Chuyện kể bên dòng Hiền Lương

50 năm sau ngày thống nhất, đất nước đã phát triển không ngừng, giàu mạnh và đang tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sau 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: Đăng Đức

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sau 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: Đăng Đức

Nhưng mỗi khi nhớ về quá khứ, không ai quên được thời kỳ khốc liệt, gian khổ của chiến tranh, khi đất nước tạm thời chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam.

Hiền Lương - “nhân chứng lịch sử”

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải (Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời.

Cũng từ đây, dòng sông Bến Hải mang trên mình sứ mệnh lịch sử: Ranh giới chia cắt đất nước. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ trở thành “điểm nối” hai nửa non sông, chờ đến ngày tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đó 2 năm.

Thế nhưng, lời hẹn thề đoàn tụ bên “sông tuyến” ấy đã phải kéo dài đằng đẵng hơn 2 thập kỷ. Nỗi đau chia cắt như một “định mệnh” khắc nghiệt làm cho đôi bờ Hiền Lương đi vào lịch sử như là một chứng tích bi hùng trong kháng chiến chống Mỹ để thống nhất đất nước.

Nằm ở vĩ tuyến 17, vùng đất Vĩnh Linh thuộc bờ Bắc sông Bến Hải được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định thành lập đơn vị hành chính đặc biệt (đặc khu) với tên gọi chính thức là Khu vực Vĩnh Linh.

Theo tài liệu lịch sử, trong những năm chiến tranh phá hoại, quân đội Mỹ đã tiến hành chiến lược đánh phá mang tính hủy diệt đối với miền Bắc nước ta. Đặc biệt, vùng giới tuyến Vĩnh Linh là nơi phải hứng chịu sự khốc liệt của đạn bom. Mảnh đất Vĩnh Linh rộng khoảng 820km2, nhưng bình quân mỗi km2 hứng chịu 600 tấn bom và 800 quả đại bác. Hơn 7 vạn dân Vĩnh Linh lúc ấy, bình quân mỗi người phải chịu 7 tấn bom và 80 quả đại bác.

Dưới sức hủy diệt của bom đạn chiến tranh, vượt qua khó khăn gian khổ, quân và dân Vĩnh Linh với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời” vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng “mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”. Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương như là “chứng nhân lịch sử” cho những đau thương, mất mát nhưng cũng là biểu tượng kiên cường cho khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Những “cuộc chiến” đặc biệt

Ông Hoàng Lễ ôn lại những kỷ niệm thời kỳ chiến tranh với niềm xúc động. Ảnh: Đăng Đức

Ông Hoàng Lễ (93 tuổi, ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), một trong những dân quân du kích Hiền Thành thời đó vẫn khắc ghi những ngày tháng gian khổ của chiến tranh. Ông cho biết: Những cuộc đấu cờ luôn diễn ra ác liệt. Khi cột cờ bị gãy, tôi và các anh em phải tìm kiếm những cây phi lao, hoặc chặt tre để dựng lên. Còn lá cờ rách thì đưa đến mẹ Ngô Thị Diệm để vá lại. Suốt hàng chục năm, mẹ Diệm vẫn kiên trì vá cờ để treo trên đỉnh cột cờ Hiền Lương.

Những năm đất nước tạm thời chia cắt, nhiều sự kiện diễn ra, thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Trợ, sinh năm 1936 ở xã Hiền Thành (Vĩnh Linh, Quảng Trị), đảng viên 55 tuổi Đảng, những cuộc chiến ấy không kém phần khốc liệt. Vào năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ông Trợ được phân công ở lại làng Hiền Lương tiếp tục bám trụ, chiến đấu. Khi đó, ông là Tiểu đội trưởng dân quân của Trung đội Hiền Lương, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Công an vũ trang bảo vệ vùng giới tuyến. Ban ngày, ông Trợ và mọi người lao động sản xuất bình thường. Còn ban đêm, ông phối hợp với Công an Đồn Hiền Lương bảo vệ cầu, cột cờ và tuần tra dọc tuyến sông Bến Hải.

Ông Trợ nhớ lại, thời điểm đó, các cuộc chiến đều khốc liệt, từ đấu tranh chính trị, về màu sơn cầu, đấu cờ Tổ quốc... Khi ấy, giữa cầu Hiền Lương có một vạch trắng ngăn đôi, phía ta muốn sơn cầu cùng một màu, chính quyền miền Nam lại sơn nửa cầu kia sang màu khác.

Cầu cứ thế thay đổi màu sắc liên tục. Cuộc đấu tranh bằng màu sắc cầu này vô cùng cam go. Hễ đối phương tạo ra 2 màu đối lập, ta lập tức sơn để cầu trở thành một màu chung, nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn chia cắt, để tuyên truyền, động viên nhân dân đấu tranh, thống nhất đất nước, quân ta đã xây dựng một hệ thống loa phóng thanh lớn hướng về phía bờ Nam. Mỗi ngày phát các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, đài Vĩnh Linh, ca nhạc, kịch nói, dân ca… cổ động tình yêu nước và khát vọng thống nhất non sông.

