Đồng Nai: Thúc đẩy đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Xác định phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ đột phá, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được đặc biệt quan tâm. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 Nông dân huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) làm chế phẩm IMO để xử lý phân hữu cơ bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây có múi.

Nông dân huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) làm chế phẩm IMO để xử lý phân hữu cơ bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây có múi.

Tổ chức nhiều khóa học giúp nâng cao kỹ năng nuôi trồng

Để hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đi vào thực chất, đạt được nhiều thành quả, Đồng Nai đã thực hiện hàng loạt biện pháp như: đổi mới hoạt động dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; điều tra, khảo sát các hộ dân có đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; điều chỉnh chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của thị trường sử dụng lao động; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng chương trình theo hướng mở, thiết kế gọn nhẹ, phù hợp thực tiễn, sát với yêu cầu, nguyện vọng của người học và thị trường lao động, gắn với quy hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, điều cốt lõi nhất trong xây dựng nông thôn mới là đời sống vật chất, tinh thần nông dân thật sự tăng lên, trao cho nông dân một “cần câu” bền vững. Nhưng muốn làm được, phải đào tạo đội ngũ nông dân thật sự mới, có đủ trình độ, năng lực, nhạy bén trong tổ chức sản xuất để làm động lực phát triển mới. Cũng chính từ quan điểm đó, nhiều nông dân được tỉnh Đồng Nai cho đi học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình nông nghiệp tiên tiến trong và ngoài nước.

Theo đó, Đồng Nai tập trung đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Với nhiều nỗ lực, chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đồng Nai ngày càng được chú trọng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, chỉ tính từ trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 2,2 nghìn lớp đào tạo nghề cho hơn 65,5 nghìn lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp với hơn 36 nghìn người, (chiếm 55,05%). Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn lên 65% (thống kê cuối năm 2020). Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều nông dân đã ứng dụng thành công kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất, chăn nuôi và vươn lên làm giàu…

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đồng Nai đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa Đồng Nai trở thành tỉnh đi đầu cả nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, công tác này cũng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý,

Thúc đẩy đào tạo nghề và cải thiện thu nhập cho người dân

Tại huyện Xuân Lộc, những năm gần đây, nhờ cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, đời sống của người dân đã vươn lên khá giả. Thay vì sản xuất lúa manh mún, thủ công, bà con đã tham gia hợp tác xã, đóng góp hàng tỷ đồng để đầu tư mua máy móc nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở nhiều hợp tác xã đạt 100%, từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và sơ chế nông sản... Từng hộ xã viên còn tích cực áp dụng các quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản... Nhờ vậy, sản phẩm gạo ST24 của nông dân Xuân Lộc đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường...

 Nông dân đầu tư công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh.

Nông dân đầu tư công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh.

Các địa phương khác của tỉnh Đồng Nai cũng đều có những mô hình kinh tế mang lại giá trị, lợi nhuận cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật như: sầu riêng 3 gốc ở huyện Cẩm Mỹ; nấm bào ngư ở thành phố Long Khánh; rau thủy canh ở thành phố Biên Hòa... Nhiều mô hình sản xuất của tỉnh đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Anh Đoàn Ngọc Hải (ngụ ấp Đồng Tâm, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) được biết đến là người làm nghề ghép cây có tiếng của địa phương. Từ hơn 10 năm trước, anh đã ghép và bán cây giống cao su; những năm gần đây, anh chuyển sang ghép giống sầu riêng, bơ… Dù đã có tay nghề cao, được nhiều bà con nông dân trong vùng tin tưởng, đặt hàng nhưng khi huyện Cẩm Mỹ mở lớp dạy nghề ghép cây thì anh Hải vẫn tham gia học. Anh Hải tâm sự: “Là nông dân, được học điều gì phục vụ trực tiếp cho chăn nuôi, sản xuất đều rất quý. Tôi tham gia lớp học ghép cây đã biết thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật mới. Nông dân mình học ghép cây được thì sẽ tự chọn được những cây giống tốt, phù hợp với thổ nhưỡng để trồng, như vậy sẽ cho năng suất cao hơn là đi mua giống”.

Hay như ông Nguyễn Khoa Trường, ngụ tại ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) là nông dân tiêu biểu của địa phương. Gia đình ông có vườn sầu riêng rộng 2ha, đã 12 năm tuổi, thu hoạch trung bình mỗi năm khoảng 25 tấn/ha. Với giá sầu riêng hiện nay, thu nhập của gia đình ông ước đạt 1,5 tỷ đồng/năm. Để có được vườn trái cây đúng mùa vụ, hiệu quả kinh tế cao, ông Trường đã sử dụng phân hữu cơ, lắp đặt công nghệ tưới tự động, đặc biệt là ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất, chăm sóc cây trồng.

Ông Nguyễn Khoa Trường chia sẻ: “Ngoài tham gia các lớp đào tạo của địa phương, tôi thường học hỏi kỹ thuật từ Internet, nắm bắt quy trình chăm sóc, cắt tỉa cành, bông, loại bỏ trái xấu, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh gốc sầu riêng và cắt cỏ bằng máy... Quy trình chăm sóc khép kín và ứng dụng công nghệ đã thay thế phần lớn công đoạn thủ công trước đây, góp phần nâng cao chất lượng nông sản”.

Ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), gia đình anh Vũ Đình Huấn khởi nghiệp từ hai nhà màng trồng dưa lưới, rộng hơn 2.000m2. Qua các lớp đào tạo, tập huấn, cùng với sự chủ động tìm hiểu, ứng dụng kỹ thuật vào từng công đoạn gieo trồng, chăm bón, doanh thu, lợi nhuận từ dưa lưới của gia đình anh liên tục tăng. Theo anh Huấn, khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng khả thi. Đây cũng là chủ trương của chính quyền nên được quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu giúp người dân tự tin sản xuất.

Mục tiêu của Đồng Nai là tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, chất lượng, an toàn, bền vững nhằm đạt được tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 50% tổng giá trị toàn ngành, góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân.

Mạnh Thắng

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/dong-nai-thuc-day-dao-tao-nghe-trong-linh-vuc-nong-nghiep-gop-phan-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-22103
Zalo