Chuyện về nữ cán bộ 'hai trong một' ở làng Nẽh Xo

Người dân vùng đất Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai rất tự hào và hay nhắc đến tên Kpuih Hạnh, bởi chị là người phụ nữ Jrai đầu tiên ở vùng đất này vừa được bầu làm Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn.

Nữ cán bộ “hai trong một”, luôn gần dân, bám thôn làng, nắm chắc công việc nên trên cương vị nào chị Hạnh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bà con tin tưởng, yêu quý, nghe và làm theo.

Từ một làng nghèo

Trở lại làng Nẽh Xo (xã Ia Tôr) lần này, chúng tôi đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, quang cảnh thôn làng và đời sống của người dân nơi đây đổi thay một cách mau lẹ. Những con đường được bê tông hóa chạy theo từng ô như “bàn cờ” theo bố trí nhà ở của từng hộ dân, hai bên mép đường được chị em phụ nữ trồng và chăm sóc hoa các loại, nở theo mùa rất đẹp.

Chị Kpuih Hạnh bên vườn cà phê của mình.

Chị Kpuih Hạnh bên vườn cà phê của mình.

Gặp chúng tôi, chị Kpuih Hạnh cười vui, rồi nói như khoe: "Các anh chị biết đó, 5 năm trước ai muốn vào làng Nẽh Xo đều đi qua những con đường đầy bụi đỏ mùa khô, sụt lún về mùa mưa. Hạt lúa, hạt cà phê, củ mì của bà con làm ra mang đi mua bán, tiêu thụ không dễ chút nào, nên dễ bị tiểu thương ép giá, đời sống bà con đã khổ, lại khó khăn hơn. Với suy nghĩ “mình là cán bộ, đảng viên, lại được mọi người bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn mà để cho dân đói khổ là không hoàn thành nhiệm vụ, là có tội với bà con”, nên ngày đêm tôi luôn trăn trở với câu hỏi đặt ra “làm hay không làm”, đã làm thì phải đặt cuộc sống của bà con lên trên hết. Từ đó tôi luôn nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước rồi vận dụng để nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của chi bộ, năng lực công tác của từng đảng viên; chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện; gương mẫu, nói đi đôi với làm. Cái bụng dân no, thôn làng an bình thì mình mới hạnh phúc".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, làng Nẽh Xo hiện có 143 hộ, 630 khẩu hầu hết là bà con dân tộc thiểu số; chi bộ thôn có 35 đảng viên, 5 năm qua đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Với phương châm họ làm được, thì mình cũng làm được, đảng viên đi trước, làng nước theo sau, việc gì dễ thì làm trước, khó làm sau… Nữ Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nẽh Xo Kpuih Hạnh đã tổ chức họp chi bộ, lấy ý kiến dân chủ, phân công đảng viên đến từng gia đình nắm bắt hoàn cảnh để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp người dân phát triển sản xuất theo mô hình “trồng cây xen canh”, “chuyển đổi cây trồng”… nhất là gương mẫu thực hiện để bà con tin tưởng, ủng hộ và làm theo.

Từ một ngôi làng nghèo khó, những mái nhà tranh, nhà tôn “cô đơn” trong nắng, trong gió không một bóng cây, đến nay bà con đã trồng, thu hoạch và khai thác hiệu quả hơn 140ha cà phê, 73ha lúa, hơn 170 trụ tiêu, gần 40ha cao su...; cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm đã hội tụ đầy đủ; đường làng, ngõ xóm đã phủ đầy bóng cây xanh. Thu nhập bình quân mỗi người dân từ 43 đến 45 triệu đồng người/năm, Nẽh Xo không còn hộ nghèo đói. Hằng năm, 97% gia đình của thôn được công nhận là gia đình văn hóa; thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” 5 năm liên tục. Với những thành tích đạt được, tháng 6-2024 làng Nẽh Xo vinh dự được UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Muốn thoát nghèo thì làm theo cán bộ

