Chuyện xây cầu vượt biển đạt 10 kỷ lục thế giới

Trung Quốc vừa thông xe dự án nối liền Thâm Quyến - Trung Sơn, hệ thống cầu kết hợp đường hầm vượt biển nằm ở tỉnh Quảng Đông. Kỳ quan kỹ thuật này phá vỡ 10 kỷ lục thế giới khi khánh thành.

Kéo gần 2 thành phố

Hệ thống giao thông Thâm Quyến - Trung Sơn bao gồm một đường hầm dưới biển, hai cây cầu và hai hòn đảo nhân tạo vừa được chính thức thông xe từ ngày 8/7 theo giờ địa phương.

Hình ảnh hệ thống hầm, cầu Thâm Quyến – Trung Sương ẩn hiện trong sương. Ảnh: SCMP.

Hình ảnh hệ thống hầm, cầu Thâm Quyến – Trung Sương ẩn hiện trong sương. Ảnh: SCMP.

Tuyến đường dài 24km nối Thâm Quyến ở phía Đông cửa sông Châu Giang với thành phố Trung Sơn (Quảng Đông), giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ khoảng 2 giờ xuống còn dưới 30 phút.

Dự án nối liền Thâm Quyến - Trung Sơn lập 10 kỷ lục thế giới bao gồm: Sàn cầu cao nhất (91m), khoảng thông thủy cao nhất đối với cầu biển, neo cầu treo ngoài khơi lớn nhất (344.000m3 bê tông), tốc độ thử nghiệm cản gió cao nhất đối với cầu treo (83,7m/s).

Sàn cầu bằng thép lớn nhất lát nhựa đường epoxy trộn nóng (378.800m2), hầm ống chìm hai chiều 8 làn dài nhất, hầm ống chìm bê tông vỏ thép dưới nước rộng nhất (55,6m), lượng đúc lớn nhất cho đường ống chìm vỏ thép dùng bê tông tự nén (29.000m3/đoạn ống), băng cản nước hình chữ M có thể gập nhiều lần rộng nhất dùng trong khớp nối cuối cùng của đường hầm ống chìm (3m).

Trên hết, phần đường hầm có một số trang bị an toàn thú vị, bao gồm hệ thống cứu hỏa mới. Một đội 14 robot thường xuyên tuần tra đường hầm, theo dõi đường ống và dây cáp để mọi thứ vận hành trơn tru, thậm chí để mắt tới tai nạn xe hơi.

Để thực hiện dự án, đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công đã xây dựng một cây cầu treo có chiều cao tháp 270m và nhịp chính dài 1.666m cách bờ biển khoảng 15km, đạt tới 10 kỷ lục thế giới về kỹ thuật cầu đường.

Công trình đòi hỏi các kỹ sư phải đạt độ chính xác đến từng milimet, nhất là khi thực hiện lắp 23 phần hầm ngầm, mỗi phần nặng khoảng 80.000 tấn, dưới đáy biển sâu gần 40m ở vùng biển Lingdingyang.

Ngoài ra, trong vòng chưa đầy 6 tháng, các kỹ sư, công nhân phải xây dựng một hòn đảo nhân tạo trên biển có diện tích tương đương 19 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế.

Bất chấp thách thức, các dự án thành phần đều được hoàn thành đúng tiến độ, đúng thời gian dự kiến. Công trình còn được trang bị nhiều thiết bị để đảm bảo hoạt động an toàn và ổn định.

Chẳng hạn, trong hầm có lắp dải đèn có thể đổi màu theo nhiệt độ môi trường và điều kiện giao thông. Trong trường hợp khẩn cấp, các dải đèn sẽ chuyển sang màu đỏ, vàng hoặc xanh lục để giúp hướng dẫn người lái xe đến điểm an toàn.

Tầm nhìn kết nối

Dù gặp nhiều thách thức về địa lý và kỹ thuật, nhưng giới chức Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện bằng được dự án này, vì đây là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm tạo ra "vòng xoay giao thông kéo dài một giờ" trong khu vực vịnh lớn.

Phần hầm của tuyến Thâm Quyến – Trung Sơn. Ảnh: SCMP.

Phần hầm của tuyến Thâm Quyến – Trung Sơn. Ảnh: SCMP.

Ở đó, các thành phố Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông sẽ được liên kết thành một trung tâm kinh tế giống San Francisco và Vịnh Tokyo, thậm chí đối trọng với Thung lũng Silicon, Mỹ. Qua đó, phát triển nơi đây trở thành cụm thành phố đẳng cấp thế giới, trung tâm công nghệ và đổi mới, có môi trường kinh doanh thân thiện.

Trước khi có công trình giao thông này, người dân địa phương thường di chuyển bằng cầu Hổ Môn nối quận Phiên Ngung của Quảng Châu và Đông Quản - thành phố công nghiệp quan trọng tọa lạc tại Đồng bằng châu thổ Châu Giang.

