Chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, virus D2 chiếm ưu thế

Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng nhanh tại nhiều địa phương, trong đó chủng virus D2 chiếm ưu thế với khả năng gây sốc và biến chứng nặng. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng khi Việt Nam bước vào chu kỳ dịch mới.

Chủng virus gây bệnh nặng chiếm ưu thế

Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cả nước đang bước vào mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển. Tính đến giữa tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam chiếm hơn 70% tổng số ca.

Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%; Tây Ninh tăng 274,3%; Long An tăng 208,6%; Đồng Nai tăng 191,7% và TP Hồ Chí Minh tăng 153%.

Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng, suy đa tạng, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng, suy đa tạng, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Nhận định về dịch sốt xuất huyết năm 2025, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo, năm 2025, sốt xuất huyết có khả năng bùng phát rất cao vì rơi vào chu kỳ dịch 3 - 5 năm, tương tự đợt dịch lớn năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc và 140 ca tử vong. Đáng lo ngại, bệnh không còn chỉ phổ biến ở trẻ nhỏ mà đang có xu hướng lan sang nhóm tuổi 10 -15 và cả người lớn, cho thấy mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo giám sát dịch tễ, cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết (D1, D2, D3, D4) đều đang lưu hành tại Việt Nam, trong đó chủng D2 hiện chiếm ưu thế thay cho D1 trước đây. Đây là chủng có độc lực cao, dễ gây biến chứng nặng như sốc, xuất huyết nội tạng và làm gia tăng quy mô dịch. Sự thay đổi tuýp virus cũng tạo ra khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng, khiến nguy cơ lây lan và trở nặng tăng mạnh, đặc biệt ở người từng nhiễm các chủng virus khác.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết, khoảng 20 - 30% bệnh nhi đến khám do sốt xuất huyết đã phải nhập viện do có dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 50 - 60 bệnh nhân nặng với nhiều ca rơi vào biến chứng sốc, suy đa cơ quan, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.

Sốt xuất huyết gây ra 3 biến chứng nguy hiểm gồm: Thoát huyết tương, xuất huyết các cơ quan và suy đa cơ quan. Trong đó, virus làm tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến thoát huyết tương, tụt huyết áp, sốc và ngừng tim. Đồng thời, số lượng tiểu cầu giảm mạnh gây chảy máu nội tạng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Trong nhiều trường hợp, virus còn tấn công đa cơ quan gây suy gan, suy thận, suy tim, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp…

Việc điều trị các ca nặng đòi hỏi can thiệp phức tạp như thở máy, lọc máu, thay huyết tương, truyền albumin, sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh và kháng nấm. Chi phí điều trị có thể dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi ca.

Những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất tại TP Hồ Chí Minh tăng, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 800 ca mắc mới.

Những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất tại TP Hồ Chí Minh tăng, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 800 ca mắc mới.

Theo các chuyên gia y tế, hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là theo triệu chứng. Một số người mắc sốt xuất huyết giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ rệt, chủ quan tự mua thuốc uống hoặc tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh có thể đột ngột trở nặng ở giai đoạn giảm sốt hoặc hết sốt từ ngày thứ 3 - 7. Người bệnh cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường để nhập viện kịp thời. Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể nhanh chóng rơi vào sốc, giảm tiểu cầu, thoát huyết tương, cô đặc máu khiến các cơ quan nội tạng không nhận đủ máu và oxy, dẫn đến suy đa cơ quan.

Theo bác sĩ Tuấn, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có cơ địa thừa cân béo phì, người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền mạn tính với hệ miễn dịch yếu cần theo dõi sát các triệu chứng của sốt xuất huyết để nhập viện kịp thời. Phụ nữ mang thai nhiễm sốt xuất huyết còn tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhất là giai đoạn chuyển dạ, nguy cơ xuất huyết nặng và gặp các biến chứng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ mắc sốt xuất huyết chuyển dạ có thể truyền virus cho trẻ khi chào đời, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao.

Một người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, một người có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần. Tái nhiễm sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao gấp nhiều lần so với lần đầu tiên.