Chiều buông mình trong nắng nhẹ, trở về sau một ngày bám rẫy, chăm cây, gặp chúng tôi, ông Rơ Châm Hiêng (67 tuổi, dân tộc Jrai) chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Một năm quần quật lao động bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cuối mùa chỉ thu về 10-12 bao lúa. Chưa đến ngày giáp hạt nhưng chòi lúa đã cạn không còn hạt nào. Nhìn ba đứa con đói, lạnh, không có sách vở đến trường mà thương đến quặn lòng mà lực bất tòng tâm. Nhưng nay thì khác rồi, nhờ được cán bộ của xã, huyện, nhất là đảng viên Kpuih Hạnh, cán bộ của thôn làng hướng dẫn cụ thể cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê, hồ tiêu, cao su, lại được hỗ trợ cây giống, vật nuôi nên nhà mình đã trồng và thu hoạch 2ha cà phê, 70 trụ tiêu, 3 sào lúa, 3 con bò… Năm vừa rồi, trừ chi phí các khoản vẫn còn hơn 130 triệu đồng. Số tiền này chỉ 3 năm trước đây vợ chồng mình nằm mơ cũng không có".

 Chị Kpuih Hạnh (người trong cùng) đang hướng dẫn bà con dân làng cách chăm sóc, thu hoạch cà phê.

Chị Kpuih Hạnh (người trong cùng) đang hướng dẫn bà con dân làng cách chăm sóc, thu hoạch cà phê.

Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hướng dẫn nhiệt tình, cụ thể của của nữ cán bộ “hai trong một” Kpuih Hạnh, gia đình chị Kpuih Dong (47 tuổi, dân tộc Jrai) đã chuyển đổi 1,2ha đất trồng mì (sắn) không hiệu quả, sang trồng cà phê xen canh sầu riêng. Không những biết trồng, chăm sóc, chị Dong còn biết cách cắt cành, ép xanh, tạo dáng và thu hoạch cà phê, nên vườn cây của gia đình chị khi nào cũng xanh tốt, sai quả, hai năm qua giá lại cao, nên đời sống vật chất tinh thần của gia đình ngày một lên cao.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Để có được kết quả như ngày hôm nay, cái khó của người cán bộ thực hiện nhiệm vụ “hai trong một” như thế nào? Nở nụ cười tươi, nữ Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Kpuih Hạnh vui vẻ nói: "Bà con dân tộc thiểu số, nhất là phái nữ nói ra đã khó, nhưng làm còn khó hơn. Để được nhân dân tin yêu và ủng hộ, mình phải tiên phong, đi đầu trong mọi hoạt động, biết nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin, từ đó, mới tập hợp được quần chúng, xây dựng sự đoàn kết vững chắc từ trong chi bộ, đến bà con trong thôn làng.

Việc đầu tiên là vợ chồng mình đi học rồi về trồng cây xen canh, để lấy ngắn nuôi dài, cùng với chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây mà thị trường tiêu thụ nhiều, giá cao như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu. Không tránh khỏi những thất bại ban đầu, như tiêu chết, cà phê bị nấm rụng trái… quyết không nản. Vừa đi học hỏi kinh nghiệm, nhất là cách trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch… trời không phụ công người, thế là vườn cây của mình xanh tốt, sai quả. Cái bụng mừng bao nhiêu, thì phải bày cho dân làng bấy nhiêu. Bà con thấy mình làm được, mình hướng dẫn tận tình là họ nghe và làm theo. Làng Nẽh Xo bắt đầu khởi sắc từ đó".

Đồng chí Đinh Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: “Nẽh Xo là một trong những thôn làng thuộc diện vùng sâu, vùng xa của bà con dân tộc thiểu số, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những năm gần đây, đời sống của người dân Nẽh Xo không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, diện mạo nông thôn từng bước được cải thiện theo hướng xanh - sạch - đẹp. Có được thành tích đó là nhờ sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong thôn, trong đó có dấu ấn lớn của Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Kpuih Hạnh”.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/chuyen-ve-nu-can-bo-hai-trong-mot-o-lang-neh-xo-824787
Zalo