Huyện Lai Vung chú trọng phát triển bền vững sản phẩm OCOP

ĐTO - Thời gian qua, huyện Lai Vung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn; góp phần nâng cao thu nhập của người dân, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn. Điều này góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lai Vung hỗ trợ Cơ sở sản xuất nem Lai Vung Hoàng Khánh để phát triển sản phẩm OCOP (Ảnh: Hiếu Minh Vũ)

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lai Vung hỗ trợ Cơ sở sản xuất nem Lai Vung Hoàng Khánh để phát triển sản phẩm OCOP (Ảnh: Hiếu Minh Vũ)

Để nâng chất Chương trình OCOP, huyện Lai Vung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, sản phẩm chủ lực, có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng gắn kết với phát triển cộng đồng; thực hiện kiểm soát, đánh giá thực trạng, chuẩn hóa sản phẩm OCOP theo hướng dẫn: phát triển các sản phẩm đặc biệt, chủ lực, sản phẩm truyền thống gắn kết lợi thế của địa phương, ưu tiên phát triển sản phẩm các làng nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn và các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, có chất lượng nổi trội, đặc sắc và có tiềm năng trên thị trường.

Bên cạnh đó, lấy nhu cầu của chủ thể để nâng cấp sao các sản phẩm OCOP, trong đó tập trung vào đổi mới hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh; nâng cấp, cải tiến công nghệ; công bố và kiểm soát chất lượng; thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; bảo hộ nhãn hiệu; truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao; rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Huyện thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lượng cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị, đổi mới, sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm, sở hữu trí tuệ, tuyên truyền nguồn gốc theo chuỗi giá trị và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP, quản lý chứng nhận OCOP trên địa bàn huyện; hướng dẫn xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi tiêu thụ; tăng cường hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Đến nay, toàn huyện Lai Vung có 53 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, có 5 sản phẩm 4 sao và 48 sản phẩm 3 sao.

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/huyen-lai-vung-chu-trong-phat-trien-ben-vung-san-pham-ocop-131626.aspx
Zalo