Các hãng công nghệ lớn Trung Quốc tích trữ chip nhớ băng thông cao Samsung khi chờ lệnh trừng phạt mới từ Mỹ

Một số hãng công nghệ lớn Trung Quốc như Huawei, Baidu, Tencent và công ty khởi nghiệp đang tích trữ chip nhớ băng thông cao (HBM) của Samsung Electronics để chuẩn bị cho lệnh hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ, theo ba nguồn tin của Reuters.

HBM là loại bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) tiêu chuẩn được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2013, trong đó các chip được xếp chồng theo chiều dọc để tiết kiệm diện tích và giảm tiêu thụ điện năng, giúp xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ do các ứng dụng AI phức tạp tạo ra. Khi nhu cầu về bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến tăng vọt trong bối cảnh bùng nổ AI tạo sinh thì nhu cầu về HBM cũng vậy.

Các công ty này đã tăng cường mua chip trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ đầu năm nay, làm Trung Quốc chiếm khoảng 30% doanh thu chip HBM của Samsung Electronics trong nửa đầu năm 2024, theo Reuters.

Các động thái trên cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị như thế nào để duy trì tham vọng công nghệ của mình trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác. Điều này cũng cho thấy căng thẳng đang tác động như thế nào đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Các nhà chức trách Mỹ đang có kế hoạch công bố biện pháp mới kiểm soát xuất khẩu chip đến Trung Quốc trong tháng 8 này, Reuters đưa tin vào tuần trước. Các nguồn tin cũng cho biết biện pháp này dự kiến sẽ đưa ra những thông số để hạn chế quyền tiếp cận chip HBM. Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận nhưng tuyên bố đang theo dõi và cập nhật các chính sách kiểm soát xuất khẩu để đảm bảo an ninh quốc gia cùng bảo vệ hệ sinh thái công nghệ của Mỹ.

Reuters chưa nêu chi tiết về các hạn chế chip HBM được đề xuất và chúng sẽ tác động như thế nào đến Trung Quốc.

Chip HBM, thường đi kèm với các bộ tăng tốc AI như GPU Nvidia H100, là thành phần không thể thiếu để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ đằng sau các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI. Hiện chỉ có ba công ty sản xuất chip HBM là SK Hynix và Samsung Electronics (Hàn Quốc) cùng Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ). Phân khúc thị trường này do SK Hynix thống trị, chiếm 50% thị phần toàn cầu, tiếp theo là Samsung Electronics và Micron Technology.

Nhu cầu của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào mẫu HBM2E, chậm hơn hai thế hệ so với phiên bản tiên tiến nhất HBM3E, theo các nguồn tin của Reuters. Sự bùng nổ AI toàn cầu đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung HBM2E.

"Do quá trình phát triển công nghệ trong nước vẫn chưa hoàn thiện, nhu cầu từ Trung Quốc với HBM của Samsung Electronics đã trở nên cực kỳ cao, vì sản phẩm của các nhà sản xuất khác đã được các công ty AI Mỹ đặt hàng hết", Nori Chiou, Giám đốc đầu tư tại hãng White Oak Capital Partners (Singapore), tiết lộ.

Dù khó có thể ước tính khối lượng hoặc giá trị các chip HBM tích trữ tại Trung Quốc, các doanh nghiệp từ nhà sản xuất vệ tinh đến các hãng công nghệ lớn như Tencent, Huawei, Baidu đã mua chúng, theo Reuters. Một trong những nguồn tin cho biết công ty khởi nghiệp thiết kế chip Haawking gần đây đã đặt hàng chip HBM từ Samsung Electronics.

Theo một nguồn tin của Reuters, Huawei đã sử dụng HBM2E từ Samsung Electronics để sản xuất chip AI Ascend tiên tiến.

Samsung Electronics và SK Hynix từ chối bình luận. Micron Technology, Baidu, Huawei, Tencent và Haawking không trả lời câu hỏi của Reuters. Các nguồn tin không muốn nêu tên do tính nhạy cảm của chủ đề này.

Các công ty Trung Quốc đã đạt được một số tiến triển trong việc sản xuất HBM, với Huawei và CXMT tập trung vào việc phát triển chip HBM2, chậm hơn ba thế hệ so với mẫu HBM3E (thế hệ thứ 5), Reuters đưa tin. Thế nhưng, những nỗ lực đó có thể bị ảnh hưởng bởi quy định mới của Mỹ.

Các hạn chế từ Mỹ với việc bán chip HBM cho Trung Quốc có thể có tác động lớn hơn đến Samsung Electronics so với đối thủ chính của họ, vốn ít phụ thuộc vào thị trường này hơn.

Micron Technology đã kiềm chế không bán các chip HBM của mình cho Trung Quốc kể từ năm ngoái. Trong khi SK Hynix tập trung nhiều hơn vào sản xuất chip HBM tiên tiến. SK Hynix có khách hàng chính là Nvidia, hãng chip AI lớn nhất thế giới.

Đầu năm nay, SK Hynix cho biết đang điều chỉnh sản xuất để mở rộng sản lượng HBM3E. Công ty Hàn Quốc thông báo đã bán hết chip HBM của họ trong năm nay và gần như bán hết vào năm 2025. SK Hynix cũng là nhà cung cấp chip HBM3 cho Nvidia.

Ngày 24.7, báo chí Hàn Quốc đưa tin HBM3 của Samsung Electronics đã vượt qua được vòng kiểm tra chất lượng để cung cấp cho Nvidia. Tuy nhiên, HBM3E vẫn đang tiếp tục trong quá trình thử nghiệm chất lượng.

Thông tin cho biết chip HBM3 của Samsung Electronics dự kiến sẽ chỉ được sử dụng cho GPU Nvidia H20 được phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc.

Sớm nhất là trong tháng 8 này, Samsung Electronics có thể bắt đầu cung cấp chip HBM3 cho Nvidia. Tuy nhiên, HBM3E hiện vẫn chưa đáp ứng các điều kiện thử nghiệm chất lượng.

Samsung Electronics từ chối tiết lộ về kết quả thử nghiệm HBM3, nhưng cho biết quá trình thử nghiệm chất lượng với HBM3E đang diễn ra thuận lợi.

Một số hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc và công ty khởi nghiệp đang tích trữ chip nhớ HBM từ Samsung Electronics để chuẩn bị cho lệnh hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ - Ảnh: Internet

Một số hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc và công ty khởi nghiệp đang tích trữ chip nhớ HBM từ Samsung Electronics để chuẩn bị cho lệnh hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ - Ảnh: Internet

Mỹ định trừng phạt thêm 120 thực thể Trung Quốc, miễn trừ quy tắc mới kiểm soát xuất khẩu thiết bị chip với đồng minh

Chính quyền Biden lên kế hoạch công bố quy định mới vào tháng 8, sẽ mở rộng quyền hạn của Mỹ trong việc ngăn chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ một số quốc gia nước ngoài sang các hãng chip Trung Quốc, theo hai nguồn tin của Reuters.

Tuy vậy, các đồng minh của Mỹ cung cấp thiết bị sản xuất chip then chốt gồm Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc sẽ được miễn trừ, hạn chế bị tác động bởi quy định này, theo những nguồn tin không được phép nói chuyện với giới truyền thông và từ chối nêu tên.

Qua đó, các nhà sản xuất thiết bị chip lớn như ASML (Hà Lan) và Tokyo Electron (Nhật Bản) sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo một trong những nguồn tin, biện pháp mới (một phần mở rộng của quy định được gọi là Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài) sẽ cấm khoảng nửa tá nhà máy sản xuất chip Trung Quốc tiếp nhận hàng xuất khẩu từ nhiều quốc gia. Những nơi bị ảnh hưởng là Israel, Đài Loan, Singapore và Malaysia.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ, đơn vị giám sát kiểm soát xuất khẩu, đã từ chối bình luận.

Khi được hỏi về biện pháp kiểm soát xuất khẩu sắp tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lâm Kiếm cho biết nỗ lực của Mỹ nhằm "ép buộc các quốc gia khác đàn áp ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc" làm suy yếu thương mại toàn cầu và gây tổn hại cho tất cả các bên.

Lâm Kiếm nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng các quốc gia liên quan sẽ chống lại nỗ lực từ Mỹ và bảo vệ lợi ích lâu dài của họ.

"Việc kiềm chế và đàn áp không thể ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc, mà chỉ tăng cường quyết tâm và khả năng phát triển khả năng tự lực về khoa học và công nghệ của Trung Quốc", ông nói.

Để cản trở các đột phá về siêu máy tính và AI có thể mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với chip và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc vào năm 2022, 2023.

Quy định mới, đang ở dạng dự thảo, cho thấy cách chính quyền Biden tìm cách duy trì áp lực lên ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng không gây bất bình cho các đồng minh.

Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài quy định rằng nếu một sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, chính phủ Mỹ có quyền ngăn chặn việc bán nó, gồm cả sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài.

Quy tắc này đã được Mỹ áp dụng nhiều năm để giữ cho các chip sản xuất ở nước ngoài không thể đến Huawei. Gã khổng lồ công nghệ này đã tự đổi mới sau khi gặp khó khăn với các hạn chế của Mỹ và đang là trung tâm sản xuất, phát triển chip tiên tiến của Trung Quốc.

Một phần khác của gói biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sẽ giảm lượng nội dung của Mỹ cần thiết để xác định khi nào các mặt hàng nước ngoài phải chịu sự kiểm soát của Mỹ. Các nguồn tin cho biết điều đó sẽ đóng lỗ hổng trong Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài.

Ví dụ, thiết bị có thể được chỉ định là nằm trong diện kiểm soát xuất khẩu chỉ vì một chip chứa công nghệ của Mỹ tích hợp vào nó, họ cho biết.

Mỹ cũng có kế hoạch thêm khoảng 120 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của mình, gồm nửa tá nhà máy sản xuất chip cùng các nhà sản xuất công cụ, nhà cung cấp phần mềm EDA (tự động hóa thiết kế điện tử) và những công ty liên quan.

Ngoài Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc, dự thảo quy định miễn trừ hơn 30 quốc gia khác thuộc cùng nhóm A:5.

Trên trang web của mình, Bộ Thương mại Mỹ cho biết phân loại các quốc gia thuộc nhóm nhóm A:5 dựa trên các yếu tố như quan hệ ngoại giao và lo ngại về an ninh. Việc phân loại này giúp xác định các yêu cầu cấp phép và đơn giản hóa các quy định kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo thương mại quốc tế hợp pháp và an toàn. Hiện tại, danh sách cụ thể các quốc gia thuộc nhóm A:5 không được Mỹ công bố công khai một cách đầy đủ. Việc này để duy trì tính linh hoạt trong chính sách ngoại giao và thương mại.

Những miễn trừ theo kế hoạch là dấu hiệu cho thấy Mỹ cần phải ngoại giao khi thực hiện các hạn chế.

"Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiệu quả phụ thuộc vào sự tham gia của nhiều bên. Chúng tôi liên tục hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia chung", một quan chức Mỹ từ chối nêu tên cho biết.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-hang-cong-nghe-lon-trung-quoc-tich-tru-chip-nho-bang-thong-cao-samsung-khi-cho-lenh-trung-phat-moi-tu-my-222425.html
Zalo