Chuyên gia chỉ ra 3 áp lực khiến môi trường làm việc của doanh nghiệp dần biến đổi

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán sau lễ công bố Top 25 Nơi làm việc xuất sắc nhất Việt Nam 2025 diễn ra tối 22/05, ông Roland Wee, Chủ tịch HĐQT Great Place To Work ASEAN và ANZ cho biết, AI, dân số già và bất ổn địa chính trị là 3 áp lực khiến môi trường làm việc của doanh nghiệp dần biến đổi.

Theo ông, môi trường việc làm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong giai đoạn tới?

Theo ông, môi trường việc làm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong giai đoạn tới?

Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt với những bất ổn đáng kể do cả các yếu tố nội tại và bên ngoài trong 15 năm tới.

Về nội tại, theo ước tính của Liên Hợp quốc, lực lượng lao động của Việt Nam dự kiến đạt đỉnh vào năm 2040 sẽ đi kèm với sự gia tăng của dân số cao tuổi đến năm 2060.

Về bên ngoài, bất ổn địa chính trị có thể đe dọa vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn của Mỹ. Mặc dù đàm phán thương mại Mỹ - Việt được 2 bên cho biết là tiến triển tốt đẹp, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Mỹ về các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể.

Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc vẫn tiếp diễn, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có thể tiếp tục gia tăng và chưa rõ khi nào Việt Nam có thể giảm thâm hụt đó. Không giống như các quốc gia khác, Việt Nam có rất ít lựa chọn để giảm thâm hụt vì khả năng tăng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ là rất hạn chế.

Thách thức của Việt Nam chính là thu hút các loại công việc không làm gia tăng đáng kể thặng dư tài khoản vãng lai với Mỹ.

Ngoài ra, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, dẫn đầu bởi việc ứng dụng AI, có thể thay đổi cơ bản cấu trúc của lực lượng lao động Việt Nam.

Ông Roland Wee, Chủ tịch HĐQT Great Place To Work ASEAN và ANZ.

Ông Roland Wee, Chủ tịch HĐQT Great Place To Work ASEAN và ANZ.

Như ông vừa chia sẻ, Việt Nam được dự báo sẽ đạt đỉnh lực lượng lao động vào năm 2040. Theo ông, các doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thích ứng với thay đổi nhân khẩu học này?

Sự thay đổi lớn về nhân khẩu học của Việt Nam xuất phát từ tỷ lệ sinh đang giảm, khi mọi người ngày càng có xu hướng sinh ít con hơn. Không chỉ Việt Nam, đây là xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu.

Trong suốt 50 năm qua, Việt Nam đã có một lực lượng lao động trẻ. Trong 15 năm tới, lực lượng này vẫn tiếp tục tăng, nhưng sau đó sẽ đạt đỉnh vì dân số già (65 tuổi trở lên) sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Đây không phải là một xu hướng tạm thời.

Do đó, các doanh nghiệp cần bắt đầu suy nghĩ cách để thu hút và gắn kết với người lao động lớn tuổi. Họ không có cùng nhu cầu như thế hệ trẻ; họ muốn sự linh hoạt, không muốn làm việc toàn thời gian 5 ngày/tuần, mà chỉ mong muốn làm việc 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn được đóng góp.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện chưa quen với việc làm việc cùng người lao động lớn tuổi, vì trước đây chưa từng phải đối mặt với thực tế này (vì dân số Việt Nam trước giờ là dân số trẻ, lao động trẻ). Nhưng trong tương lai, nếu muốn tiếp tục phát triển, họ buộc phải thích nghi.

Một yếu tố then chốt khác là tăng năng suất lao động hiện tại. Tổng sản lượng của một quốc gia được tính bằng số lượng người lao động nhân với năng suất. Nếu không thể tăng số lượng lao động, thì mỗi người lao động cần phải tạo ra giá trị nhiều hơn.

Đây chính là lúc công nghệ vào cuộc và phát huy vai trò của mình, giúp duy trì đà tăng trưởng của đất nước. Nếu không, mọi thứ sẽ không phát triển. Về cơ bản, đó là câu chuyện của lực lượng lao động, năng suất và công nghệ là những yếu tố quyết định sự tăng trưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI đang tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, thậm chí có nguy cơ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Ông đánh giá thế nào về mức độ ứng dụng AI trong công việc tại Việt Nam hiện nay? Liệu AI có thực sự là mối đe dọa đối với người lao động?

Dữ liệu của Great Place To Work cho thấy người lao động ở Việt Nam có mức độ sẵn sàng cao hơn đối với AI so với nhiều quốc gia khác. Chúng tôi đã thực hiện một khảo sát toàn cầu về cảm nhận của người lao động đối với AI, đặt ra các câu hỏi như: Bạn có nghĩ công ty sẽ đào tạo bạn sử dụng AI không? Công ty có sử dụng AI để mang lại lợi ích cho xã hội không? Công ty có dùng AI để mang lại lợi ích cho chính bạn không?

Với những câu hỏi trên, tỷ lệ phản hồi tích cực từ người lao động Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia khác. Họ hào hứng khi được sử dụng AI và tin rằng AI sẽ hỗ trợ cho cá nhân họ cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Vì vậy, tôi rất lạc quan về AI và tiềm năng mà công nghệ này có thể mang lại cho người lao động Việt Nam. Người lao động Việt Nam không xem AI là một mối đe dọa, mà thay vào đó họ đặt câu hỏi: “Tôi có thể sử dụng AI như thế nào? Làm sao để AI giúp tôi phát triển hơn?” – một thái độ tích cực nổi bật hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Trong sự kiện vừa qua, ông chia sẻ rằng, sự tin cậy là chìa khóa để vượt qua thách thức trong giai đoạn này. Vậy điều đó nên được thể hiện như thế nào trong doanh nghiệp Việt?

Yếu tố đầu tiên là giao tiếp (communication). Người lao động thường lo lắng về những thay đổi, đặc biệt là khi tốc độ thay đổi ngày càng nhanh. Ban lãnh đạo cần quan tâm đến cách người lao động phát triển bản thân.

Những nhiệm vụ hiện tại có thể biến mất, nhưng lãnh đạo hãy cho người lao động biết rằng: “Thay vì để bạn bị thay thế, tôi sẽ đào tạo lại bạn, giúp bạn học kỹ năng mới để đảm nhiệm công việc khác - công việc có giá trị cao hơn, để bạn có thể được trả lương cao hơn”. Do đó, người lao động cần được hỗ trợ để thích nghi với sự thay đổi.

Thứ hai, cần có một lộ trình phát triển rõ ràng và tốt nhất, hãy cùng người lao động xây dựng lộ trình đó. Hãy trao đổi, lắng nghe đề xuất từ họ. Rất nhiều công ty thành công hiện nay đều nói: “Đây là những sáng kiến đến từ người lao động.”

Những công ty làm tốt điều này sẽ thành công. Và những người tài năng sẽ tìm đến những công ty đó. Tôi tin rằng đây chính là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-gia-chi-ra-3-ap-luc-khien-moi-truong-lam-viec-cua-doanh-nghiep-dan-bien-doi-post369854.html
Zalo