Cầu Hổ Môn cách cây cầu mới khoảng 30km về phía Bắc, được xây dựng vào năm 1997 và ngày càng được sử dụng nhiều trong bối cảnh kinh tế khu vực tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây.

Không có chỗ cho sai lầm

Phỏng vấn những người trực tiếp tham gia, điều hành dự án, hãng tin China News Network đã ghi nhận nhiều câu chuyện hậu trường đằng sau một trong những dự án xuyên biển thách thức bậc nhất trên thế giới.

Ông Chen Weibin, Tổng giám đốc Trung tâm Công nghệ và Giám đốc phụ trách dự án xây dựng hầm ngầm khẳng định: "Quá trình xây dựng cấu trúc hầm ngầm vỏ thép không có chỗ cho sai sót. Vì đây là lần đầu tiên thực hiện nên nhóm đã ứng dụng công nghệ in 3G trong xây dựng giúp tiết kiệm 2.500 giờ sử dụng máy móc".

Trong quá trình xây dựng, các đơn vị thi công cũng đạt được nhiều đột phá trong nội địa hóa công nghệ chủ chốt.

Theo ông Suo Xuhong, Giám đốc Trung tâm Quản lý đo lường kiêm phụ trách Phòng Quản lý Dự án Liên kết Thâm Quyến - Trung Sơn của Công ty Kỹ thuật Cảng số 1, trong 7 năm qua, nhóm của ông đã đạt được hơn 170 bằng sáng chế, 8 thành tựu và nhiều bước cải tiến công nghệ lớn, bao gồm cả thành tựu tăng tốc xây dựng đảo nhân tạo.

Đơn cử, khi đối mặt với các điều kiện địa chất và thủy văn phức tạp, nhóm của ông Suo đã tự phát triển một loại tàu san bằng sỏi được ví như máy in 3D dưới nước.

Theo ông, các kỹ sư Trung Quốc đã nội địa hóa cả công nghệ về phần cứng và phần mềm với độ chính xác, hiệu quả cao đáp ứng rất nhiều thông số của hệ thống hầm ngầm.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trên thế giới, các kỹ sư còn tích hợp cả hệ thống định vị Bắc Đẩu trong quá trình xây dựng.

Chi thêm 4,13 triệu USD để bảo vệ môi trường

Theo China News Network, dự án giao thông Thâm Quyến - Trung Sơn cũng rất coi trọng việc bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Dải đèn trong hầm sẽ thay đổi theo điều kiện thời tiết và giao thông. Ảnh: SCMP.

Dải đèn trong hầm sẽ thay đổi theo điều kiện thời tiết và giao thông. Ảnh: SCMP.

Ông Ma Dingqiang, Giám đốc dự án nạo vét của công trình này cho hay, trong quá trình nạo vét, họ phát hiện một lượng lớn lượng đá phong hóa dưới đáy biển. Theo các phương pháp nạo vét truyền thống, cách tiếp cận thông thường, tiết kiệm và hiệu quả nhất sẽ là nổ mìn.

Tuy nhiên, địa điểm xây dựng nằm ở cửa sông Châu Giang trên tuyến đường di cư và là môi trường sống quan trọng của cá heo trắng Trung Quốc.

Sau khi đánh giá, một kỹ thuật phá đá cơ học chính xác ở vùng nước sâu và rãnh sâu đã được phát triển.

Ông Ma Dingqiang tiết lộ: "Để phát triển kỹ thuật này, đơn vị thi công đã tốn khoảng 30 triệu nhân dân tệ (tương đương 4,13 triệu USD) và mất hơn một năm để thực hiện. Tuy nhiên, tác động đến môi trường sống của cá heo trắng Trung Quốc đã được giảm thiểu đáng kể".

Theo Tập đoàn Vận tải Quảng Đông, khoảng 24 giờ sau khi tuyến đường này chính thức thông xe, lưu lượng đi trên tuyến đường vượt biển khổng lồ này đã lên tới 125.000 lượt xe các loại, thậm chí còn gây tắc nghẽn do quá đông người muốn đến trải nghiệm.

Hệ thống giao thông Thâm Quyến - Trung Sơn quan trọng đến mức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng chỉ vài giờ trước khi tuyến đường chính thức đi vào hoạt động.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định dự án này tiếp tục phá kỷ lục về kỹ thuật của một dự án khác là hệ thống cầu đường Hong Kong - Chu Hải - Ma Cao, qua đó cho thấy những bước tiến hiện đại hóa kiểu Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt được nhờ làm việc chăm chỉ.

Ông Tập nhấn mạnh tuyến đường này cần phải vận hành trơn tru và thông minh để đóng vai trò tiên phong trong giao thông và thúc đẩy sự phát triển chung ở phía Đông và phía Tây của Đồng bằng sông Châu Giang.

Ông cũng kêu gọi hợp tác nhiều hơn nữa để khu vực vịnh có thể trở thành biểu tượng về phát triển chất lượng cao và là ánh sáng dẫn đầu trong quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-xay-cau-vuot-bien-dat-10-ky-luc-the-gioi-192240711223230388.htm
Zalo