Indonesia can thiệp mạnh mẽ để ổn định thị trường trước chính sách thuế của Mỹ
Thị trường chứng khoán Indonesia giảm 9% vào sáng sớm hôm nay khiến giao dịch phải dừng trong 30 phút, trong khi đồng ru-pi-a (rupiah) giảm 1,8% xuống mức thấp kỷ lục khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài và phản ứng với tình trạng hỗn loạn của thị trường toàn cầu do thuế quan của Mỹ gây ra.
Thị trường tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã đóng cửa kể từ ngày 28 tháng 3 do các ngày lễ và giao dịch tiếp tục vào hôm nay ngày 8 tháng 4. Trước khi nghỉ lễ, đồng rupiah đã chịu áp lực, giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Ngân hàng Indonesia trong một tuyên bố hôm qua cho biết sự can thiệp diễn ra trên thị trường giao ngay và thị trường kỳ hạn, cũng như trên thị trường trái phiếu thứ cấp, đồng thời cho biết thêm đã can thiệp ở nước ngoài tại các thị trường Châu Á, Châu Âu và New York.
Tuyên bố của Ngân hàng Indonesia nêu rõ, một loạt các biện pháp của Ngân hàng Indonesia nhằm mục đích ổn định tỷ giá hối đoái rupiah và duy trì niềm tin của những người tham gia thị trường và nhà đầu tư vào Indonesia.
Liên quan đến các biện pháp ứng phó mới với thuế quan của Mỹ, Chính phủ Indonesia cam kết nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ để giành lợi thế trong các cuộc đàm phán song phương và nới lỏng mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng ở mức 32% đối với Indonesia.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto trong cuộc họp báo- Nguồn Jakarta Post
Sau cuộc họp nhiều bên liên quan, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, Tổng thống Prabowo Subianto đã chỉ đạo thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ hơn. Indonesia có thể nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ hơn, mua sắm cho các dự án chiến lược quốc gia bao gồm lúa mì, bông hoặc thậm chí là các sản phẩm dầu khí. Bộ trưởng Kinh tế Indonesia cũng khẳng định, Indonesia sẽ "đi theo con đường đàm phán" và không áp dụng các biện pháp trả đũa.
Với việc áp dụng mức thuế này, một số ngành xuất khẩu chủ lực của Indonesia sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đối với một số sản phẩm, các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này là Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Campuchia, đều phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bản thân Indonesia sẽ thúc đẩy một số thỏa thuận và với một số nước ASEAN. Chúng tôi đã trao đổi với phía Malaysia, Singapore, Campuchia và những nước khác để hiệu chỉnh lập trường chung của ASEAN. Các nước ASEAN cũng sẽ có cuộc họp vào ngày mùng 10 tháng 4 tới để thảo luận các biện pháp.
Một phái đoàn cấp cao của Indonesia sẽ bắt đầu đàm phán với các quan chức Nhà Trắng muộn nhất là vào ngày 17 tháng 4. Tổng thống Prabowo Subianto tuyên bố Indonesia sẽ đưa ra các biện pháp phản ứng với cá cuộc đàm phán bình đẳng và công bằng.