Vì sao ghép gan, thận ở Việt Nam rất phát triển, nhưng ghép phổi còn khiêm tốn?

Muốn ngành ghép tạng của Việt Nam phát triển, cần đẩy mạnh việc ghép phổi. Nhưng hiện, việc ghép phổi của Việt Nam còn quá nhiều vướng mắc, trong khi số bệnh nhân bị bệnh phổi rất đông

 Ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức có tốc độ phát triển nhanh

Ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức có tốc độ phát triển nhanh

Tại hội thảo khoa học “Ghép phổi từ người cho chết não - thực trạng và giải pháp” tổ chức tại Bệnh viện Việt Đức ngày 9/8, TS. Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho biết: 30 năm kể từ ca ghép tạng thành công đầu tiên, ghép phổi của Việt Nam đã có những bước phát triển. Những tiến bộ trong bảo tồn phổi, kỹ thuật phẫu thuật và chế độ ức chế miễn dịch đã dẫn đến việc thực hiện thường quy ghép phổi với các chỉ định rộng hơn.

“Các nhà khoa học Việt Nam đã có những nghiên cứu về cơ chế cơ bản của rối loạn chức năng ghép phổi, những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị được cá nhân hóa cho cả phổi của người hiến tặng và người nhận ghép phổi, giúp cải thiện kết quả ngắn hạn và dài hạn trong tương lai gần. Hội thảo cũng nhằm đưa ra các giải pháp để thúc đẩy công tác ghép phổi từ người cho chết não” - ông Dương Đức Hùng cho hay.

 TS. Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

TS. Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

Những khó khăn trong ghép phổi còn nguyên sau nhiều năm

Bên lề hội thảo, PGS. Nguyễn Tiến Quyết, một trong các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng của Việt Nam, người đã để lại nền móng vững chắc cho Bệnh viện Việt Đức về hoạt động tổ chức phối hợp ghép đa tạng một cách chuyên nghiệp - thông tin: Kỹ thuật ghép tạng đã được GS. Tôn Thất Tùng khởi động từ những năm 70 của thế kỷ 20, nhưng do đất nước chiến tranh, đến những năm 2000, Việt Nam mới bắt đầu ghép thận, năm 2007 bắt đầu ghép gan và năm 2010 ghép gan - thận từ người cho chết não.

“Trong ghép tạng, ghép phổi là kỹ thuật ghép khó nhất. Ngoài ra, việc chăm sóc sau ghép cũng khác hoàn toàn các tạng khác. Khi chúng tôi làm đề tài cấp Bộ về ghép phổi, tiến hành ca ghép phổi thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối. Giờ thì những trường hợp như thế không còn chỉ định ghép nữa. Nhưng khi lựa chọn những bước đầu tiên, chúng tôi cũng chịu nhiều cấp bách để kịp ghép phổi từ người cho chết não” - chuyên gia Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ.

Không ngoài dự đoán, ca ghép đầu tiên đó không có nhiều khó khăn về kỹ thuật, nhưng khâu hồi sức và chăm sóc sau ghép thì cực kỳ khó khăn. Kíp chăm sóc sau ghép và kíp mổ phải phối hợp 24/24 và chăm sóc trong 8-9 tháng, bệnh nhân mới ra viện. Dù tiên lượng không cao lắm, nhưng sau khi chăm sóc, điều trị và theo dõi thường xuyên, bệnh nhân này đã tiến triển rất tốt.

 PGS. Nguyễn Tiến Quyết, một trong các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng của Việt Nam (ảnh: Vũ Hân)

PGS. Nguyễn Tiến Quyết, một trong các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng của Việt Nam (ảnh: Vũ Hân)

Theo PGS. Nguyễn Tiến Quyết, những khó khăn khi ấy đến bây giờ vẫn nguyên vẹn ở Việt Nam, bởi điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đặc biệt là cơ sở vật chất cho bệnh nhân nằm sau khi ghép cũng như điều kiện môi trường.

“Đến nay, chúng ta đã ghép được thận, gan, tim thường quy, thậm chí, chúng tôi còn ghép gan, thận nhanh hơn nhiều đồng nghiệp trên thế giới, nhưng ghép phổi mới bắt đầu. Mà, muốn ngành ghép tạng phát triển hơn nữa, cần đẩy mạnh ghép phổi. Vì thế, Bệnh viện Việt Đức đang tập trung cho vấn đề này, nhằm đẩy mạnh bản đồ ghép tạng của Việt Nam phát triển hơn nữa” - PGS. Quyết thông tin.

