Chuyện những người lính Đoàn 500 đi lấn biển (Kỳ 3)

Khu nuôi tôm công nghệ cao ở xã Kim Đông.

Khu nuôi tôm công nghệ cao ở xã Kim Đông.

Trước thách thức của cuộc chiến trước biển, nhiều đơn vị thuộc Quân khu III đã họp bàn, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã được trưng cầu nhằm đưa ra những luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho công trình lấn biển Cồn Thoi để rồi đi đến quyết định: Bộ Quốc phòng làm chủ quản; Bộ Tư lệnh Quân khu III làm chủ đầu tư và Dự án phải có sự đầu tư của Nhà nước. Đây được xem là sự thay đổi cơ bản, quan trọng về cơ chế quản lý công trình, "cởi trói" cho những ràng buộc từ cơ chế bao cấp. Phương thức quản lý mới cũng đã cho phép mở rộng các hình thức khoán để nâng cao hiệu suất khai thác vùng bãi bồi, có sự quản lý và kiểm soát của Nhà nước. Trong quá trình thi công Dự án đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để huy động được nhiều nguồn lực vừa xây dựng, vừa khai thác sản xuất, phát huy hiệu quả kinh tế của Dự án.

Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Kỳ, Tư lệnh Quân khu 3 và cơ quan Quân khu xuống kiểm tra công trình dự án Bình Minh III (ảnh tư liệu).

Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Kỳ, Tư lệnh Quân khu 3 và cơ quan Quân khu xuống kiểm tra công trình dự án Bình Minh III (ảnh tư liệu).

Các phương án thi công đắp đê cũng được tính toán cụ thể, khoa học hơn. Trước khi đắp đê, các đơn vị đã trồng các loại cây chắn sóng như cây vẹt, cây sú, sau đó tiến hành đắp trục đường chĩa thẳng ra biển và các đường xương cá liên kết các đường trục để làm giảm lưu lượng nước khi hạp long. Những biện pháp thi công mới cũng được áp dụng vào thực tế, đó là dùng máy nổ Đ12 (hoặc Đ18) lắp trục và lưỡi phay đất bơm hút bùn, cát từ xa chuyển về đắp đê. Kỹ thuật này giúp việc thi công được thực hiện suốt ngày đêm, giảm công lao động mà hiệu quả lại cao. Những mũi tấn công ra biển trên phạm vi toàn công trường đã xuất quân rầm rộ. Mỗi ngày trên toàn tuyến có đến hàng nghìn lao động. Sau mỗi ngày, mỗi tuần lao động, các đơn vị đều rút kinh nghiệm, tổ chức hội thao, kiểm tra kỹ thuật thi công nên năng suất dần được nâng lên.

Thực hiện chủ trương "lấy ngắn nuôi dài", quân đội và nhân dân tham gia đắp đê đều được nhận khu vực riêng để kiến thiết nội đồng, khai thác sản xuất với phương châm "Lúa lấn cói - cói lấn sú vẹt - sú vẹt lấn biển". Từ năm 1985, các đơn vị trên toàn công trường vừa đắp đê, vừa trồng lúa, cói, qua đó cải thiện bữa ăn, nâng cao sức khỏe bộ đội. Công tác bảo đảm an ninh trật tự trên vùng bãi bồi cũng được quan tâm thực hiện, giúp bộ đội, nhân dân yên tâm ra quai đê, lấn biển.

Cùng với quai đê, thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Quyết khi đó là Chính ủy Quân khu 3: "Trong chiến tranh không để súng ngủ, người ngủ; trong hòa bình không để đất lười, người lười, vươn ra biển Đông làm giàu, đánh thắng", cán bộ, chiến sĩ Đoàn 500 lại cùng với nhân dân đào sông, đắp đường, thau chua rửa mặn, sớm đưa vùng đất sa bồi màu mỡ vào canh tác. Những cây lúa, cây cói được đưa vào trồng cũng là lúc nhiều cư dân mới ở khắp mọi miền tề tựu về đây sinh cơ, lập nghiệp.

Những cư dân ở khắp mọi miền đã về Kim Đông để khai cơ lập ấp.

Những cư dân ở khắp mọi miền đã về Kim Đông để khai cơ lập ấp.

Câu chuyện "biến biển thành đồng" đối với người lính lấn biển còn là bước chuyển trong thay đổi tư duy với tầm nhìn chiến lược cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người lãnh đạo, chỉ huy. Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 500 nhớ lại: Trước kia quan điểm chỉ đạo là "Sú, vẹt lấn biển, cói lấn sú, vẹt và cuối cùng là lúa lấn cói". Gần 10 năm cấy lúa, trồng cói đã góp phần rất lớn đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh Ninh Bình. Năm 2001, khi tôi được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng Đoàn 500, từ thực tiễn chỉ huy, tôi nhận thấy hiệu quả của nông nghiệp truyền thống đã đến giới hạn (từ 3 tấn lúa/ha lên đến 10 tấn/ha). Năng suất lúa đã kịch trần, không thể tăng được nữa. Vì vậy để khai thác tiềm năng, phát triển vùng đất "Núi vàng" phải chuyển đổi cây trồng, con nuôi theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, mà cụ thể là chuyển đổi mục tiêu dự án lấn biển Bình Minh III từ trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản; phải đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu vùng nuôi tôm công nghiệp, thâm canh, bán thâm canh, phải chuyên môn hóa, hợp tác hóa.

Đồng chí Đoàn trưởng Đoàn 500 Trần Tiên Tiến trình bày trước thủ trưởng Bộ Quốc phòng về tính cấp thiết chuyển đổi mục tiêu dự án lấn biển Bình Minh III.

Đồng chí Đoàn trưởng Đoàn 500 Trần Tiên Tiến trình bày trước thủ trưởng Bộ Quốc phòng về tính cấp thiết chuyển đổi mục tiêu dự án lấn biển Bình Minh III.

Các cơ quan Bộ quốc phòng họp tại Ban quản lý về việc chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III.

Các cơ quan Bộ quốc phòng họp tại Ban quản lý về việc chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III.

Để chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III từ trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản, ông Tiến đã ngày đêm cùng đồng đội xây dựng phương án, tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học. Với những căn cứ thực tiễn, lý luận, khoa học, phương án chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III đã thuyết phục được đồng chí Nguyễn Công Tạn, Phó Thủ tướng Chính phủ và các thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân khu 3, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Do vậy, tháng 10 năm 2001, Chính phủ đã phê duyệt phương án bổ sung chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III từ trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản.

Sự chuyển hướng mục tiêu này đã mở ra hướng đi mới, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng bãi bồi, đưa Kim Sơn trở thành vùng nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi tôm, nuôi ngao làm giàu ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn.

Nuôi tôm, nuôi ngao làm giàu ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn.

Ngoài tuyến đê Bình Minh II, III, Đoàn 500 còn tham gia cùng huyện Kim Sơn hoàn thành nhiều công trình kiến thiết nội đồng, đó là các cầu, cống, các đường dong…, góp phần tạo thêm dấu ấn của những người lính trong hành trình lấn biển.

(Còn nữa)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-chuyen-nhung-nguoi-linh-doan-500-di-lan-bien-ky-3/d2022120808402967.htm
Zalo