Chuyên gia kiến nghị mở rộng không gian công bố bài báo quốc tế ngành KHXH
Để có công bố quốc tế trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus về Khoa học xã hội và Nhân văn không dễ bằng Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học,…
Một trong những khó khăn đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Khoa học xã hội và Nhân văn là quy định về tiêu chuẩn công bố kết quả nghiên cứu khoa học (bài báo công bố quốc tế) theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Do đó, có đề xuất nên bỏ tiêu chuẩn bài báo công bố quốc tế đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư một số ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đinh Văn Đức – chuyên gia Ngôn ngữ học, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tiêu chuẩn bài báo công bố quốc tế là cần thiết, đúng và phù hợp để xét công nhận ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Nhờ có tiêu chuẩn này mà chất lượng và sự chủ động của giáo sư, phó giáo sư cũng được nâng cao rõ rệt.
“Thực tế, công bố quốc tế trong Khoa học xã hội và Nhân văn của Việt Nam cũng có những điểm chưa đồng đều. Đơn cử, ngành Kinh tế, ngành Luật cũng thuộc “địa hạt” Khoa học xã hội và Nhân văn nhưng số lượng công bố quốc tế hiện nay vẫn ở mức khá, hoặc tốt. Trong khi đó, một số ngành Triết học, Chính trị học, Văn học, Lịch sử lại có rất ít công bố quốc tế”, Giáo sư Đức chia sẻ.
Bàn về nguyên nhân khiến số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư một số ngành Khoa học xã hội và Nhân văn hạn chế, theo Giáo sư Đức, thứ nhất, một phần do tư tưởng Việt Nam và một số nước phương Tây có những vấn đề không cùng nằm trong một hệ giá trị nên việc công bố bài báo quốc gặp khó khăn.
Thứ hai, Khoa học xã hội và Nhân văn của nước ta chủ yếu nghiên cứu các vấn đề về Việt Nam, trong đó có những nghiên cứu tuy rất sâu nhưng việc công bố quốc tế không dễ vì số lượng bạn đọc và tạp chí chuyên ngành có mức độ quan tâm đến nghiên cứu về xã hội Việt Nam chưa nhiều.
Thứ ba, nguyên nhân chủ quan do một số nhà khoa học có năng lực, nghiên cứu tốt nhưng cho rằng thủ tục phiền hà, ngại thực hiện nên không mặn mà đăng ký xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Thứ tư, không gian công bố bài báo quốc tế hiện nay đang đề cao trong danh mục ISI/Scopus. Đây là danh mục thuộc về học thuật phương Tây, sử dụng tiếng Anh, thiên về khoa học cơ bản, công nghệ và sức khỏe. Các nhà khoa học này rất mạnh về công bố khoa học trong danh mục này. Do đó, để có công bố quốc tế trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus về Khoa học xã hội và Nhân văn không dễ bằng Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học,…
“Tới đây, trong xét tiêu chuẩn công bố bài báo quốc tế đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư một số ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn nên có sự điều chỉnh sao cho hợp lý mà vẫn đảm bảo tính khoa học của học thuật.
Để góp phần gỡ khó cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành thuộc Khoa học xã hội và Nhân văn, nếu được, có thể mở rộng không gian công bố bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín của nền khoa học tiên tiến (như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp,…) chứ không chỉ thiên về bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus sử dụng bằng tiếng Anh.
Thực tế, một số nhà Khoa học xã hội và Nhân văn dày công nghiên cứu, có sách chuyên khảo tốt, sâu nên có thể tăng cường vào trong tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư, phó giáo sư. Sách chuyên khảo cần được hội đồng chuyên ngành phản biện và kiểm định chất lượng (chứ không phải tự viết, tự in)”
_Giáo sư Đinh Văn Đức_
Cùng chia sẻ về vấn đề này, một vị giáo sư Ngành văn học cho rằng, không nên bỏ tiêu chuẩn bài báo công bố quốc tế trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Bởi, việc để có bài báo xuất bản trên tạp chí quốc tế không khó đến mức ứng viên giáo sư, phó giáo sư không làm được.
Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 5, Quyết định 37 quy định công bố kết quả nghiên cứu khoa học trong tiêu chuẩn chức danh giáo sư như sau:
“Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020: Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 05 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế…”.
Còn theo Điểm b, khoản 4, Điều 6, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, quy định công bố kết quả nghiên cứu khoa học trong tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020: Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế…”.
Theo quy định trên, vị giáo sư ngành Văn học đề xuất, đối với tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, nếu số lượng “05 bài báo khoa học” được công bố là quá cao, có thể điều chỉnh giảm bớt 01 bài, còn 04 bài báo khoa học. Tương tự, đối với tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư có thể giảm từ “03 bài báo khoa học” xuống còn 02 bài báo khoa học.
Để tránh trường hợp đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có chất lượng thấp, có thể đề xuất những bài đăng ở tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus có chỉ báo tác động tích hợp - The Integrated Impact Indicator I3 trở lên
Công bố bài báo khoa học quốc tế có thể giảm số lượng bài chứ không nên bỏ. Bởi, Quyết định 37 thực hiện từ năm 2018 đến nay, những giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn chức danh đã phải nỗ lực rất nhiều và hiện cũng có nhiều nhà khoa học đang tiếp tục phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn.
“Khoa học xã hội và Nhân văn ở Việt Nam cần có tiếng nói trên thế giới để phát triển. Quyết định 37 quy định tiêu chuẩn, là “luật chơi” chung, tạo xứng đáng cho ứng viên được công nhận, không nên có tiêu chuẩn riêng cho bất cứ ngành nào trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Kinh tế ở Việt Nam phát triển tốt, xã hội ổn định, hà cớ gì không đẩy mạnh công bố khoa học, trong đó có lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn để thế giới biết đến Việt Nam? Bỏ tiêu chuẩn công bố bài báo quốc tế là kéo lùi học thuật của Việt Nam”, vị giáo sư chia sẻ.
Một số ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn ít ứng viên giáo sư, phó giáo sư, vị giáo sư này cho biết, nguyên nhân là do giáo sư, phó giáo sư chưa được tôn vinh xứng đáng.
"Xét về thu nhập, hệ số lương khởi điểm của vị trí chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên cao cấp đang cào bằng (hệ số lương khởi điểm đều là 6,20).
Nếu không trở thành giáo sư/phó giáo sư, ứng viên vẫn có con đường khác để được nhận hệ số lương khởi điểm là 6,20 như giáo sư, phó giáo sư. Đó là trở thành giảng viên cao cấp – con đường này quá sức dễ dàng (không cần bài báo công bố quốc tế) so với trở thành giáo sư, phó giáo sư.
Để tôn vinh và đãi ngộ tương xứng đối với giáo sư, phó giáo sư, hệ số lương khởi điểm của giảng viên cao cấp có thể là 6,20; hệ số lương của phó giáo sư có thể tăng lên 2-3 bậc so với hệ số lương của giảng viên cao cấp và hệ số lương của giáo sư có thể tăng lên 2-3 bậc so với hệ số lương của phó giáo sư”, vị này nêu quan điểm.
Theo Điều 10 Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, quy định: Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
Trong khi, tại Điều 8, Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang quy định:
Chức danh phó giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp.
Chức danh giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp.