Tín hiệu tích cực mới từ diễn biến 'tan băng' trong căng thẳng thương mại
Bước đột phá đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc vào ngày 12.5, kỳ vọng mới 'tan băng' trong 90 ngày căng thẳng thương mại hai nước.

Các container được xếp chồng lên nhau tại một cảng ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vào ngày 12. 5. Ảnh: AFP/Getty Images
Tiến triển rõ ràng trong việc giảm thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc được ghi nhận là tín hiệu tích cực của diễn biến căng thẳng thương mại toàn cầu.
Bước đột phá này đã tạo nên một bữa tiệc hoành tráng trên Phố Wall và làm dấy lên hy vọng cơn ác mộng do thuế quan gây ra có thể tránh được.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết vẫn còn quá sớm để tuyên bố nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi nguy hiểm hoàn toàn. Rủi ro suy thoái vẫn còn, ngay cả khi đã giảm đi một bậc.
Thuế quan vẫn rất cao — cao hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong nhiều thập kỷ. Sự bất ổn thậm chí còn cao hơn, gây tổn hại đến lòng tin và dòng chảy thương mại về khả năng không thể phục hồi một sớm một chiều.
Hơn nữa, hiện các nhà phân tích vẫn chưa thể phỏng đoán chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nền kinh tế hiện tại cũng chưa thể phản ứng kịp thời sau khi trải qua nhiều cú sốc như vậy trong thời gian ngắn.
Douglas Holtz-Eakin, Chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ và là chuyên gia kinh tế Đảng Cộng hòa, cho biết: "Chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi nguy hiểm khi mức thuế quan vẫn duy trì mức cao trong một thế kỷ".
“Giảm áp lực với kinh tế Mỹ”
Ở mức 145%, thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc là mức cao không bền vững, tương đương với lệnh cấm vận thương mại hiệu quả. Các chuyên gia về chuỗi cung ứng đã cảnh báo về rắc rối sắp xảy ra, và thấy rõ nhất là các kệ hàng trong siêu thị trống rỗng.
“Điều này ngăn chặn những hậu quả thực sự thảm khốc sắp xảy ra với nền kinh tế Mỹ ”, Erica York, phó Chủ tịch chính sách thuế liên bang tại Tax Foundation, nói.
Ông York cũng nói thêm rằng nhóm kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump đã đề cập khả năng giảm thuế quan từ 145% xuống 80% với Trung Quốc, “cho thấy chính quyền nhận ra rằng đó sẽ là một thảm họa” nếu không định lại mức giảm.
"Mặc dù Mỹ gần đây đã nhiều lần đưa ra các biện pháp mạnh, nhưng phản ứng của thị trường tài chính đối với cuộc chiến thương mại đang ngày càng sâu sắc. Điều đó cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn", một quan chức chính quyền cấp cao nhận định.
“Phía Mỹ cũng đã quan sát diễn biến từ cuộc khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp nhỏ”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp quyết định cắt giảm thuế quan đối với Trung Quốc xuống còn 30% trong ít nhất 90 ngày, thuế nhập khẩu vẫn cao hơn nhiều so với đầu năm.
Dựa trên các thỏa thuận khung thương mại đạt được với Trung Quốc và Vương quốc Anh, các nhà đầu tư Moody's Analytics tính toán mức thuế quan thực tế của Mỹ đã giảm từ 21,3% xuống 13,7%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao nhất kể từ năm 1910.
Suy thoái giảm, nhưng chưa bằng 0
Khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tan băng, nhà kinh tế Zandi dự báo tình trạng suy thoái sẽ giảm nhưng không quá đáng kể.
Hiện tại, ông thấy khả năng suy thoái của Mỹ là 45% trong năm nay, giảm so với mức đỉnh điểm là 60%.
"Nền kinh tế Mỹ sẽ có một năm khó khăn, và nên tránh suy thoái. Tất nhiên, kinh tế sẽ rất dễ bị tổn thương nếu sai sót. Nói cách khác, chiến tranh thương mại đã làm xói mòn biên độ sai số trong nền kinh tế", ông Zandi cho biết trong một email.
Trong khi đó, ông Justin Wolfers, Giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan, lưu ý rằng chính sách thương mại của Mỹ và triển vọng của nền kinh tế đã "tốt hơn nhiều so với ngày hôm qua".
"Sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ mất một thời gian để tự giải quyết", ông Wolfers nhấn mạnh.
Trong khi đó, Kathy Bostjancic - nhà kinh tế trưởng của Nationwide nhận định nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tích cực trong năm nay.
Áp lực từ mức thuế quan với các hàng hóa khác
Nói cách khác, căng thẳng thương mại vẫn chưa thể kết thúc, ngay cả khi tín hiệu leo thang đã giảm đi đáng kể.
Thuế quan theo từng ngành vẫn đang rình rập, bao gồm cả gỗ xẻ, chất bán dẫn, dược phẩm, đồng, khoáng sản quan trọng và xe tải.
Rủi ro về các mức thuế quan tiếp theo là một lý do khiến nhà kinh tế trưởng của RSM Joe Brusuelas vẫn giữ nguyên dự báo của mình về khả năng suy thoái là 55% trong 12 tháng tới.
"Mặc dù thỏa thuận đã ngăn chặn được sự tách rời kinh tế và điều đó rất quan trọng, nhưng vẫn còn quá nhiều yếu tố cần xác định, đặc biệt là các mức thuế quan theo ngành, nhằm loại bỏ rủi ro suy thoái khỏi bàn đàm phán", Brusuelas cho biết.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank cũng bày tỏ sự nhẹ nhõm vào đầu tuần này về căng thẳng thương mại dịu xuống.
“Triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang được cải thiện. Chính sách thương mại của Mỹ đã trở nên hòa giải hơn và phạm vi kết quả thuế quan được xác định rõ ràng hơn", các nhà kinh tế của Deutsche Bank cho biết.