Chuyên gia nói gì về 'trào lưu' lọc máu chữa bệnh?

Theo chuyên gia y tế, nếu lạm dụng lọc máu để phòng ngừa đột quỵ, mỡ máu hay nhiều bệnh khác tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng dịch vụ này.

Nguy cơ biến chứng

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Tiktok và Facebook xuất hiện nhiều video, bài đăng về tác dụng của việc lọc máu. Theo những chia sẻ này, việc chủ động lọc máu giúp loại bỏ máu xấu, có thể điều trị bệnh mỡ máu.

Một bài đăng nói về việc lọc máu. Ảnh chụp màn hình.

Một bài đăng nói về việc lọc máu. Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, theo những lời quảng cáo, việc lọc máu cũng giúp ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như: Đột quỵ, tiểu đường xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ,…

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, phương pháp này đã từng “nổi” lên một thời gian. Một số bệnh nhân đã từng chia sẻ về việc đi lọc máu để loại bỏ máu xấu, ngăn ngừa nhiều bệnh…

Thực tế, phương pháp lọc máu đang được lan truyền trên mạng xã hội hiện nay là phương pháp lọc huyết tương, thay thế huyết tương (Plasma Exchange - PE) không hề mới trong lâm sàng.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh, phương pháp này được các bác sĩ chỉ định rất thận trọng bởi có thể dẫn đến các biến chứng kèm theo.

"Thông thường, đây là phương pháp được chỉ định với trường hợp tăng cholesterol, tăng mỡ máu có yếu tố gia đình. Với những trường hợp này có khi mỗi tháng phải lọc vài lần...

Ngoài ra, bệnh nhân viêm tụy có cholesterol tăng cũng có thể được chỉ định phương pháp này nhưng phải được thực hiện có quy trình dưới sự theo dõi, thực hiện của bác sĩ", chuyên gia cho biết.

BS Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng). Ảnh: Chuyên gia cung cấp.

BS Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng). Ảnh: Chuyên gia cung cấp.

BS Hoàng cho biết thêm, đối với việc lọc máu để giảm mỡ máu, thường chỉ định đối với người bệnh có chỉ số mỡ máu rất cao, điều trị bằng thuốc không cải thiện, buộc phải lọc máu để đưa chỉ số máu về ngưỡng bình thường. Hoặc người bệnh có chỉ số máu cao kèm theo viêm tụy.

Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân được chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/l kèm theo viêm tụy. Do vậy, không phải cứ chỉ số cholesterol cao là lọc máu. Vì vậy, người dân không nên tin vào các quảng cáo, hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm.

Còn những quảng cáo lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như trên quảng cáo hay tư vấn của một số cơ sở y tế cũng không hợp lý và chưa có đủ căn cứ khoa học. Do đó, nếu lạm dụng lọc máu để phòng ngừa đột quỵ, mỡ máu hay nhiều bệnh khác tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể xảy ra và nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng dịch vụ này.

Không để tiền mất tật mang

Bác sĩ Hoàng cảnh báo: “Để thực hiện kỹ thuật này, máy móc phải là những thiết bị hiện đại, chuyên dụng dùng cho lọc máu ngoài cơ thể, đồng thời người thực hiện phải là người có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể. Nếu không phải cơ sở y tế chuyên sâu thì khó có thể có đủ phương tiện, thiết bị và nhân lực để cấp cứu. Cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là bệnh nhân. Do đó chúng ta không nên nghe theo những lời quảng cáo không có cơ sở để tránh tiền mất tật mang”.

Đưa quan điểm về tình trạng này trên trang Facebook cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội viết: “Nếu chỉ cần 2-3 tiếng với chi phí chưa đến chục triệu mà phòng ngừa được đột quỵ, rồi hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp. Một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến thời điểm này chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng.

Lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự. Đây là phương pháp rất hiệu quả cứu sống nhiều bệnh nhân như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp...

Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể cũng nên đặt câu hỏi nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp dự phòng này không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy không nên mất tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật "xâm lấn" mà hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng…”

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-trao-luu-loc-mau-chua-benh-10300271.html
Zalo