Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo: 'Huyết mạch' khơi thông mọi nguồn lực

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu cho rằng, cần lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới...

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo. (Nguồn: Quốc hội)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo. (Nguồn: Quốc hội)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 13/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Cân nhắc việc điều chỉnh mức trích lập Quỹ

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cho rằng, cần quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương phải dành cho đặt hàng các sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước.

Việc quy định rõ ràng một tỷ lệ bắt buộc sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay. Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Nghị định kèm theo quy định cụ thể về phương án tài chính đối với hoạt động đặt hàng theo hướng khoán chi để đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cho phép trích lập tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, cần mở rộng danh mục chi từ quỹ như lương cho nhân sự nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia, mua vật tư linh kiện phục vụ thử nghiệm, thử sản phẩm mẫu, tham dự hội thảo chuyên ngành, kiểm nghiệm, mua sắm thiết bị, máy móc và các sản phẩm công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu. Giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục cụ thể và quy định không bắt buộc lập đề tài, nhiệm vụ cho từng khoản chi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng quỹ theo nhu cầu thực tế, phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai. (Nguồn: Quốc hội)

Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai. (Nguồn: Quốc hội)

Liên quan Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai cho hay, dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” (khoản 1 Điều 65).

Nhưng nội dung này chưa hoàn toàn thống nhất với tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, Nghị quyết cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, điểm quan trọng là Nghị quyết 68 còn mở rộng phạm vi sử dụng quỹ, cho phép doanh nghiệp không chỉ triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển nội bộ, mà còn có thể đặt hàng nghiên cứu bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm một cách làm linh hoạt, phù hợp với xu hướng đổi mới sáng tạo mở hiện nay.

Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc việc điều chỉnh mức trích lập quỹ từ 5% lên mức cao hơn. Việc nâng tỷ lệ trích lập quỹ không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư bài bản, dài hạn vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, bền vững, có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Đề cập nội dung đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh cho rằng, một điểm tích cực trong dự thảo Luật là đã lần đầu tiên luật hóa hai nội dung quan trọng là Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia (Điều 38) và Sàn giao dịch vốn khởi nghiệp sáng tạo (Điều 39). Đây là những cơ chế thể chế có thể tạo cú hích đáng kể cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nếu được thiết kế và triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, do đặc thù của thị trường đầu tư mạo hiểm là “cao rủi ro – cao kỳ vọng”, đồng thời có thể sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nên Dự thảo cần quy định rõ hơn về các cơ chế giám sát, phòng ngừa rủi ro tài chính và đảm bảo minh bạch thị trường.

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. (Nguồn: Quốc hội)

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. (Nguồn: Quốc hội)

Động lực mới trong bứt phá kinh tế - xã hội

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được xem là huyết mạch khơi thông mọi nguồn lực, kết nối các lĩnh vực nhằm thúc đẩy hoạt động Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới trong tăng trưởng và phát triển bứt phá kinh tế - xã hội. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu nhằm thể chế hóa kịp thời, triệt để các tinh thần của Nghị quyết 45, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành.

Ngoài việc thiết kế các chính sách nhằm quản lý, phát huy có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề xuất, trong dự thảo Luật cần được chú trọng thêm về các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ các nhà khoa học một cách có chiều sâu và bền vững; bảo đảm Luật cũng chính là thông điệp truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có khát vọng, lý tưởng và đam mê trở thành nhà khoa học để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cũng cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Cần lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới - động lực tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Với những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật. Từ đó, đảm bảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có tính thực tiễn, khả thi và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các luật liên quan.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại; hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là chủ thể hỗ trợ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội...

Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định về hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy định về quản lý Nhà nước đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phi Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-huyet-mach-khoi-thong-moi-nguon-luc-314277.html
Zalo