Chuyên gia chống độc chỉ cách thoát hiểm khi bị sứa lửa đốt

Bị sứa lửa đốt khi tắm biển ngày hè, nếu không được xử trí, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe.

Sứa lửa xuất hiện ở bãi tắm

Theo thông tin cảnh báo từ Ban Quản lý Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), đã ghi nhận sự xuất hiện của sứa lửa tại một số bãi tắm ở Khánh Hòa, người dân tắm biển cần cẩn thận.

Chuyên gia chống độc, TS Nguyễn Lương Kỷ, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho biết, sứa lửa là loài sinh vật biển có khả năng gây ra những vết đốt đau đớn và nguy hiểm cho người tắm biển, nhất là mùa hè. Mùa sứa lửa xuất hiện ở biển từ tháng 4 đến hết tháng 8 hàng năm.

Một số bãi tắm ở Nha Trang (Khánh Hòa) được cảnh báo có sự xuất hiện của sứa lửa.

Một số bãi tắm ở Nha Trang (Khánh Hòa) được cảnh báo có sự xuất hiện của sứa lửa.

"Sứa lửa đốt bằng cách quật các xúc tu (gọi nôm na là râu sứa) vào người tắm biển. Khi bị sứa lửa đốt, triệu chứng đầu tiên là đau và bỏng rát (bỏng rát như lửa đốt, đau nhói như kim châm tại vùng cơ thể bị sứa đốt).

Sau đó, các vết quật của sứa lửa trên cơ thể có màu đỏ hoặc nâu tím, phồng rộp, nổi bọng nước. Trường hợp nặng, vị trí cơ thể người bị sứa lửa đốt sẽ sưng phù, xuất huyết dưới da. Triệu chứng có thể kéo dài đến 1-2 tuần. Tiếp đến, người bị sứa lửa đốt phát ban và sưng tấy chỗ vết thương, nặng hơn là khó thở, buồn nôn, nôn mửa, tăng nhịp tim, đau ngực và sốc phản vệ", TS Nguyễn Lương Kỷ nói.

Cách xử trí khi bị sứa lửa đốt để không bị nguy kịch

Theo TS Kỷ, người bị sứa lửa đốt cần biết cách xử trí và được xử trí đúng cách để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Ngay khi phát hiện triệu chứng đầu tiên (đau và bỏng rát) của sứa lửa đốt cần lập tức dời khỏi nước biển. Sau đó, tiến hành loại bỏ các xúc tu sứa lửa dính trên cơ thể bằng cách dùng nhíp hoặc tay (đeo găng) rồi rửa vùng da bị sửa lửa đốt (rửa với nước biển hoặc giấm để vô hiệu hóa nọc độc).

Tuyệt đối không sử dụng nước ngọt hoặc cồn để rửa chỗ bị sứa lửa đốt vì có thể làm các tế bào chứa nọc độc phóng thích thêm chất độc, làm nặng vết thương.

Rửa vết thương bị sứa lửa đốt xong thì ngâm vết thương trong nước ấm (43-45°C) trong khoảng 20-45 phút để giảm đau và làm dịu vết thương.

Các vết thương ban đầu sau khi bị sứa lửa đốt. Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Nha Trang.

Các vết thương ban đầu sau khi bị sứa lửa đốt. Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Nha Trang.

"Sau khi tự xử trí (hoặc nhờ người thân xử trí) các bước trên, người bị sứa lửa đốt cần đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị. Các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc giảm đau ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau ngăn chặn sưng tấy cho người bị sứa lửa đốt. Sau đó đùng thuốc chống viêm và kháng histamin để giảm ngứa và sưng.

Trong trường hợp người bị sứa lửa đốt mà không được điều trị kịp thời dẫn đến tình trạng nghiêm trọng khó thở, đau ngực, sốc phản vệ thì phải đưa vào cấp cứu ngay lập tức. Ở trường hợp này, người bị sứa lửa đốt được cung cấp o-xy, truyền dịch, thuốc giảm đau và theo dõi sát sao", TS Nguyễn Lương Kỷ nói.

Phòng ngừa bị sứa lửa đốt bằng cách nào?

Để đề phòng bị sứa lửa đốt, trong những ngày hè, TS Nguyễn Lương Kỷ khuyến cáo, trước khi người dân đến vùng biển nào để tắm cần tìm hiểu xem ở đó có sứa lửa không. Đồng thời, mang giấm hoặc dụng cụ sơ cứu khi đi biển để sử dụng trong trường hợp bị sửa lửa đốt.

"Nếu bơi lội trong vùng biển có nguy cơ cao xuất hiện sứa hoặc sứa lửa, người dân có thể mặc quần áo bơi bảo hộ như wetsuit hoặc bodysuit. Tránh xa các vùng nước, vùng biển có cảnh báo đang có sứa lửa. Sau khi bơi lội lên, kiểm tra kỹ cơ thể để đảm bảo không có xúc tu nào của sứa lửa dính trên da", TS Kỷ thông tin.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chong-doc-chi-cach-thoat-hiem-khi-bi-sua-lua-dot-169240713123405723.htm
Zalo