Chuyển hóa 'tài nguyên mềm' thành sản phẩm văn hóa, sáng tạo

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều rào cản cần vượt qua để lĩnh vực này bứt phá trong giai đoạn tới.

Nhóm ngành có lợi thế quốc gia

Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành này đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số liệu có sự sụt giảm, chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%.

Đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2018 - 2022, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm. Năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa.

Lực lượng lao động trong lĩnh vực này tăng khá nhanh, bình quân tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển

Công nghiệp văn hóa Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh thời gian gần đây.

Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa có phạm trù lớn, đa ngành; nhiều lĩnh vực có nội hàm rộng nhưng chưa được cụ thể hóa. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật đầy đủ quy định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thiếu đồng bộ. Thiếu cơ chế, chính sách cụ thể thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực cho các ngành này.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực. Nhân lực thiếu về số lượng và có những trường hợp hạn chế về chất lượng.

Việc chưa xem công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực cần tới sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực quan trọng…

Huy động, kết nối nguồn lực

Tại Hội nghị toàn quốc về công nghiệp văn hóa, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để công nghiệp văn hóa phát triển và đuổi kịp những nước tiên tiến thì cần sự đồng hành của mọi thành phần tham gia, chia sẻ trách nhiệm và cả lợi ích tương lai. Cần nhiều hơn những tiếng nói của các doanh nghiệp, chuyên gia ngành để tư vấn, đóng góp sáng kiến và xóa bỏ rào cản hay ranh giới trong và ngoài nhà nước. Giản lược các thủ tục pháp lý còn chồng chéo và vướng mắc nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho các nhà sản xuất có cơ hội được xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn sáng tạo, chất lượng, giới thiệu tới công chúng…

Cần hoàn thiện thể chế và có chính sách huy động các nguồn lực công và tư để phát triển công nghiệp văn hóa

Cần hoàn thiện thể chế và có chính sách huy động các nguồn lực công và tư để phát triển công nghiệp văn hóa

Dựa trên xu hướng phát triển của công nghiệp văn hóa, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nhận định, phát triển công nghiệp văn hóa cần được gắn kết lợi ích kinh tế và văn hóa. Để chuyển hóa nguồn “tài nguyên mềm” văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, cần hiện đại hóa cơ chế đầu tư tài chính. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Mặt khác, cần tập trung phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa…

Từ kinh nghiệm một số quốc gia như Pháp, Anh, Mỹ, Hàn Quốc… Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Phương Hòa đưa ra một số khuyến nghị: cần thay đổi nhận thức và áp dụng khái niệm mới “các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo” tại Việt Nam. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế, gắn kết chính sách công nghiệp văn hóa sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế xã hội quốc gia.

Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển văn hóa số; đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế…

Cho rằng, các không gian sáng tạo đóng vai trò là “những ngọn hải đăng” hay tác nhân thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế, văn hóa và xã hội, nơi cung cấp nguồn lực sáng tạo, nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly đề nghị đầu tư mạnh mẽ vào các dự án sáng tạo công tư, tạo lập quỹ công tư ươm mầm các dự án văn hóa sáng tạo có sự thúc đẩy của công nghệ, nhằm kết nối nguồn lực với khu vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ. Có các giải pháp hỗ trợ cụ thể như thuế cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình không gian văn hóa sáng tạo…

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/chuyen-hoa-tai-nguyen-mem-thanh-san-pham-van-hoa-sang-tao-i380398/
Zalo