Chuyện gì đã xảy ra kể từ lần gần nhất Nga – Ukraine đàm phán hòa bình?
Nga và Ukraine có thể sắp nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Hai nước từng tiến hành đối thoại tìm giải pháp chấm dứt xung đột vào năm 2022 song các cuộc đàm phán đã đổ vỡ.
Phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Belarus vào ngày 28/2/2022, chỉ 4 ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Sau đó, các cuộc họp được tổ chức trực tuyến trước khi hai bên gặp lại trực tiếp tại Istanbul vào ngày 29/3. Từ đó cho đến giữa tháng 4, hai bên tiếp tục trao đổi nhiều bản dự thảo trước khi tiến trình đàm phán hoàn toàn đổ vỡ.

Đàm phán Nga - Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3/2022. Ảnh: Reuters
Theo các tài liệu dự thảo được New York Times công bố năm ngoái, Ukraine đã sẵn sàng trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn, không liên kết và phi hạt nhân, cũng như không cho phép bất kỳ vũ khí hay lực lượng nước ngoài nào hiện diện trên lãnh thổ. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ không gia nhập NATO nhưng vẫn để ngỏ khả năng trở thành thành viên EU. Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được các đảm bảo an ninh từ một nhóm quốc gia gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Anh, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pháp.
Một dự thảo từng được nhất trí một phần nêu rõ, các quốc gia đảm bảo, bao gồm cả Nga sẽ tôn trọng và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của Ukraine, đồng thời không đe dọa hay sử dụng vũ lực chống lại nước này. Dự thảo cũng đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán kéo dài trong 10 - 15 năm về quy chế của Bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.
Nhứng nút thắt lớn
Trong trường hợp Ukraine bị tấn công, Kiev mong muốn các quốc gia đảm bảo sẽ hỗ trợ, bao gồm khả năng đóng không phận Ukraine, cung cấp vũ khí cần thiết và sử dụng vũ lực nhằm khôi phục cũng như duy trì an ninh cho một quốc gia trung lập vĩnh viễn. Tuy nhiên, Nga yêu cầu mọi quyết định như vậy phải được tất cả các nước đảm bảo đồng thuận, tức là Moscow có quyền phủ quyết.
Hai bên bất đồng sâu sắc về quy mô lực lượng vũ trang và kho vũ khí tương lai của Ukraine. Chẳng hạn, Kiev sẵn sàng giới hạn quân số ở mức 250.000 người với 800 xe tăng và tầm bắn tối đa của tên lửa là 280km. Trong khi đó, Nga yêu cầu Ukraine phải giới hạn binh lính ở mức 85.000 người, 342 xe tăng và tầm bắn tên lửa không vượt quá 40km.
Nga yêu cầu Ukraine công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức và chấm dứt điều mà Moscow cho là "phân biệt đối xử" với cộng đồng người nói tiếng Nga - điều mà Kiev đã bác bỏ. Moscow cũng yêu cầu bãi bỏ những đạo luật mà họ gọi là "luật pháp về sự phát xít hóa và tôn vinh chủ nghĩa phát xít" ở Ukraine, song Kiev khẳng định đó là những cáo buộc phi lý.
Vì sao đàm phán đổ vỡ?
Tính đến tháng 4/2022, cục diện chiến trường có dấu hiệu nghiêng về phía Ukraine. Lực lượng Kiev tuyên bố đẩy lùi quân đội Nga khỏi khu vực quanh thủ đô. Các nước phương Tây bắt đầu gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và tăng cường trừng phạt Nga - những yếu tố khiến Ukraine giảm sự sẵn sàng trong việc nhượng bộ các yêu cầu của Moscow. Thông tin này được trình bày chi tiết trong một bài phân tích đăng trên tạp chí Foreign Affairs do nhà sử học Sergey Radchenko và chuyên gia phân tích Samuel Charap thực hiện.
Các dự thảo năm 2022 có còn giá trị?
Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff hồi tháng 2/2025 cho rằng, các văn kiện được gọi là "thỏa thuận Istanbul" có thể đóng vai trò như những "kim chỉ nam" cho các cuộc đàm phán giữa hai bên xung đột. Một trợ lý Điện Kremlin hôm 11/5 cũng nhấn mạnh, các cuộc đàm phán hòa bình hiện tại, nếu được nối lại, nên tính đến kết quả đàm phán năm 2022 cũng như thực tế rằng Nga hiện kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 12/2024 khẳng định rằng “không hề có một thỏa thuận Istanbul nào” mà chỉ là các cuộc thảo luận, trong đó Ukraine đã đáp lại một “tối hậu thư” từ phía Nga nhưng không ký kết bất kỳ văn bản chính thức nào.
Điều gì đã thay đổi kể từ những cuộc đàm phán thất bại?
Các cuộc đàm phán ban đầu chủ yếu xoay quanh vấn đề chủ quyền nhưng lập trường của Nga đã trở nên cứng rắn hơn kể từ đó với các yêu cầu cụ thể về lãnh thổ. Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6/2024 tuyên bố Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson - những khu vực mà Nga tuyên bố đã sáp nhập nhưng thực tế chỉ kiểm soát một phần.
Về phần mình, Ukraine kiên quyết không công nhận hợp pháp bất kỳ vùng lãnh thổ nào bị Nga chiếm đóng. Đồng thời, Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận rằng vào thời điểm hiện tại, lực lượng Ukraine chưa thể giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất và việc khôi phục chủ quyền có thể phải thực hiện dần dần thông qua con đường ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/5 đã ủng hộ lời kêu gọi đàm phán trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào 15/5.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết: "Ukraine nên đồng ý với đề xuất này NGAY LẬP TỨC. Ít nhất họ có thể xác định liệu có thể đạt được thỏa thuận hay không và nếu không, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ sẽ theo dõi tình hình và đưa ra quyết định tiếp theo".
Ngay sau đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky phản hồi rằng Kiev vẫn kỳ vọng vào một lệnh ngừng bắn nhưng ông sẵn sàng gặp ông Putin vào 15/5. Ukraine và các đồng minh châu Âu coi yêu cầu ngừng bắn là đòn gây sức ép lên Tổng thống Putin sau nhiều tháng đàm phán giữa Washington và Moscow không đạt kết quả.