Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp 'Chìa khóa' phát triển bền vững

Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được xem là 'chìa khóa' để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Xác định rõ điều đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cùng các địa phương đã xây dựng hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi chất lượng cao giúp người dân tiếp cận quy trình sản xuất mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ông Trần Bình Minh-nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-thông tin: Sau giải phóng, ngành nông nghiệp Gia Lai còn rất lạc hậu. Người dân sản xuất theo phương thức truyền thống phát, đốt, chọc, trỉa với các cây trồng như lúa rẫy, bắp, mì, khoai lang, chủ yếu là tự cung tự cấp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khoảng năm 1990, Nhà nước bắt đầu đầu tư xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng cà phê, hồ tiêu (Chư Sê), chăn nuôi heo siêu nạc (TP. Pleiku, Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa), lúa nước (Ayun Pa), bắp, điều, mía (Kông Chro, Phú Thiện)… giúp người dân tiếp cận đưa vào sản xuất đại trà. Từ đó, các mô hình, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn duy trì đến hôm nay, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

 Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.D

Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.D

“Sau hơn 30 năm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao.

Thành quả này có sự đóng góp rất lớn của những cán bộ khuyến nông không ngại khó khăn đến vùng sâu, vùng xa xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn người dân sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp Gia Lai phát triển ổn định như hiện nay”-ông Minh đánh giá.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trải qua hơn 30 năm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất; đồng thời, cơ giới hóa sản xuất, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tham gia các dự án hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp như: đa dạng hóa nông nghiệp, tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê, chuyển đổi nông nghiệp bền vững… Từ đó, nhiều vùng, khu vực trong tỉnh đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao gắn với chế biến.

Ông Lương Văn Sức (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Tôi có 4 ha cà phê giống TRS1 xen canh 500 cây sầu riêng. Năm 2023, tôi tham gia mô hình canh tác cà phê thông minh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các đơn vị thực hiện.

Tôi được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê thông minh. Qua đó, tôi giảm được lượng phân bón, nước tưới cùng nhiều chi phí. Năm 2024, tôi thu được 16 tấn cà phê nhân và 20 tấn sầu riêng. Nhờ giá thuận lợi, tôi lãi hơn 2 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với trước đây”.

 Ông Lương Văn Sức chăm sóc sầu riêng trồng xen vào vườn cà phê mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: N.D

Ông Lương Văn Sức chăm sóc sầu riêng trồng xen vào vườn cà phê mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: N.D

Theo ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh: Những năm qua, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các xã, thị trấn.

Ngoài ra, hàng năm, UBND huyện cũng xuất ngân sách khoảng 1 tỷ đồng xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dưa lưới trong nhà màng, tưới tiết kiệm nước trên cây ăn quả, hỗ trợ giống cà phê, sầu riêng chất lượng cao cho người dân sản xuất.

Đây là bước đột phá giúp người dân thay đổi nhận thức, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Chư Păh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mở hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Còn ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông thì chia sẻ: Giai đoạn 2013-2023, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, Trung tâm đã thực hiện 23 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân; mở 48 lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi để người dân các xã, thị trấn ứng dụng. Đến nay, nhiều mô hình vẫn còn duy trì và nhân rộng, là hướng đi vững chắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

“Cầu nối” phát triển nông nghiệp bền vững

Xác định chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất là “chìa khóa” để nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi của địa phương, những năm qua, từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và vốn xã hội hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông để người dân thấy được hiệu quả kinh tế, từng bước nhân rộng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-thông tin: Huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Những năm qua, huyện tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án khuyến nông. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trình diễn cây lúa nước; hỗ trợ phân lân và vôi rửa chua phèn trên đồng ruộng; ươm giống bời lời, cà phê, cây trồng rừng, trồng rau hữu cơ; lai cải tạo đàn bò, vỗ béo bò thịt… Nhờ vậy, ngành nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc.

 Mô hình trồng bắp năng suất cao tại huyện Chư Prông năm 2024. Ảnh: N.D

Mô hình trồng bắp năng suất cao tại huyện Chư Prông năm 2024. Ảnh: N.D

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng không đứng ngoài cuộc khi xây dựng đội ngũ khuyến nông viên ở các địa phương để hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng tại các huyện: Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai, Chư Păh, Đức Cơ… hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân và hợp tác xã cùng liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị tiêu chuẩn 4C, Organic.

Cách làm này giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất. Các tổ khuyến nông cộng đồng này đã trở thành “cầu nối” giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để cùng xây dựng vùng nguyên liệu cà phê theo hướng bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho hay: Trải qua chặng đường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp, hoạt động khuyến nông của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn người dân quy trình bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, công nghệ bảo quản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… thông qua các mô hình, lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc” đã thay đổi nhận thức của người dân, hình thành các tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng vùng, địa phương.

“Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần tiếp tục xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao có khả năng dễ nhân rộng. Chuyển giao đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật tổng hợp, cơ giới hóa, xúc tiến liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học trong liên kết “4 nhà’’ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản chất lượng cao gắn với truy xuất nguồn gốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin thêm.

NGUYỄN DIỆP

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-giao-tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat-trong-nong-nghiep-chia-khoa-phat-trien-ben-vung-post320758.html
Zalo