Cần nghiêm trị các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi
Công an Thành phố Hà Nội đã làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện để làm rõ những vấn đề liên quan, củng cố hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến những dấu hiệu bất thường xảy ra trong cuộc đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn, Công an Thành phố Hà Nội đã làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện để làm rõ những vấn đề liên quan, củng cố hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tại cuộc làm việc, những tài liệu liên quan đến cuộc đấu giá đã được huyện Sóc Sơn cung cấp để cơ quan công an điều tra làm rõ những hành vi vi phạm của nhóm đối tượng có dấu hiệu "phá" cuộc đấu giá. Theo quy chế, phiên đấu giá đất tại Sóc Sơn diễn ra vào ngày 29/11 sẽ có 6 vòng bắt buộc. Tuy nhiên, điều bất thường đã xảy ở vòng đấu thứ 5. Đó là một khách hàng đã trả giá cho 3 lô đất tới mức 30 tỷ đồng/m2. Và đến vòng 6, vòng cuối cùng để xét giá trúng, đồng loạt không trả giá. Điều này khiến 36 trong tổng số 58 lô đất đấu giá không thành, buộc huyện Sóc Sơn phải tổ chức đấu giá lại các lô này trong tháng 12. Ngay ngày hôm sau, tức 30/11, phiên đấu giá 22 lô đất tại huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng đã gặp phải những tình trạng tương tự, khi đến vòng thứ 8, khách hàng đồng loạt bỏ cuộc, không trả giá tiếp nên các lô đất đấu giá không thành công.
Vấn đề đặt ra ở đây, cần làm rõ hành vi và động cơ của nhóm người tham gia đấu giá đất cố tình trả giá cao tới mức phi lý rồi bỏ cuộc, bỏ tiền đặt cọc. Việc phải hủy đấu giá hàng trăm thửa đất không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu giá đất (giảm nguồn thu ngân sách, tốn kém chi phí tổ chức đấu giá), mà còn tạo dư luận xấu, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản ở khu vực nói riêng, Hà Nội nói chung.
"Vì vậy, những hành vi trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2 đất hay hàng trăm triệu đồng ngay từ các vòng đầu rồi bỏ cuộc cần được cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn vào cuộc làm rõ. Nếu xác định vi phạm pháp luật phải nghiêm trị nhằm răn đe các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, phá hoại quá trình thực thi nhiệm vụ của chính quyền địa phương", Luật sư Nguyễn Thái Hòa, Hội viên Hội Luật gia thành phố Hà Nội kiến nghị.
Thực tế hiện nay, giá đất trúng đấu giá đã bị các đối tượng đầu cơ "thổi" lên quá cao so với giá trị thực, tạo ra mặt bằng giá "ảo" nhằm trục lợi. Họ bất chấp rủi ro, sẵn sàng nộp đầy đủ số tiền đã trúng đấu giá để hợp thức hóa và sau đó lấy mức giá này làm căn cứ "thổi giá" đất ở khu vực và các vùng lân cận. Do vậy, giá nhà đất của Hà Nội từ vùng ven đô, hay trong ngõ nhỏ chật hẹp nội đô đều được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng/m2, khiến giấc mơ an cư của người dân càng trở nên khó khăn.
Để ngăn chặn tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường; sớm xem xét, điều chỉnh về cơ chế, chính sách, có những quy định chặt chẽ hơn để khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập trong đấu giá đất.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai cũng như ý kiến từ nhiều người dân, hình thức đấu giá nhiều vòng hiện nay chưa thực sự phù hợp, có phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, gây tốn kém và mệt mỏi cho cả đơn vị tổ chức cũng như người dân. Các phiên đấu giá nên áp dụng phương thức đấu giá một vòng, xác định người trúng giá bỏ giá từ cao xuống thấp, tương ứng với số thửa đất. Đặc biệt, số tiền đặt cọc phải nâng cao hơn, bởi quy định tiền đặt cọc tương ứng 20% giá trị thửa đất, trong khi giá khởi điểm rất thấp, dẫn đến nhiều người chấp nhận rủi ro bỏ cọc.
Vấn đề quan trọng nữa là các cấp, các ngành phải quyết liệt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án, vừa tránh lãng phí nguồn lực, vừa "khơi thông" nguồn cung về nhà ở. Đảm bảo cung - cầu, thị trường bất động sản mới trở về đúng giá trị thực, phát triển lành mạnh và bền vững và khi đó, người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở với giá hợp lý.