Thuế quan đối xứng của Tổng thống Trump định hình lại thương mại toàn cầu

Chính sách thuế quan đối xứng của Tổng thống Trump đang gây xáo trộn thương mại quốc tế, đặt ra thách thức lớn cho nhiều nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Bình luận trên mạng tin China-US Focus (chinausfocus.com) mới đây, chuyên gia Zhang Monan, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Mỹ và châu Âu có trụ sở tại Trung Quốc, cho rằng việc áp dụng thuế quan đối xứng thể hiện thay đổi quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ. Quá trình chuyển từ các cam kết thương mại đa phương sang các thỏa thuận song phương hoặc khu vực là một nỗ lực chiến lược nhằm định nghĩa lại thương mại quốc tế và cuối cùng mang lại cho Mỹ lợi thế.

Những nguyên tắc cốt lõi của chính sách thuế quan đối xứng

Theo bà Zhang, chính sách thuế quan đối xứng của chính quyền Trump dựa trên ba nguyên tắc chính: Thứ nhất là tỷ lệ thuế quan ngang bằng. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2023, mức thuế trung bình của Mỹ chỉ là 2,2%, thấp hơn nhiều so với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc (3%), Hàn Quốc (8,4%) và Ấn Độ (12%). Chính quyền Trump cho rằng sự chênh lệch này gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Nguyên tắc thứ hai là cân bằng cán cân thương mại. Năm 2023, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mexico nằm trong số những đối tác đóng góp lớn nhất vào thâm hụt thương mại của Mỹ, với 5 nước đứng đầu chiếm khoảng 3/4 tổng thặng dư. Do đó, chính sách thuế quan đối xứng nhằm giảm thâm hụt này bằng cách áp thuế bổ sung đối với các quốc gia có thặng dư đáng kể.

Nguyên tắc thứ ba là ngang bằng của chính sách phi thuế quan. Chính quyền Trump lập luận rằng hệ thống thuế giá trị gia tăng (GTGT) - phổ biến ở nhiều quốc gia nhưng không tồn tại ở Mỹ - hoạt động tương tự như thuế quan và gây bất lợi cho Mỹ. Năm 2023, mức thuế suất thuế GTGT chuẩn trung bình trên 27 quốc gia thành viên EU là 21,5%, trong khi đó Mỹ không có thuế GTGT liên bang, chỉ có thuế bán hàng cấp tiểu bang lên đến 11,5%.

Định hình lại thương mại toàn cầu

Theo bà Zhang, chính sách thuế quan đối xứng thể hiện một thay đổi quan trọng trong chiến lược thương mại của Mỹ: "Việc chuyển từ các cam kết thương mại đa phương sang các thỏa thuận song phương hoặc khu vực là một nỗ lực chiến lược nhằm định nghĩa lại thương mại quốc tế và cuối cùng mang lại cho Mỹ lợi thế".

Một nghiên cứu năm 2019 phân tích hơn 600.000 danh mục sản phẩm trên 132 quốc gia cho thấy hơn 2/3 sản phẩm của Mỹ phải chịu mức thuế cao hơn ở nước ngoài so với các sản phẩm nước ngoài tại Mỹ. Dựa trên những số liệu này, chính quyền Trump đã ưu tiên giám sát các biện pháp thuế quan và rào cản thương mại ở các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất và mức thuế quan cao nhất đối với Mỹ.

Chính sách thuế quan đối xứng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là trụ cột trung tâm trong chương trình nghị sự thương mại nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, thể hiện triết lý "Nước Mỹ trên hết" và tăng cường cách tiếp cận bảo hộ của Washington. Đồng thời, biện pháp này diễn giải lại nguyên tắc đối xứng trong thương mại trong khuôn khổ WTO, thách thức trật tự thương mại đa phương hiện tại.

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa thực hiện đầy đủ chính sách thuế quan đối xứng, để lại chỗ cho các cuộc đàm phán thương mại tiềm năng. Các thông tin chỉ ra rằng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đang chuẩn bị cho các thỏa thuận thương mại tiềm tàng để ứng phó với sáng kiến trên.

Tuy nhiên, việc áp dụng thuế quan đối xứng đã gây ra căng thẳng trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại leo thang. Trung Quốc, Canada, EU, Australia và Brazil đã công bố các biện pháp đối phó, trong khi các quốc gia khác đang cân nhắc các hành động tương tự. Đáng chú ý, căng thẳng dường như đang mở rộng từ các tranh cãi song phương sang các cuộc đối đầu đa phương, có khả năng dẫn đến tình trạng bế tắc kinh tế toàn cầu.

Đối mặt với chính sách thuế quan cứng rắn của chính quyền Mỹ, các quốc gia trên thế giới - bao gồm cả các đồng minh truyền thống của Mỹ - đang đánh giá lại mối quan hệ thương mại với Washington và tìm kiếm các quan hệ đối tác thay thế. Thay đổi này đang đẩy nhanh quá trình định hình lại động lực thương mại toàn cầu.

Như vậy, bằng cách tìm cách định nghĩa lại các quy tắc thương mại quốc tế thông qua chính sách thuế quan đối ứng, Mỹ đang buộc các quốc gia khác phải đánh giá lại và hiệu chỉnh lại chính sách thương mại riêng. Thay đổi này đặt nền tảng cho một chuyển đổi sâu sắc của chế độ thuế quan toàn cầu, gây tác động lâu dài đối với cấu trúc thương mại quốc tế và các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thue-quan-doi-xung-cua-tong-thong-trump-dinh-hinh-lai-thuong-mai-toan-cau-20250331150501650.htm
Zalo