Cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng:Giải tỏa 'vòng kim cô' cho nhà khoa học

Nhiều năm qua, nền khoa học, công nghệ nước ta vẫn khó phát triển bởi một trong những nguyên nhân chủ yếu là thủ tục hành chính như 'ma trận'.

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội đã khơi thông những rào cản về cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu, giải tỏa "vòng kim cô", giúp các nhà khoa học tập trung nguồn năng lượng cho hoạt động nghiên cứu.

“Vật vã” với hóa đơn, chứng từ

Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của Đại học Phenikaa.

Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của Đại học Phenikaa.

Một trong những rào cản nghiên cứu khoa học trong những năm qua là quy định về tài chính cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam quá cồng kềnh, nhiêu khê và rất bất hợp lý.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các đề tài, dự án khoa học, công nghệ được thực hiện theo quy định như đầu tư cho xây dựng cơ bản, phải theo kế hoạch của năm tài chính. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt toàn bộ nhiệm vụ khoa học, công nghệ hằng năm cả về nội dung, sản phẩm và kinh phí, tổng hợp thành danh mục dự án vào dự toán ngân sách của Chính phủ, trình Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao dự toán vào đầu năm tiếp theo.

Cách làm này dẫn tới các nhà khoa học phải chờ đợi nhiều năm kể từ khi đề xuất đề tài cho đến khi nhận được kinh phí. Đề tài nào mới phát sinh sẽ không được bố trí kinh phí vì chưa có trong danh mục đã tổng hợp trước. Nhiều đề tài không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ mục tiêu và sản phẩm như dự kiến. Việc chậm tiến độ khiến quá trình thực hiện đề tài phải gia hạn nhiều lần, hiệu quả thấp.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các nhà khoa học từ lúc viết thuyết minh đến khi có quyết định phê duyệt triển khai và được cấp kinh phí mất tối thiểu một năm. Nhiều ý tưởng nghiên cứu khi được duyệt đã lỗi thời. Các đề tài phát sinh đột xuất để đáp ứng nhu cầu thực tiễn rất khó triển khai.

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, sự phức tạp, rối rắm, bất cập của cơ chế tài chính hiện nay khiến các nhà khoa học thường xuyên "vật vã" với khâu thanh toán dẫn đến ngại nghiên cứu, ngại làm đề tài. Vấn nạn thủ tục hành chính không chỉ làm nản lòng các nhà khoa học, làm giảm hiệu quả đầu tư cho khoa học, công nghệ, gây ra sự lãng phí chất xám, mà còn là một trong những lực cản chủ yếu khiến nền khoa học, công nghệ nước nhà khó có cơ hội phát triển, bứt phá, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số.

Tập trung thời gian, công sức cho nghiên cứu

Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học Phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp chia sẻ: “Khi còn làm việc ở nước ngoài, chúng tôi được toàn tâm toàn ý trong phòng thí nghiệm còn ở Việt Nam, các nhà khoa học có khi phải dành quá nửa thời gian ngoài phòng thí nghiệm cho những công việc hành chính. Có khi chúng tôi phải đi mua bán từng giọt hóa chất, máy móc hỏng cũng phải lo, thậm chí còn chạy đi đóng tiền điện cho phòng thí nghiệm. Những công việc "dưa cà mắm muối", thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán đề tài khiến thời gian dành cho việc nghiên cứu của nhà khoa học không trọn vẹn”.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương đề xuất: “Nếu đã phê duyệt một dự án nghiên cứu với một mức kinh phí nhất định thì không cần kiểm duyệt việc chi tiêu sử dụng từng công việc nhỏ lẻ, vì nghiên cứu khoa học không có định mức. Do đó, không thể bắt các nhà khoa học lên dự toán sẽ làm bao nhiêu thí nghiệm cho từng công việc rất cụ thể. Thay vào đó là giao khoán cho cả đề tài lớn, miễn sao khi kết thúc có báo cáo số liệu đầy đủ”.

Theo các nhà khoa học, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành rất kịp thời, thể hiện rõ sự “thấu hiểu” của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về những khó khăn thách thức với khoa học, công nghệ.

Trong đó, Nghị quyết số 193/2025/ QH15 cho phép thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết nghiên cứu mà không phải cam kết về kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ, đồng thời cũng có quy định miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

Để những nghị quyết quan trọng này thực sự đi vào đời sống, đem lại không gian rộng lớn hơn để phát huy sự sáng tạo, các nhà khoa học bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm ban hành những thông tư hướng dẫn cụ thể.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-che-khoan-chi-den-san-pham-cuoi-cung-giai-toa-vong-kim-co-cho-nha-khoa-hoc-698213.html
Zalo