Chuyên gia quốc tế: Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường tự tạo rủi ro cho bản thân
Các rủi ro mà nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp phải trên thị trường chứng khoán, đa phần, đều do mình tự tạo ra…
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2024) ngày 26/9 tại Hà Nội, GS. Neil Pearson, chuyên gia nổi tiếng về định giá công cụ tài chính và quản lý rủi ro của Đại học Illinois Urbana-Champaign, Hoa Kỳ, cho rằng các rủi ro mà nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp phải, đa phần, đều do mình tự tạo ra.
Dẫn kết quả nghiên cứu về hành vi của nhà đầu tư nhỏ lẻ tại thị trường Trung Quốc trong 15 năm (giai đoạn từ 2006-2020), GS. Neil Pearson cho biết nhà đầu tư nhỏ lẻ thường có xu hướng thực hiện nhiều giao dịch hơn so với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong đó, tỷ lệ thoát vị thế (chốt lời/cắt lỗ) ở mức cao nhất trong khoảng biên độ lợi nhuận tích lũy (+/-) 5-7%.
Cũng với biên độ lợi nhuận tích lũy này, nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ có kinh nghiệm 2-3 năm có tỷ lệ thoát vị thế cao hơn so với nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ có kinh nghiệm 5-6 năm hay 8-9 năm. Điều này cho thấy tâm lý đầu cơ, “ăn non” của nhà đầu tư nhỏ lẻ rất rõ nét.
Trong khi đó, theo GS. Neil Pearson, mặc dù quy mô tài khoản nhỏ, khả năng “gồng lỗ” thấp nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý danh mục và khả năng cân bằng danh mục đầu tư tốt nên trên thực tế, tỷ lệ cắt lỗ của nhà đầu tư nhỏ lẻ tại thị trường Trung Quốc lại thấp, trong khi điều này cần phải được thực hiện từ sớm như các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Nghịch lý này khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ đối mặt với nhiều rủi ro hơn nhất là khi tỷ lệ giao dịch thành công thường chiếm tỷ lệ ít hơn trong tổng số giao dịch được thực hiện.
Từ thực tế nghiên cứu hành vi nhà đầu tư nhỏ lẻ tại thị trường Trung Quốc, vị Giáo sư đến từ Đại học Illinois Urbana-Champaign, Hoa Kỳ nhấn mạnh tới giải pháp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Ở hầu hết các thị trường, bao gồm cả những thị trường phát triển, đều cần có sự tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ tới giải pháp cải thiện kỹ năng quản lý danh mục và phân tích thị trường cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của các quỹ tương hỗ và quỹ đầu tư trên thị trường”, ông Neil Pearson nói.
Thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 1,41 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 3,6 lần so với cả năm 2023.
Như vậy, đến thời điểm này, nhà đầu tư trong nước hiện có tổng cộng gần 8,66 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân (chiếm 99,8% tổng số tài khoản chứng khoán).
Bà Phạm Thu Phương.
"Thừa nhận những giá trị từ báo cáo nghiên cứu hành vi nhà đầu tư nhỏ lẻ tại thị trường Trung Quốc nhưng mỗi thị trường chứng khoán khác nhau thì hành vi của nhà đầu tư cá nhân sẽ khác nhau.
Vì vậy, Việt Nam cần có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này để có định hướng riêng biệt cho sự phát triển của thị trường. Theo đánh giá, tại Việt Nam, dữ liệu về nhà đầu tư cá nhân chưa đầy đủ, trong khi vai trò của nhóm nhà đầu tư này đối với thị trường là rất lớn.
Theo bà Phạm Thu Phương, Phó Giáo sư Tài chính tại Đại học Curtin, Australia, đồng thời là Trưởng ban chuyên trách Net zero, Kinh tế khởi nghiệp – Mạng lưới chính sách kinh tế của AVSE Global, việc huy động nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán là rất cần thiết với Việt Nam để đa dạng các kênh huy động vốn trên thị trường cho doanh nghiệp.
Thừa nhận những giá trị từ báo cáo nghiên cứu hành vi nhà đầu tư nhỏ lẻ tại thị trường Trung Quốc song theo bà Phương, mỗi thị trường chứng khoán khác nhau thì hành vi của nhà đầu tư cá nhân sẽ khác nhau nên Việt Nam cần có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này để có định hướng riêng biệt cho sự phát triển của thị trường.
“Dẫu vậy, tại Việt Nam, dữ liệu về nhà đầu tư cá nhân chưa đầy đủ trong khi vai trò của nhóm nhà đầu tư này đối với thị trường là rất lớn”, bà Phương nhấn mạnh.
Về lý thuyết, theo đại diện đến từ AVSE Global, hiện nhà đầu tư cá nhân ở các thị trường chứng khoán bao gồm cả thị trường mới nổi hay phát triển, đều không có lợi thế như nhà đầu tư lớn hay nhà đầu tư chuyên nghiệp (kinh nghiệm, quản trị và vốn…) nên dễ bị thiệt thòi khi tham gia thị trường. Do vậy, để khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trong khi vẫn có giải pháp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ thì các thông tin liên quan tới đặt lệnh giao dịch (giới tính, tuổi, thời gian và số lượng giao dịch…) cần được công khai và minh bạch.
“Việc minh bạch hóa thông tin, đưa thông tin chính xác vào thời điểm hợp lý sẽ là cách để Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế tích cực tham gia thị trường”, bà Phương nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng.
Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2024) do Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Khoa Kinh doanh và Luật, Đại học Curtin (Australia), Trường Kinh doanh EMLV và Đại học Paris-Saclay (Cộng hòa Pháp) tổ chức diễn ra trong 2 ngày 26/9 và 27/9.
Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ 27 quốc gia gồm Việt Nam, Australia, Cộng hòa Pháp, Hoa Kỳ, Philipines, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Bỉ, Hàn Quốc, Italy, Liên bang Nga, Estonia, Romania, Nam Phi, Canada, Israel, Đức, New Zealand…
Hội thảo VSEFI lần thứ 3 có 41 bài nghiên cứu, chọn lọc từ gần 100 bài nộp, trình bày trong 12 phiên song song, nhấn mạnh các nghiên cứu đột phá và các giải pháp sáng tạo. Các chủ đề chính của Hội thảo gồm Ứng dụng AI, Dữ liệu lớn và Học máy trong Tài chính, ESG, Định giá tài sản, Doanh nghiệp gia đình, Tài chính doanh nghiệp và Quản trị, Tài chính kỹ thuật số và Ngân hàng, FinTech và Tài chính thay thế, Khởi nghiệp xã hội và bền vững, Tài chính khí hậu, Tài chính hộ gia đình…
Năm nay, VSEFI 2024 nổi bật với 3 bài phát biểu chính, 1 phiên thảo luận bàn tròn chính sách, 1 phiên thảo luận đặc biệt thu hút sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tài chính.