Chuyện 'nhầm lẫn' về Bảo vật quốc gia Ngai Hoàng đế Duy Tân

Ngai Hoàng đế Duy Tân là hiện vật biểu trưng đầy đủ tính vương quyền của chế độ quân chủ, là tác phẩm nghệ thuật tạo hình - điêu khắc có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật.

Trong lần công nhận Bảo vật quốc gia đợt 13 tháng 12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, có 4 bảo vật dưới triều Nguyễn. Trong đó, đáng chú ý có Ngai Hoàng đế Duy Tân - một trong hai chiếc ngai còn lại ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Theo đánh giá của Cục Di sản Văn hóa, Ngai Hoàng đế Duy Tân là tác phẩm nghệ thuật tạo hình - điêu khắc có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật.

Tuy nhiên, chiếc ngai này từng bị nhầm lẫn là một trong những đồ thờ tự chứ không phải ngai ngồi của Hoàng đế.

 Ngai Hoàng đế Duy Tân có giá trị lịch sử và nghệ thuật chế tác độc đáo, quý hiếm. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Ngai Hoàng đế Duy Tân có giá trị lịch sử và nghệ thuật chế tác độc đáo, quý hiếm. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Theo ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trước năm 1994, chiếc ngai này được lưu giữ tại kho di tích của Triệu Miếu. thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Khoảng năm 1994, hiện vật được đưa về nhập kho quản lý cổ vật của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Trong suốt quá trình này, mặc dù có một số nghi vấn do kiểu dáng, kích thước hay họa tiết trang trí của chiếc ngai được chế tác khác với đồ thờ, nhưng chưa ai dám khẳng định đây là chiếc ngai sử dụng cho vua ngồi.

Mãi đến gần đây, sau khi có nguồn tư liệu là bức ảnh chụp cảnh vua Duy Tân ngồi trên ngai vàng được đấu giá tại Pháp, các chuyên gia mới tập trung nghiên cứu, đối chiếu. Kết quả cho thấy, chiếc ngai này được Hoàng đế Duy Tân sử dụng khi đăng quang.

Khi đó (năm 1907), vua Duy Tân mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình đã cho chế tác chiếc ngai phù hợp với kích thước của ông để dùng trong nghi lễ. Điều này giải thích vì sao chiếc ngai có kích thước khá nhỏ: cao chỉ có 94,3 cm, dài 50,5 cm, rộng 62,2 cm.

Ngai được chế tác từ chất liệu gỗ dổi, có trọng lượng khoảng 17,5kg, trên đỉnh là hình tượng mặt trời và 5 tia lửa. Tay vịn và lưng được liên kết bằng hai hình rồng, chính giữa lưng là hai biểu tượng chữ Thọ cách điệu. Toàn bộ mặt ngai được sơn son, các đường chỉ thếp vàng.

Về tổng thể, đầu rồng được tạo tác ngẩng cao, nét điêu khắc đơn giản nhưng chắc khỏe; rồng ở phần bệ ngai chạm nổi gồ ghề, mang vẻ uy nghi; kết hợp với hình tượng chim phụng thể hiện dáng điệu thăng hoa, viên mãn.

Ngai Hoàng đế Duy Tân là biểu tượng cho quyền lực tối cao của vương triều, mang nhiều giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình, trang trí của mỹ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, gắn liền với lịch sử triều Nguyễn và một phần cuộc đời của Hoàng đế Duy Tân và một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc nửa đầu thế kỷ XX.

 Chiếc ngai được vua Duy Tân sử dụng khi đăng quang. Ảnh: Tư liệu

Chiếc ngai được vua Duy Tân sử dụng khi đăng quang. Ảnh: Tư liệu

Lên ngôi khi mới 7 tuổi, nhưng Hoàng đế Duy Tân sớm trưởng thành, chững chạc trong tính cách, mang khí phách của một bậc đế vương. Ông đã nêu cao tinh thần dân tộc và tư tưởng chống Pháp, sau đó chọn việc từ bỏ ngai vàng để thoát khỏi sự o bế của chính quyền thực dân và đã sống lưu vong gần 30 năm.

Trong gần 150 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho tạo tác khá nhiều ngai vua, nhưng do nhiều biến động của lịch sử, hiện nay chỉ còn lại 3 chiếc ngai vua còn sót lại.

Ngoài chiếc ngai vàng của Hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận Bảo vật quốc gia, thì chỉ còn chiếc ngai đặt tại điện Thái Hòa (đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2015) và ngai đặc chế của vua Khải Định.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-nham-lan-ve-bao-vat-quoc-gia-ngai-hoang-de-duy-tan-post335353.html
Zalo