Chuyên gia chỉ cách phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ 'ngậm' hóa chất

Theo chuyên gia, để nhận biết giá đỗ sạch hay 'ngậm' hóa chất thì cần dựa vào hình dáng, màu sắc và mùi vị.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, 6-Benzylaminopurine (BAP) được phát hiện trong giá đỗ ở Đăk Lăk là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên.

Đây là hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm, bị các cơ sở sản xuất sử dụng để kích thích giá đỗ mọng nước, ngắn rễ và bắt mắt hơn.

Giá sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng, nhiều rễ và khó đứt gãy.

Giá sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng, nhiều rễ và khó đứt gãy.

Để nhận biết giá đỗ được ngâm hóa chất hay không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, giá đỗ ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt, ít rễ, rất giòn và dễ gãy. Trong khi đó, giá đỗ sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng, nhiều rễ và khó đứt gãy.

"Giá đỗ sạch được ủ truyền thống từ 3-5 ngày, cọng nhỏ, dài khoảng 3-7cm, có nhiều rễ do hút nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất được ủ nhanh hơn và ít rễ hơn", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lý giải.

Về màu sắc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, giá đỗ sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, còn giá đỗ ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, bóng bẩy. Khi ăn, giá đỗ sạch có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất thường xốp, khô, ăn không thơm và ít ngọt hơn.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Lực lượng chức năng đã kiểm tra 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo (34 tuổi), 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư (33 tuổi), 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (51 tuổi), 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (36 tuổi).

Qua kiểm tra, đấu tranh khai thác, các đối tượng trong vụ việc khai nhận trong quá trình sản xuất giá đỗ, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục, nước giếng, thì còn sử dụng thêm một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là "nước kẹo".

Theo cơ quan công an, thực chất "nước kẹo" là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong. Loại hóa chất này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, từ dị tật bẩm sinh đến nguy cơ tử vong nếu sử dụng ở liều lượng lớn.

Theo kết quả điều tra ban đầu, mỗi ngày các cơ sở này bán ra thị trường 8 – 10 tấn giá đỗ xanh. Như vậy, trong năm 2024, các cơ sở này bán ra thị trường khoảng 3000 tấn giá đỗ.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn, sản xuất thực phẩm, gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 4 đối tượng nêu trên về hành vi, tội danh "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" được quy định tại điều 317 Bộ luật hình sự.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-phan-biet-gia-do-sach-va-gia-do-ngam-hoa-chat-169241229104840152.htm
Zalo