Có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng?
Hành vi lợi dụng đấu giá đất để thổi giá, lũng đoạn thị trường đã được nhận diện. Và nếu không có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn sẽ chẳng khác nào 'vết dầu loang' gây bất ổn thị trường bất động sản (BĐS).
Vụ “phá” đấu giá đất ở Sóc Sơn
Xác định người “phá” đấu giá
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn vừa có báo cáo gửi lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn về người trả giá đất đấu giá lên đến 30 tỷ đồng/m2, sau đó bỏ đấu giá. Theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, tại vòng đấu thứ 5, một số thửa đất khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó có khách hàng P.N.T trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất (lô A12, A13, C6).
Bên cạnh đó, có khách hàng N.V.D trả giá 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất (B1, B10, B11, B12, B19, C7, A7, A8, A9, A10, A15, A16, A17). Hai khách hàng N.T.Q và N.T.T trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất (A2, A3, A4, A5, A6, B13, B14, B15, B16, B17). Ngoài ra, 2 khách hàng N.T.Q.L và N.Đ.T trả giá 50,4 triệu đồng/m2, 59,4 triệu đồng/m2, 62,4 triệu đồng/m2, 68,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất (A1, A11, B5, B6, B7, B8, C9, D5, D6, D7). Đến vòng thứ 6 (vòng đấu cuối cùng), có 36 thửa đất khách hàng không tiếp tục trả giá và 22 thửa đất khách hàng trả giá.
Kết thúc phiên đấu giá, có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/m2; tổng số tiền theo kết quả trúng đấu giá của 22 thửa đất là 112,2 tỷ đồng. Về 36 thửa đấu giá không thành do tất cả các khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng). Huyện Sóc Sơn sẽ cho đấu giá lại các lô đất này vào tuần tới và giao CA huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm người trên.
Có thể bị xử lý hình sự?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết. bản chất của hoạt động đấu giá đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá về quyền sử dụng đất, đây là thủ tục hành chính trong việc giao đất, đồng thời là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, nếu có hành vi cản trở, khiến cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất không thể thực hiện được thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết, trong hoạt động đấu giá tài sản, pháp luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản. Nếu người nào không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán tiền để nhận đất sử dụng, không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc, bỏ đấu giá khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại thì đây là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng.
Người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cản trở hoạt động đấu giá tài sản được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23, Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Mức phạt cao nhất có thể tới 10 triệu đồng. Còn trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường rồi không tham gia tiếp khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được, tổ chức không thành công và nếu bị xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tài Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hình phạt tù thấp nhất 3 tháng, cao nhất 7 năm tù.
Bởi vậy, theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của những người đã trả giá cao rồi không tham gia tiếp, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét mức độ và xử lý theo quy định của pháp luật. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong thị trường chứng khoán đã có những động thái xử lý những tình trạng như vậy nên trên thị trường BĐS cũng phải xử lý hành vi tương tự. Thậm chí trong luật an ninh mạng đã có quy định, lạm dụng hệ thống mạng và các phương tiện công nghệ thông tin để gây nhiễu loạn, tung tin thất thiệt cũng có thể phạm tội và có thể xử được.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Nguyên trưởng Khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính cho hay: “Trước hết chúng ta thấy rằng cái hành vi thao túng thị trường, làm giá, thổi giá bong bóng của bất cứ thị trường nào cũng đều là tội phạm kinh tế. Và đã có các quy định về xử phạt vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự. Vấn đề quan trọng là hành vi thao túng này rất tinh vi và phong phú, đa dạng. Vấn đề là làm sao để có thể chứng minh được đó là hành vi thao túng, thổi giá, làm giá cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Và theo quan điểm của tôi thì cần phải làm điểm đối với một số trường hợp để răn đe”.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Lê Văn Long - Giám đốc tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán VPS cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với quan điểm coi hành vi thao túng thị trường BĐS là tội phạm kinh tế, tương tự như hành vi lũng đoạn trong thị trường chứng khoán. Bởi có thể thấy rõ mức độ tương đồng cũng như sự nghiêm trọng của những hành vi này ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường. Xử lý mạnh tay đối với những hành vi này sẽ giúp cho thị trường BĐS phát triển bền vững, lành mạnh, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và người dân.
Trước đó, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90 - 224m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2. Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá. Tuy nhiên, tại vòng thứ 6, sự cố xảy xa khi một nhóm khách hàng có dấu hiệu "phá" phiên đấu giá này.