Phía bờ Nam cũng dựng hệ thống loa có công suất lớn hơn, không ngừng xuyên tạc lịch sử, tung hô chính quyền miền Nam. Các loa phát cả ngày lẫn đêm, 2 bên liên tục nâng cao công suất loa để đấu âm thanh.

Theo ông Nguyễn Văn Trợ, đấu cờ (hay chọi cờ) cũng là cuộc chiến gay gắt và quyết liệt nhất diễn ra nhiều năm. Từ khi giới tuyến được phân chia, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên, để người dân bờ Nam thấy vững tin.

Tuy nhiên, khi thấy cờ của ta cao hơn, phía đối phương cũng nâng cột cờ lên. “Hễ cờ bị gãy, lực lượng của ta lập tức tìm cột thay thế, lá cờ rách thì may lại rồi treo lên”, ông Trợ nhớ lại.

Năm 1962, Chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, cột cờ cao 38,6m, kéo lên lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến.

Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Năm 1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom trong một ngày, làm cho cầu Hiền Lương bị sập, cột cờ bị gãy.

Trong những năm bom đạn ác liệt, ông Trợ cùng đồng đội không ít lần đứng trước tình thế sinh tử. Nhưng bất chấp mọi hiểm nguy, ông và những người đồng đội của mình đã sát cánh bên nhau chiến đấu, phối hợp cùng lực lượng Công an vũ trang giới tuyến để bảo vệ cầu Hiền Lương.

 Ngày hội Thống nhất non sông được tổ chức vào dịp 30/4 hàng năm tại vĩ tuyến 17 năm xưa. Ảnh: Đăng Đức

Ngày hội Thống nhất non sông được tổ chức vào dịp 30/4 hàng năm tại vĩ tuyến 17 năm xưa. Ảnh: Đăng Đức

Quảng Trị vươn mình

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhằm khắc ghi những mất mát, đau thương và tôn vinh tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông vào ngày 30/4 hàng năm.

Lễ hội không chỉ là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong không gian thiêng liêng của Khu di tích Hiền Lương - Bến Hải, nghi thức chào cờ được thực hiện trang trọng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Đặc biệt, vào tháng 7/2024, lần đầu tiên Quảng Trị tổ chức Lễ hội Hòa bình với thông điệp “Quảng Trị - Điểm đến của hòa bình”, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam, đồng thời xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình.

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Quảng Trị đã khoác lên mình một diện mạo mới. Những cánh đồng lúa xanh mướt trải dài hai bờ Hiền Lương, con đường bê tông nối liền các làng quê từng bị bom đạn tàn phá. “Vành đai trắng” năm xưa nay đã trở thành khu vực sản xuất nông nghiệp hiện đại, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Không chỉ phát triển về nông nghiệp, Quảng Trị đang vươn mình mạnh mẽ với những dự án công nghiệp, thương mại và du lịch trọng điểm. Các khu công nghiệp như Đông Nam Quảng Trị, Quán Ngang đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Về văn hóa, Quảng Trị là điểm đến tri ân của người dân cả nước. Các lễ hội truyền thống, hoạt động nghệ thuật và du lịch tâm linh tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, Địa đạo Vịnh Mốc ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển cho ngành du lịch.

Hệ thống giáo dục, y tế Quảng Trị được cải thiện đáng kể, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Những vùng từng chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh nay đã có điện, nước sạch, trường học khang trang, bệnh viện hiện đại… Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu quan trọng, mang lại diện mạo mới cho vùng đất từng đau thương vì bom đạn.

Quảng Trị - Hiền Lương đã đi qua những ngày tháng đau thương để trở thành biểu tượng của hòa bình, thống nhất. Lễ hội Thống nhất non sông và Lễ hội Hòa bình là những sự kiện quan trọng, không chỉ nhắc nhở về lịch sử, mà còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Thế hệ trẻ khi đứng dưới lá cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài Hiền Lương, càng thêm tự hào và biết ơn những thế hệ đi trước đã hy sinh để có được non sông liền một dải như hôm nay.

Dòng Hiền Lương (hay sông Hiền Lương) cũng được người dân nơi đây quen gọi để chỉ đoạn sông Bến Hải chảy qua thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, sông Bến Hải trước đây chảy qua bến Minh Lương (thôn Minh Lương) ở phía bờ Bắc, nên gọi là sông Minh Lương. Dưới thời vua Minh Mạng, do tên sông trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên vua, nên được đổi thành Hiền Lương. Từ đó, người dân địa phương gọi là sông Hiền Lương.

Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông, rồi đổ ra cửa biển Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100 km, ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc lệch ra là Bến Hải. Dưới thời Pháp thuộc, sông có tên Bến Hải.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ke-ben-dong-hien-luong-post726640.html
Zalo