Bác sĩ Bạch Thị Chính lý giải, sau khi mắc sốt xuất huyết lần đầu, cơ thể tạo kháng thể đặc hiệu với tuýp virus đó và có miễn dịch chéo tạm thời với các tuýp khác trong khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, khi tái nhiễm với một tuýp virus khác, kháng thể cũ có thể liên kết sai cách với virus mới, gây hiện tượng “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE), khiến cơ thể không thể trung hòa virus, làm bệnh dễ trở nặng hơn.

Để phòng bệnh, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ không sử dụng… không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển.

Để phòng bệnh, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ không sử dụng… không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển.

Ngược lại, chúng tạo điều kiện để virus xâm nhập vào các tế bào miễn dịch dễ dàng hơn, làm tăng mức độ phản ứng viêm, kích hoạt “cơn bão cytokine” tấn công ngược các tế bào và cơ quan khỏe mạnh. Việc này khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn, gây chảy máu ồ ạt, suy giảm chức năng đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Nghiên cứu cho thấy, nếu may mắn sống sót sau nhiễm sốt xuất huyết nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc… đến 2 năm.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế cho rằng, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và tránh muỗi đốt. Theo đó, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, sử dụng các biện pháp xua muỗi như kem bôi, đèn hoặc vợt điện.

Quan trọng nhất là khi bị sốt, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị tại nhà vì dễ bỏ lỡ thời điểm phát hiện dấu hiệu cảnh báo của bệnh. Bên cạnh đó, vaccine sốt xuất huyết cũng là một trong những biện pháp mới, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Việc đưa vaccine vào tiêm chủng là tín hiệu tích cực, góp phần giảm số mắc và tử vong, hỗ trợ thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tiêm vaccine sốt xuất huyết cũng là một trong những biện pháp chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tiêm vaccine sốt xuất huyết cũng là một trong những biện pháp chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin thêm, vaccine sốt xuất huyết phòng ngừa đầy đủ 4 type virus sốt xuất huyết. Người dân cần tiêm vaccine sốt xuất huyết sớm, không đợi cao điểm mùa dịch mới tiêm chủng. Lý do sau tiêm, vaccine cần trung bình 2 tuần để tạo kháng thể bảo vệ. Mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối đa. Việc này giúp giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, biến chứng, tốn kém chi phí điều trị.

Vaccine sốt xuất huyết có hiệu quả cao nhưng cần tiêm đúng kỹ thuật mới phát huy tác dụng phòng bệnh và an toàn. Theo bác sĩ Chính, vaccine sốt xuất huyết là vaccine sống giảm độc lực với kỹ thuật tiêm phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao và tay nghề chuyên môn vững. Việc bảo quản, vận chuyển và sử dụng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt riêng, do đó không dễ để mở rộng nhanh chóng hoạt động tiêm chủng nếu thiếu đào tạo bài bản và giám sát chặt chẽ.

Theo đó, một quy trình chuẩn của bảo quản, vận chuyển và tiêm chủng an toàn, hiệu quả của vaccine sốt xuất huyết phải trải qua khoảng 20 bước với độ chính xác cao nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người tiêm. Thao tác hoàn nguyên và tiêm vaccine sốt xuất huyết đều phải được thực hiện với điều dưỡng giàu kinh nghiệm, năng lực thường phải từ bậc 2 trở lên và được đào tạo chuyên nghiệp về vaccine này.

PGS.TS.BS.CKII. Nguyễn Vũ Trung, Viện Trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh chỉ hiệu quả khi có sự tham gia và chung tay của người dân tại cộng đồng, cần chủ động diệt lăng quăng, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và hợp tác cùng địa phương trong các chiến dịch vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tập trung vào các biện pháp phòng bệnh và nêu bật những nguy hiểm và gánh nặng chi phí y tế khi mắc bệnh, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Bài và ảnh Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-bung-phat-dich-sot-xuat-huyet-virus-d2-chiem-uu-the-20250718185721539.htm
Zalo