Chuyển mình từ đất dốc: Hành trình đổi thay ở Hoàng Su Phì

Giữa trùng điệp núi non Tây Bắc, nơi đất dốc nối dài qua những ruộng bậc thang bát ngát, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) từng được biết đến là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Nhưng những năm gần đây, một 'làn gió mới' đang làm thay đổi diện mạo nơi đây.

Thành công trong quá trình cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, cùng sự ra đời của các HTX, tổ hợp tác đang giúp nông dân Hoàng Su Phì không chỉ cày sâu cuốc bẫm, mà còn làm chủ kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Từ ruộng dốc đến vườn mẫu

Là vùng đất có địa hình đa dạng, khí hậu mát mẻ, Hoàng Su Phì sở hữu điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp theo hướng đặc sản, hữu cơ và gắn với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trong thời gian dài, người dân nơi đây chỉ quen với canh tác nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, thiếu định hướng và hiệu quả kinh tế thấp.

Sự chuyển mình bắt đầu từ năm 2021, khi tỉnh Hà Giang triển khai chính sách hỗ trợ về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn để tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững.

Nông dân, HTX ở Hoàng Su Phì đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa để thoát nghèo, làm giàu.

Nông dân, HTX ở Hoàng Su Phì đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa để thoát nghèo, làm giàu.

Kể tử khi triển khai chương trình, huyện Hoàng Su Phì đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, từ tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, cấp vốn, đến hỗ trợ đầu ra sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2024, toàn huyện có 100 hộ đăng ký cải tạo vườn tạp, trong đó 90 hộ đã được giải ngân với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng. Tổng diện tích vườn được cải tạo đạt hơn 39.500 m2.

Chị Lý Thị Nhè ở xã Thông Nguyên, chia sẻ: “Trước đây đất vườn toàn cỏ dại, trồng cây gì cũng không lên. Nay được hướng dẫn trồng cây lê, mận máu, có kỹ thuật chăm bón, năng suất cao hơn hẳn. Mỗi vụ thu về cả chục triệu đồng, đời sống cũng đỡ vất vả hơn”.

Một điểm sáng đáng chú ý trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở Hoàng Su Phì là sự vào cuộc mạnh mẽ của các HTX. Hiện nay, toàn huyện có 46 HTX, trong đó 42 HTX đang hoạt động hiệu quả, đóng vai trò kết nối nông dân với thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị nông sản địa phương.

HTX Chế biến chè Phìn Hồ là một ví dụ tiêu biểu. Với sản phẩm chủ lực là chè Shan tuyết, HTX đã liên kết với hơn 500 hộ dân ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán để phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP. HTX đang tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập trung bình từ 3,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Kết hợp lợi thế bản địa và ứng dụng khoa học

“Chè Shan tuyết không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là nét văn hóa của người Dao nơi đây. Nhờ HTX đứng ra bao tiêu, bà con yên tâm sản xuất, không còn nỗi lo ‘được mùa mất giá’ như trước nữa”, đại diện HTX Chế biến chè Phìn Hồ cho hay.

Ngoài chè, các HTX khác như HTX Ngọc Sơn (chế biến nghệ), HTX Lô Lô (chế biến thảo dược), HTX Nậm Khòa (nuôi lợn đen, cá lồng)… cũng đang góp phần đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Một trong những hướng đi bền vững mà huyện Hoàng Su Phì đang triển khai là khai thác giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như: chè Shan tuyết, cây lê, mận máu, dược liệu, lợn đen bản địa, cá suối… Những sản phẩm này vừa thích ứng tốt với điều kiện địa phương, vừa mang giá trị văn hóa đặc trưng.

Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn chuyên đề do huyện tổ chức như kỹ thuật trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng, chế biến nông sản… Đặc biệt, nhiều mô hình “vườn mẫu” đã được xây dựng ở các xã Nậm Dịch, Pố Lồ, Bản Máy… trở thành nơi học hỏi, lan tỏa cách làm mới.

Nông nghiệp Hoàng Su Phì ngày càng khởi sắc, với những đóng góp tích cực từ các HTX, tổ hợp tác.

Nông nghiệp Hoàng Su Phì ngày càng khởi sắc, với những đóng góp tích cực từ các HTX, tổ hợp tác.

Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, huyện Hoàng Su Phì còn chủ động phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp, HTX trong việc kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Các sản phẩm OCOP như chè Shan tuyết Phìn Hồ, gạo nếp thơm Pố Lồ, nghệ vàng Ngọc Sơn, mận máu Bản Phùng… đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Huyện cũng đang tập trung phát triển kinh tế vườn hộ, gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới. Nhiều HTX đã xây dựng thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu ổn định, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương. Người dân đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, coi sản phẩm của mình là hàng hóa chứ không đơn thuần là cây nhà lá vườn.

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì những năm qua cũng đặc biệt chú trọng phát triển các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo.

Trong quá trình phát triển HTX, tổ hợp tác, những chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang có ý nghĩa tích cực.

Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các HTX tại Hoàng Su Phì trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, như nhà kho, trụ sở làm việc, và trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Điển hình, HTX Thương mại, Dịch vụ và Chế biến nông, lâm sản Hoàng Su Phì đã được đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với diện tích gần 600m², trang bị hệ thống lò hơi sấy nông sản công suất 5 tấn/ngày, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ HTX. Các chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng quản lý tài chính, lập kế hoạch sản xuất, và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp các HTX hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tại Hoàng Su Phì tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh. Các sản phẩm nông sản đặc trưng như chè Shan tuyết, mật ong, và thịt lợn treo đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Shopee, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chương trình từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo, nông thôn mới và phát triển vùng dân tộc thiểu số), tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Hoàng Su Phì đang từng bước được kéo giảm. Năm 2024, có hơn 7.700 hộ dân được hỗ trợ sinh kế và kỹ thuật sản xuất, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 30%.

Chặng đường phát triển nông nghiệp ở Hoàng Su Phì là minh chứng sống động cho sự đổi thay từ gốc – từ tư duy sản xuất đến phương thức tổ chức. Với sự đồng hành từ chính sách, sự vào cuộc của HTX và tinh thần nỗ lực vươn lên của người dân, vùng đất “vỏ cây vàng” đang chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ thoát nghèo mà còn hướng tới phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/chuyen-minh-tu-dat-doc-hanh-trinh-doi-thay-o-hoang-su-phi-1106900.html
Zalo