Chuyện sáp nhập tỉnh: Góc nhìn của một người Việt ở Nhật Bản
Từ Tokyo - Nhật Bản, bạn đọc Lâm Mộc An gửi đến Diễn đàn 'Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp xã: Nghe dân nói' những lời chia sẻ chân tình về chủ trương trọng đại của đất nước cùng với những kinh nghiệm quý từ xứ sở hoa Anh Đào.
Những ngày này, câu chuyện về sáp nhập tỉnh đang nóng lên trên các diễn đàn, trong từng gia đình và các trang tin tức mà tôi thường đọc.
Có người lo lắng, có người băn khoăn, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến đồng tình, bởi ai cũng mong muốn một hệ thống hành chính tinh gọn, hiệu quả hơn, giúp đất nước phát triển mạnh mẽ.
Tôi nhớ có lần về quê ăn Tết, chỉ một quãng đường ngắn từ sân bay về nhà một người bạn, chúng tôi đã phải đi qua hai tỉnh. Bạn tôi bảo, cậu thấy không, mỗi tỉnh lại có một bộ máy hành chính riêng, biển báo chào mừng riêng, và thậm chí giá dịch vụ cũng khác nhau. Lúc đó chúng tôi còn đùa nhau: "Sao hai địa phương có chung văn hóa, phong tục, kinh tế tương đồng mà không thể là một nhỉ?".
Họ hàng tôi chia làm hai nửa - một ở Hải Phòng, một ở Hải Dương, ngay sát ranh giới giữa hai tỉnh. Thuở nhỏ, bố mẹ thường đưa tôi sang Hải Phòng chơi. Khi ấy, tôi hay thắc mắc: "Sao nhà mình không thuộc Hải Phòng luôn nhỉ?".

TP Hải Dương. Ảnh: Phạm Hải
Trong đôi mắt trẻ thơ của tôi, sự khác biệt hiện lên thật rõ ràng, nông thôn Hải Phòng đường sá đã được trải nhựa phẳng lỳ, còn bên khu nhà tôi ở Hải Dương, những con đường đất vẫn hun hút kéo dài. Chỉ vì những điều giản đơn ấy, tôi lại nuôi một mong ước mãnh liệt, giá mà Hải Dương và Hải Phòng có thể nhập làm một...
Hiện tôi sinh sống ở Nhật. Khi tìm đọc về cải cách hành chính của nước này, tôi thấy họ cũng liên tục sắp xếp lại các đơn vị hành chính để phù hợp với sự thay đổi của xã hội. Vào tháng 4/1999, Nhật Bản có 3.232 đơn vị hành chính cấp hạt (bao gồm thành phố, thị trấn và làng), nhưng đến tháng 1/2022, con số này giảm xuống còn 1.718 hạt.
Cuộc đại sáp nhập “Heisei Daigappei” này giúp nước Nhật tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách và tăng chất lượng dịch vụ công. Những thị trấn nhỏ, không đủ dân số và nguồn lực để phát triển, được sáp nhập vào các thành phố lớn hơn để đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn. Đây cũng là một giải pháp nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số và sự di cư từ nông thôn ra thành thị…
Tất nhiên, thay đổi nào cũng đi kèm thách thức. Nhiều người sẽ lo lắng về việc thay đổi địa giới hành chính có thể ảnh hưởng đến giấy tờ, thói quen sinh hoạt, thậm chí là tâm lý “tỉnh lẻ” của người dân. Nhưng nếu nhìn xa hơn, chúng ta sẽ thấy những lợi ích lớn mà điều này mang lại. Một địa phương lớn mạnh hơn, có nền kinh tế tốt hơn, có khả năng cạnh tranh cao hơn thì người dân cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Những người Việt xa xứ như tôi khi gặp nhau, chúng tôi không hỏi quê tỉnh nào, mà chỉ đơn giản mừng rỡ khi gặp đồng hương. Với chúng tôi, người Việt ở đâu cũng là người Việt. Nếu một ngày, quê hương tôi có một địa danh hành chính mới, tôi cũng không thấy xa lạ, miễn là sự thay đổi ấy mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con ở quê nhà.
Sáp nhập tỉnh, nếu làm đúng cách, không chỉ là chuyện địa giới hành chính, mà còn là một bước đi để đất nước phát triển bền vững hơn.
Lâm Mộc An (từ Tokyo, Nhật Bản)
Mời bạn đọc tham gia Diễn đàn: “Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp xã: Nghe dân nói”.
Các ý kiến góp ý, hiến kế trực tiếp comment vào phần bình luận phía dưới hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ mail: nhomchinhtri@vietnamnet.vn. Những bài phân tích sâu, tập trung vào giải pháp sẽ được trích đăng riêng.
Trân trọng cảm ơn!