Cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng, quản lý, bảo vệ Thủ đô, tạo đà cho Hà Nội phát triển bứt phá

Nhằm ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô, Luật Thủ đô 2024 đã quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên vươn mình.

Nhiều chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô

Trong Luật Thủ đô 2024, về quy hoạch và biện pháp thực hiện quy hoạch (Điều 17, Điều 18): cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch khác có liên quan. UBND TP quyết định việc điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoặc Thủ đô; điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật. Được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời trụ sở, cơ sở không phù hợp với quy hoạch được bàn giao cho UBND TP quản lý để ưu tiên xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh, xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Quy định về nguyên tắc quản lý sử dụng không gian ngầm; không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ (Điều 19).

Nhằm bảo đảm việc cải tạo, chỉnh trang đô thị phải phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc cảnh quan... Luật Thủ đô 2024 quy định cụ thể các trường hợp thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang; nguyên tắc thực hiện việc chỉnh trang trong trường hợp người dân đề xuất, trường hợp Nhà nước đứng ra tổ chức việc thực hiện chỉnh trang... Đồng thời, để huy động nguồn lực hỗ trợ cho chương trình, dự án, hoạt động phi dự án thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu vực nội đô lịch sử; tu bổ, phục hồi công trình kiến trúc có giá trị, Luật cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô, là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ (Điều 20).

Về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch: HĐND TP quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; quy định cụ thể các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa; quy định đối tượng, nội dung mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; vận động viên, huấn luyện viên... TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế... (Điều 21).

Về phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 22); y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân (Điều 26); chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (Điều 27): cho phép TP đầu tư xây dựng hệ thống trường công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn TP được hỗ trợ học phí; người học thường trú tại Hà Nội được hỗ trợ học phí học nghề.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình, cấp cứu ngoại viện, Luật giao HĐND quy định việc sử dụng ngân sách để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán; hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện; mức giá dịch vụ khám chữa bệnh... UBND TP xác định lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện...

Với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; Luật giao HĐND bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; thực hiện chương trình khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi trên địa bàn.

Cơ sở pháp lý để Hà Nội mạnh dạn thử nghiệm các sản phẩm, mô hình mới

Về phát triển khoa học công nghệ: nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô được giao theo phương thức tuyển chọn hoặc trực tiếp; doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách TP; TP được sử dụng ngân sách hỗ trợ để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ (Điều 23).

Đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc (Điều 24).

Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội mạnh dạn thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng; theo đó, việc thử nghiệm có thể bị giới hạn về không gian địa lý, về quy mô thử nghiệm, đối tượng tham gia... Thời hạn thử nghiệm tối đa là 3 năm, có thể gia hạn 1 lần không quá 3 năm. Luật cũng cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát được phép không áp dụng một số quy định của pháp luật hiện hành và giao HĐND quyết định phạm vi miễn áp dụng các quy định của pháp luật (Điều 25).

Cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, TP được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng; giao HĐND TP quy định chi tiết việc vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD... (Điều 31).

Với mục tiêu xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, bền vững; chú trọng đến tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, phòng chống thiên tai..., Luật Thủ đô 2024 cho phép HĐND quy định việc sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi để sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, kết hợp với du lịch, giáo dục trải nghiệm; việc xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm và giao HĐND quy định chính sách hỗ trợ cao hơn trong một số lĩnh vực nông nghiệp mà TP ưu tiên phát triển (Điều 32).

Luật Thủ đô 2024 cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Ảnh: Phạm Hùng

Luật Thủ đô 2024 cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Ảnh: Phạm Hùng

Điều 33 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định, HĐND TP được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo

Chia sẻ về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô theo quy định trong Luật Thủ đô 2024, TS Nguyễn Từ (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, Luật Thủ đô 2024 đã đề cập việc thu hút, trọng dụng người có tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có cả quy định về người Việt Nam và người nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Thủ đô 2024, việc thu hút, trọng dụng người có tài năng là công dân Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 16. Trong đó, người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này được hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP quy định.

Về chính sách ưu đãi, tại Điều 43 Luật Thủ đô 2024 quy định về các dự án đầu tư trên địa bàn TP được ưu đãi như: dự án đầu tư thành lập mới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội; cơ sở đào tạo người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; dự án đầu tư thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội; dự án hoạt động công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô.

Dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển làng nghề truyền thống.

Theo TS Nguyễn Từ, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định về một số dạng thức ưu đãi cũng được áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô. Trong đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bản TP.

Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp hay một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu các gói thầu của TP, bao gồm yêu cầu về doanh thu, nguồn lực tài chính, hợp đồng tương tự và các yêu cầu khác để phù hợp với đặc thủ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vừa thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Luật Thủ đô đã có một số quy định cụ thể để phát triển một số dạng thức mới có kiểm soát, đồng thời hướng tới thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo.

Điều 24 Luật Thủ đô 2024 về phát triển các khu công nghệ cao đề cập Ban Quản lý khu công nghệ cao và quy định: Ban Quản lý khu công nghệ cao là tổ chức hành chính thuộc UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghệ cao trên địa bản TP.

Theo quy định của Điều 24, Ban Quản lý khu công nghệ cao được chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được của các doanh nghiệp có trụ sở chính tại khu công nghệ cao hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị có vị trí công việc cần sử dụng người lao động nước ngoài mà phạm vi làm việc chỉ trong khu công nghệ cao; chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu hoạt động tại khu công nghệ cao; cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao; xác nhận người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Điều 25 Luật Thủ đô 2024 quy định về cơ chế cho phép việc thử nghiệm có kiểm soát. Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định đối với việc xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP và quy định cụ thể đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, theo đó Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.

Việc quy định về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước trong Luật Thủ đô 2024 đã bước đầu đáp ứng yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu công nghệ cao và phát triển mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo. Theo Điều 36 Luật Thủ đô 2024, TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trưởng, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Tố Uyên (Đại học Ngoại Thương) cho biết, Luật Thủ đô 2024 đã cụ thể hóa về cách thức hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng, nâng cao trình độ chuyên môn theo đúng sở trường. Để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tải và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng đi vào cuộc sống, Hà Nội phải quy định các tiêu chí xác định nhân tài. Theo đó, có tư cách, phẩm chất đạo đức, tinh thần cống hiến; có trình độ, năng lực vượt trội; phải có sản phẩm và sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Qua đó có thể đóng góp hiệu quả, thiết thực cho sự phát triển của Thủ đô.

Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 có đưa ra quy định HĐND TP được quyết định các chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này là vô cùng cần thiết khi Thủ đô đang cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách mọi mặt để phát huy mọi nguồn lực, đưa Hà Nội vươn lên xứng đáng với vai trò và vị thế của TP trong yêu cầu phát triển chung của đất nước.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-che-chinh-sach-dac-thu-trong-xay-dung-quan-ly-bao-ve-thu-do-tao-da-cho-ha-noi-phat-trien-but-pha.667754.html
Zalo