cho biết, thời gian qua, ngành y tế Huế triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống bệnh tăng huyết áp. Trong đó, tăng cường tầm soát, phát hiện sớm bệnh, củng cố hệ thống quản lý bệnh tại y tế cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn định kỳ về phác đồ điều trị, tư vấn, theo dõi huyết áp, giúp đội ngũ y tế nâng cao năng lực quản lý bệnh...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Kiêm Hảo, điều đáng lo ngại là tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng. Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và nhiều biến chứng nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình "Tháng 5 đo huyết áp".

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình "Tháng 5 đo huyết áp".

"Việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng và dự phòng hiệu quả bệnh tăng huyết áp là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh mà còn góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và nâng cao sức khỏe cộng đồng", PGS.TS Trần Kiêm Hảo chia sẻ.

Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, ngành y tế thành phố cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để mở rộng các hoạt động tầm soát bệnh tăng huyết áp. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, hướng tới mục tiêu "Mỗi người dân đều biết và kiểm soát tốt huyết áp của mình".

"Sát thủ thầm lặng" dẫn đến bệnh lý nguy hiểm

GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam cho biết, MMM được phát động từ năm 2017 và tiếp tục thực hiện đến nay. Chương trình được hưởng ứng bởi 100 nước trên thế giới, đã tầm soát huyết áp trên 5 triệu người.

MMM được Hội Tim mạch Việt Nam/Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam tích cực tham gia ngay từ năm 2017, duy trì hàng năm ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, đến nay tầm soát trên 300.000 người.

Chương trình MMM năm nay với mục tiêu không chỉ tầm soát tăng huyết áp mà còn khảo sát các yếu tố nguy cơ chuyển hóa khác như béo phì và đái tháo đường. Sàng lọc rung nhĩ tại một số đơn vị đủ điều kiện, bên cạnh đo huyết áp....

GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam phát biểu tại chương trình.

GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Chương trình gồm chuỗi hoạt động như đào tạo tình nguyện viên về kỹ thuật đo huyết áp, điền phiếu khảo sát và tư vấn dự phòng tim mạch. Tầm soát huyết áp tại các điểm công cộng như bệnh viện, nhà thuốc, trạm y tế, trường học (từ 1/5-1/8/2025). Chỉ tiêu mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu tầm soát ít nhất 500 người.

GS.TS Huỳnh Văn Minh chia sẻ, huyết áp là một trong những chỉ số sinh tồn quan trọng, phản ánh sức ép của dòng máu lên thành động mạch. Huyết áp cao (tăng huyết áp) làm tổn thương hệ mạch máu theo thời gian, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận mạn, sa sút trí tuệ.

Tăng huyết áp được xem là "sát thủ thầm lặng" dẫn đến đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, phì đại thất trái – suy tim, suy thận mạn – chạy thận nhân tạo, tổn thương đáy mắt – mù lòa, sa sút trí tuệ do mạch máu nhỏ

GS.TS. Huỳnh Văn Minh khuyến cáo thực hiện chiến lược 5Đ trong quản lý tăng huyết áp để có huyết áp ổn định, cụ thể:

Đo huyết áp đúng cách:

Tại nhà: Đo 2 lần/ngày (sáng và tối), mỗi lần đo 2 lần cách nhau 1-2 phút, tư thế ngồi, tay ngang tim, đo tối thiểu 3 lần/tuần, tối ưu 7 lần/tuần, dùng máy chuẩn xác, nghỉ ngơi trước đo ít nhất 5 phút.

Tại cơ sở y tế: Đo 3 lần, lấy trung bình 2 lần sau, mỗi lần lần cách nhau 1-2 phút. Cần xác định huyết áp giữa hai tay – chọn tay có trị số cao hơn để theo dõi sau này, nghỉ ngơi trước đo ít nhất 5 phút.

Đánh giá nguy cơ toàn diện:

Định kỳ kiểm tra đường huyết, mỡ máu, chức năng thận, tổn thương cơ quan đích (tim, não, thận, võng mạc).

Phân tầng nguy cơ tim mạch theo bảng của WHO/ISH hoặc SCORE2 để đưa ra phác đồ phù hợp.

Điều trị cá thể hóa:

Người có huyết áp bình thường cao (130–139/85–89 mmHg) nếu kèm nguy cơ tim mạch cao cần điều trị thuốc sớm.

Người có tăng huyết áp thực sự (≥140/90 mmHg): khởi trị bằng phối hợp 2 thuốc liều thấp, ưu tiên trong 1 viên phối hợp (A+C hoặc A+D).

Cần theo dõi hiệu quả, tác dụng phụ và chỉnh liều định kỳ.

Đáp ứng điều trị:

Không chỉ đạt huyết áp mục tiêu (dưới 130/80 mmHg) mà cần duy trì ổn định liên tục trong ngày để phòng ngừa biến cố.

Tăng hiệu quả điều trị bằng việc theo dõi sát huyết áp và chia sẻ kết quả với bác sĩ.

Đầy đủ tuân thủ:

Không tự ý ngừng thuốc, không tự đổi liều.

Kết hợp với chế độ sống lành mạnh: ăn giảm muối, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, kiểm soát stress, ngủ đủ giấc.

Tái khám định kỳ và điều chỉnh thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-huyet-ap-dien-bien-am-tham-de-lai-bien-chung-hau-qua-nang-ne-169250426200916766.htm
Zalo