Việt Nam nhập 200-300 nghìn tấn thịt gà đông lạnh mỗi năm dù có đàn gia cầm lớn top 10 thế giới

Việt Nam nằm trong Top 10 nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, tuy nhiên từ năm 2020-2024, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi 200-300 triệu USD để nhập gà đông lạnh. Trong khi đó, liên kết chuỗi giá trị ngành gia cầm còn quá ít.

Đây là một trong những vấn đề được các chuyên gia "mổ xẻ" tại Hội nghị phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững, diễn ra ngày 22/5 tại Hà Nội. Theo bà Trần Ngọc Yến - Giám đốc Phụ trách ngành hàng Công ty Agro Monitor, tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng đàn gà lấy thịt giai đoạn 2020-2025 đạt bình quân trên 4%/năm. Tính hết năm 2025, tổng sản lượng thịt gà của Việt Nam đạt gần 2 triệu tấn, trong đó thịt gà trắng chiếm gần 40%. Lượng gà màu thịt xuất bán mỗi năm của Việt Nam hiện đạt khoảng 1,1 triệu tấn/năm.

Nhu cầu tiêu thụ thịt gà của Việt Nam tăng liên tục từ năm 2022 trở lại đây do tác động của dịch tả heo châu Phi tới đàn heo khiến giá thịt heo tăng mạnh, làm thịt gà trở nên cạnh tranh hơn.

Cụ thể, nếu năm 2022, thịt gà chỉ chiếm 29% trong cơ cấu tiêu thụ thịt của Việt Nam thì đến năm 2024, con số này đã tăng lên 33%. Trong khi đó, năm 2022, thịt heo chiếm 53% trong cơ cấu tiêu thụ thịt của Việt Nam thì đến năm 2024, con số này giảm xuống còn 48%.

Dù là một trong Top 10 những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2020-2024, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi 200-300 triệu USD để nhập gà đông lạnh.

Dù là một trong Top 10 những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2020-2024, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi 200-300 triệu USD để nhập gà đông lạnh.

Cũng theo bà Trần Ngọc Yến, cho dù sản xuất thịt gà nội địa của Việt Nam tăng thì quy mô thịt gà nhập khẩu cũng có xu hướng tăng, đặc biệt trong năm 2024. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2024, Việt Nam chi mỗi năm 200-300 triệu USD để nhập 200-300 nghìn tấn thịt gà đông lạnh, tăng mạnh so với giai đoạn 2016-2019. Quy mô nhập khẩu thịt gà chiếm khoảng 15-17% tổng lượng thịt gà sản xuất nội địa nhưng chiếm 30% so với lượng gà trắng sản xuất nội địa.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gà đã chặt mảnh từ Mỹ, trong khi gà nguyên con chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc. Mỹ dẫn đầu với hơn 42% thị phần trung bình giai đoạn 2016-2024. Tiếp theo sau là Hàn Quốc, EU và Brazil. Tuy nhiên, từ năm 2020 nhập khẩu thịt gà từ Mỹ có xu hướng giảm do giá gà thịt tại Mỹ tăng.

“Thịt gia cầm chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tiêu thụ của Việt Nam, trong đó thịt gà đông lạnh nhập khẩu chiếm trên dưới 15%”, bà Trần Ngọc Yến chia sẻ và cho hay, vừa qua, việc giảm thuế nhập khẩu thịt gà cũng tạo áp lực cho ngành chăn nuôi trong nước do phải cạnh tranh với gà nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong Top 10 những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2020 - 2024, đàn gia cầm tăng nhanh từ 512,675 triệu con lên 584,414 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 3,3%/năm.

Trong cơ cấu đàn gia cầm, khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ nuôi cao nhất đạt 23,19 %. Xếp thứ 2 là khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung chiếm 22,44% chiếm tỷ lệ thấp nhất là Vùng Tây Nguyên đạt 6,03%. Tuy nhiên, đây là là vùng có tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm cao nhất cả nước tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,4%.

Tổng sản lượng thịt hơi gia cầm năm 2024 đạt 2,458 triệu tấn, tăng bình quân hằng năm 6,9% trong giai đoạn 2020-2024. Trong giai đoạn này sản lượng thịt gà có tốc độ tăng bình quân 7,8%/năm, tăng nhanh hơn so với sản lượng thịt thủy cẩm 3,5%/năm. Nguyên nhân do thị trường thịt thủy cầm trong thời gian vừa qua giảm mạnh. Sản lượng thịt ngỗng trong năm qua giảm bình quân 2%/năm, từ 2,05 nghìn tấn năm 2020 xuống 1,89 ngàn tấn năm 2024.

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8 - 6,1 triệu con giống gia cầm. Đồng thời, xuất khẩu khoảng 4,6 - 5,1 nghìn tấn thịt gia cầm các loại. Ngành gia cầm đang đứng trước cơ hội thuận lợi là thể chế hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, hội nhập, minh bạch; thị trường tiêu thụ tiềm năng; giá thức ăn chăn nuôi giảm. Đồng thời, quá trình hội nhập và thu hút đầu tư cũng như cơ hội tiếp cận công nghệ mới, quản trị đang thúc đẩy ngành gia cầm phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, ngành gia cầm đang phải đối mặt với khó khăn thách thức liên quan đến thói quen phân phối, tiêu dùng, nhỏ lẻ; dịch bệnh; phụ thuộc nguyên liệu đầu vào. Cùng đó, liên kết chuỗi giá trị ngành gia cầm còn quá ít, thống kê, dự báo cung - cầu còn yếu, khiến người chăn nuôi dễ bị ép giá bởi trung gian; an toàn thực phẩm và minh bạch trong chuỗi cung ứng chưa đảm bảo dẫn đến khó khăn cho xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn chậm, nhất là các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô vừa, quy mô nhỏ và nông hộ, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi thấp, hao hụt cao và khó cạnh tranh với các nước có nền chăn nuôi tiên tiến.

Trong khi đó, mục tiêu năm 2025, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4,0 - 5,0% so với năm 2024, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30% (đối với ngành hẹp đạt mức từ 33-34%).

Chiến lược chăn nuôi đến năm 2025 thịt gia cầm chiếm khoảng 27%, với 16-17 tỷ quả trứng, đến năm 2030 tỷ lệ thịt gia cầm chiếm 28-30%, với 22-23 tỷ quả trứng. Xuất khẩu 20 - 25% sản lượng thịt và trứng gia cầm. Tỷ lệ thịt gia cầm được chế biến 25 - 30% vào năm 2025, đạt 40 - 50% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - nhấn mạnh, tiềm năng của ngành chăn nuôi rất lớn. Hiện nay, ở trong nước, chia số trứng trên đầu người thì mới được mấy chục quả, chia số thịt cũng mấy kilogam, sữa được hơn 10 lít…

Để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, về quản lý hành chính, cần khẩn trương đưa ra các tiêu chuẩn quy chuẩn, cắt giảm thủ tục hành chính để phù hợp với bối cảnh mới. Ngành chăn nuôi cần chú trọng về khoa học công nghệ, đặc biệt là về sản xuất con giống. Thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, cần tạo sự chuyển biến trong quản lý giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ gắn với an toàn thực phẩm. Xây dựng chuỗi giá trị, từ giống, thức ăn, phương thức nuôi, chế biến, xúc tiến thương mại...

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/viet-nam-nhap-200-300-nghin-tan-thit-ga-dong-lanh-moi-nam-du-co-dan-gia-cam-lon-top-10-the-gioi-1107002.html
Zalo