Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường không thể chủ quan

Nếu bệnh tiểu đường kéo dài mà không được kiểm soát, sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, gây tổn thương thần kinh, vết loét khó lành.

Suy thận là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. (Nguồn: TTXVN)

Suy thận là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. (Nguồn: TTXVN)

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một rối loạn chuyển hóa mạn tính.

Bệnh lý này khiến cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng hiệu quả insulin để điều hòa đường huyết. Kết quả là lượng glucose trong máu tăng cao.

Nếu để bệnh tiểu đường kéo dài mà không được kiểm soát, sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, phải cắt bỏ bàn chân.

Hai loại biến chứng đái tháo đường:

Biến chứng cấp tính

Biến chứng cấp tính của tiểu đường thường xảy ra đột ngột và có thể gây nguy hiểm ngay lập tức nếu không được xử lý kịp thời. Các biến chứng này thường liên quan đến sự rối loạn đường huyết quá mức, bao gồm:

Hypers (hoặc hyperglycemia) xảy ra khi mức đường trong máu quá cao.

Hypos (hoặc hypoglycemia) xảy ra khi mức đường trong máu trở nên quá thấp.

Tăng đường huyết tăng áp lực thẩm thấu (HHS): Một tình trạng khẩn cấp đe dọa tính mạng chỉ xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự mất nước nghiêm trọng và tăng đáng kể mức đường trong máu.

Nhiễm toan ceton (DKA): Một tình trạng khẩn cấp đe dọa tính mạng khi thiếu insulin, lượng đường trong máu cao dẫn đến tích tụ xeton.

Biến chứng mạn tính

Biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường phát triển từ từ qua nhiều năm và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Khi lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao kéo dài dẫn đến những biến chứng nguy hiểm:

1. Biến chứng gây tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh)

Người bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt dễ mắc biến chứng thần kinh do tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh:

Tổn thương thần kinh ngoại vi: Người bệnh có cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát… ở chân và tay.

Tổn thương thần kinh thực vật: Hệ thần kinh thực vật kiểm soát huyết áp, chi phối hoạt động hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục. Người bệnh tiểu đường tổn thương thần kinh thực vật dễ gặp phải các biến chứng như tụt huyết áp, đổ mồ hôi, nôn, buồn nôn, tiểu tiện không tự chủ, đại tiện táo hoặc lỏng, lãnh cảm, rối loạn chức năng sinh dục.

Một trong biểu hiện liên quan đến biến chứng thần kinh mà người bệnh tiểu đường hay mắc phải nhất là Bàn chân đái tháo đường. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1-4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân.

 Vết loét do tiểu đường.

Vết loét do tiểu đường.

Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương, người bệnh bị rối loạn cảm giác, giảm cảm giác đau, nóng, lạnh. Do đó, người bệnh khi giẫm vào các vật nhọn mà không hề hay biết vì mất cảm giác, dẫn đến loét, lâu lành, dễ bị nhiễm khuẩn, hoại tử. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, người bệnh có thể phải cắt cụt chi dưới.

2. Biến chứng về răng miệng

Lượng đường trong nước bọt tăng cao sẽ khiến vi khuẩn tấn công men răng và gây tổn thương nướu, cũng như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do mạch máu nướu bị tổn thương.

3. Biến chứng ảnh hưởng sức khỏe tình dục ở nữ

Nếu đường huyết trong máu tăng cao, có khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Những tổn thương mạch máu và dây thần kinh do tiểu đường có thể hạn chế lượng máu chảy đến cơ quan sinh dục, và gây mất cảm giác.

4. Biến chứng ảnh hưởng sức khỏe tình dục ở nam

Tương tự ở nữ giới, những tổn thương mạch máu và dây thần kinh do tiểu đường có thể hạn chế lượng máu chảy đến cơ quan sinh dục. Điều này khiến nam giới khó bị kích thích, dẫn đến rối loạn chức năng cương dương và bất lực.

5. Các biến chứng ở mắt

Một trong các biến chứng của bệnh tiểu đường điển hình là tổn thương ở mắt gây bệnh võng mạc. Bệnh võng mạc do tiểu đường là tình trạng tổn thương hệ thống vi mạch, mạch máu nhỏ trong võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị. Ngoài ra, tiểu đường còn tăng nguy cơ gây đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

6. Biến chứng về tim mạch

Lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể gây hại cho mạch máu, dẫn đến nguy cơ về tim mạch như đau tim và đột quỵ trong một số trường hợp.

7. Biến chứng về thận

Bệnh thận do tiểu đường (Diabetic nephropathy): Tình trạng này xảy ra với nhiều giai đoạn. Trong thận có chứa rất nhiều mạch máu nhỏ làm nhiệm vụ lọc máu để loại bỏ các chất cặn bã, dư thừa.

Khi đường huyết cao, mao mạch bị tổn thương khiến chức năng lọc máu của thận suy giảm, các chất cặn bã không thể đào thải ra ngoài dẫn đến tích tụ. Nếu bệnh nhân không có biện pháp điều trị tích cực sẽ dẫn đến suy thận. Các triệu chứng của bệnh thận do tiểu đường thường là hiện tượng mệt mỏi, sưng phù tay, chân, mặt, tăng cân do giữ nước, buồn nôn, nôn ói nhiều, trong hơi thở có mùi amoniac do ure tích tụ.

8. Biến chứng tăng nguy cơ ung thư

Bệnh tiểu đường không gây ung thư. Tuy nhiên, tiểu đường là một yếu tố có khả năng tăng nguy cơ đáng kể đối với ung thư (vú, ruột già, nội tạng, thực quản, gan, phổi, và tuyến giáp).

Cách phòng chống biến chứng đái tháo đường

 Bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm đường huyết cho người dân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm đường huyết cho người dân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Với những nguyên nhân ở trên có thể thấy vai trò kiểm soát đường huyết rất quan trọng đối với người tiểu đường. Để kiểm soát tốt đường huyết, bạn có thể thực hiện các điều sau:

Nắm rõ kiến thức về tiểu đường và cách chăm sóc bệnh tiểu đường. Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế và tham khảo các kiến thức về bệnh tiểu đường từ nguồn thông tin đáng tin cậy.

Duy trì thói quen ăn uống và hoạt động thể chất lành mạnh mỗi ngày.

Người bệnh tái khám thường xuyên, ít nhất 4 lần/năm, đồng thời chủ động theo dõi đường huyết thường xuyên, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh kiểm tra mắt, chức năng thận, tổn thương thần kinh, bệnh tim, bàn chân để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng.

Không hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hạn chế ăn chất béo bão hòa từ động vật, chất béo chuyển hóa (mỡ heo, da gà, da heo, bơ, sữa…), đồ ăn mặn, uống rượu bia làm tăng cholesterol trong máu, gây biến chứng về tim mạch, đột quỵ…

Để ngăn ngừa các vấn đề về chân, người bệnh lưu ý những điều sau: rửa chân hàng ngày trong nước ấm, không ngâm chân quá lâu làm khô chân, dưỡng ẩm cho bàn chân và mắt cá chân bằng kem dưỡng ẩm không mùi, mang tất chân mềm thoải mái không bít chặt cổ chân, đi giày mềm, không đi chân đất. Cắt móng chân và mài nhẵn, cẩn thận không làm trầy xước da.

Thư giãn, ngủ đủ giấc, lạc quan giúp bạn vui vẻ sống hòa bình với bệnh tiểu đường./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-tieu-duong-khong-the-chu-quan-post1050158.vnp
Zalo