Ông Quyết cũng cho rằng, để đẩy mạnh ghép phổi cần sửa Luật hiến mô tạng 2006; cần có cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, môi trường … liên quan đến ghép phổi. Đặc biệt là cần kết hợp giữa các bệnh viện, các trung tâm có chuyên môn cao để hỗ trợ lẫn nhau cả về kỹ thuật ghép và chăm sóc sau ghép.

Cán bộ y tế chưa quan tâm đến điều trị bằng ghép phổi

PGS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, cho biết: Trong số các tạng ở Việt Nam đang ghép tốt, thì tụy và phổi có số lượng ghép rất ít: Một ca ghép tụy và 11 ca phổi, trong khi thận thì hầu như ngày nào cũng ghép, tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi tuần ghép từ 3-5 ca.

Theo ông Hệ, nguyên nhân khiến việc ghép tụy và phổi lại ít như vậy vì phổi là tạng ghép khó, chi phí cao, phổi lại là tạng cần lấy từ người hiến chết, không như thận – có thể ghép từ người hiến sống. Việt Nam từng có ca ghép phổi từ người hiến sống, nhưng là 2 người hiến sống (mỗi người hiến 1 phần phổi) mới đủ để ghép cho một người bệnh. Người sống hiến phổi rất khó, phức tạp và nguy hiểm.

Trên thế giới rất ít khi lấy phổi từ người hiến sống để ghép, chủ yếu lấy từ người chết não/chết tim để ghép. Trong khi tỉ lệ hiến từ người chết não/chết tim ở Việt Nam thấp, nên nguồn hiến phổi cũng còn thấp.

 PGS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

PGS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

Bên cạnh đó, một người chết não có thể hiến được 2 thận cho 2 người, gan cho 2 người, 1 tim, thì phổi chỉ có thể hiến được hơn 20% phổi, bởi việc hồi sức và bảo quản phổi có khó khăn riêng.

Hiện có rất nhiều bệnh nhân phổi mãn tính, nhưng chi phí lớn nên người bệnh cũng không tìm hiểu, ngay cả nhân viên y tế cũng ít quan tâm đến vấn đề này. Trong danh sách người chờ ghép của Trung tâm điều phối tạng Quốc gia cũng có ít người chờ ghép phổi. Có người trong danh sách chờ nhưng không chờ được đã qua đời, khi thì có phổi nhưng không có người nhận…

Nhiều người mắc bệnh phổi mãn tính nhưng danh sách đăng ký nhận phổi hiến lại rất ít. Đó là sự quan tâm của người bệnh đối với phương án điều trị còn thiếu, cũng là sự thiếu quan tâm của cán bộ y tế khi chưa quan tâm đến ghép phổi. Ví như với bệnh phổi mãn tính, cần quan tâm bệnh nhân nào cần ghép, nếu ghép thì gặp khó khăn gì và phải đi đến tận cùng của vấn đề.

“Chi phí cho 1 ca ghép phổi hiện nay đang rất cao, còn BHYT chi trả phần rất nhỏ. Trung tâm điều phối tạng Quốc gia đã tổ chức nhiều hội thảo, đề xuất với Bộ Y tế tính đúng tính đủ chi phí một ca ghép tạng để BHYT chi trả, góp phần thay đổi tỉ lệ ghép. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được quan tâm đúng mực” - ông Hệ chia sẻ.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức; PGS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức PGS. Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Cácchuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm:

Sàng lọc và tuyển chọn người nhận phổi từ các bệnh lý hô hấp” của PGS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai

“Sàng lọc và tuyển chọn người nhận phổi từ các bệnh lý tim mạch của TS. Trần Hải Yến - Viện Tim mạch Quốc gia Bệnh viện Bạch Mai

Cập nhật chẩn đoán chết não và hồi sức bảo vệ phổi người cho chết não hiến tạng” của PGS. Lưu Quang Thùy - Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức Bệnh viện Việt Đức.

Ghép hai phổi từ người cho chết não có ECMO hỗ trợ - kinh nghiệm từ hai trường hợp thành công” của PGS.TS Phạm Hữu Lư - Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực Bệnh viện Việt Đức.

Ghép hai phổi từ người cho chết não: Kết quả bước đầu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” của TS. Ngô Vi Hải - Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Hồi sức và chăm sóc sau ghép phổi. Kết quả bước đầu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức của TS. Phạm Tiến Quân - Trưởng khoa hồi sức, Trung tâm Tim mạch Lồng ngực Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-ghep-gan-than-o-viet-nam-rat-phat-trien-nhung-ghep-phoi-con-khiem-ton-post177191.html
Zalo