Chuyển động tốt từ chính quyền số

Những thành tựu trong việc xây dựng chính quyền số góp phần quan trọng để TP HCM nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết chuyển đổi số (CĐS) là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP HCM và được tập trung đầu tư nhiều năm qua.

Hướng đi đúng

Ông Lâm Đình Thắng thông tin từ sau dịch COVID-19 đến nay, Ban Chỉ đạo CĐS TP HCM có nhiều chỉ đạo quan trọng.

Điển hình là thống nhất một Ban Chỉ đạo CĐS do người đứng đầu chính quyền làm trưởng ban để có sự định hướng tập trung, thống nhất; chuyển từ đầu tư dự án lớn sang những hạng mục, dự án vừa phải nhưng giải quyết ngay được vấn đề trước mắt; chuyển từ ưu tiên mua sắm thiết bị sang ưu tiên phát triển ứng dụng... Từ đó, thứ hạng về CĐS của TP HCM tăng liên tục từ năm 2021 đến 2023, với năm 2023 thành phố xếp thứ 2/63 tỉnh, thành. Đây là minh chứng cho những động thái đúng hướng nêu trên.

Theo ông Lâm Đình Thắng, CĐS đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính và quản trị của TP HCM. Thành phố đã tích hợp hơn 40 cổng dịch vụ công vào cổng duy nhất kết nối với hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia; công tác quản lý của nhiều ngành như y tế, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường trở nên hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, hệ thống quản trị thực thi đã có thể giúp lãnh đạo thành phố theo dõi quá trình thực hiện chỉ tiêu nghị quyết đại hội, chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm; nắm được kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân hằng ngày. Việc theo dõi tiến trình xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng 1022 cũng chặt chẽ hơn.

"Thời gian qua, công tác CĐS của thành phố có sự thay đổi và bước chuyển động tích cực, góp phần vào việc cải cách hành chính, hoạt động chỉ đạo, điều hành của nhiều địa phương, đơn vị" - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đánh giá.

"Trợ lý ảo" mang tới kết quả thật

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều sản phẩm CĐS được địa phương, sở, ngành áp dụng linh hoạt, mang lại kết quả cao. Trong đó, tại kỳ họp thứ 17 vừa qua, lần đầu tiên HĐND TP HCM sử dụng "trợ lý ảo" để thẩm tra nội dung các tờ trình và dự thảo nghị quyết.

Tại kỳ họp thứ 17, lần đầu tiên HĐND TP HCM sử dụng “trợ lý ảo”

Tại kỳ họp thứ 17, lần đầu tiên HĐND TP HCM sử dụng “trợ lý ảo”

Lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM cho biết với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban HĐND thành phố, văn phòng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thử nghiệm phần mềm hỗ trợ hoạt động của HĐND thành phố, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Phần mềm này nằm trong giai đoạn 1 Đề án xây dựng "trợ lý ảo" phục vụ công chức và lãnh đạo thành phố. Đây là một nội dung quan trọng của kế hoạch CĐS nhằm nâng cao năng suất làm việc của cán bộ, công chức cũng như giúp lãnh đạo thành phố ban hành những quyết định kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, nhận xét "trợ lý ảo" giúp đại biểu tiện lợi trong quá trình thẩm tra tờ trình của UBND TP HCM. Đại biểu có thể nắm bắt ngay nội dung chính của tờ trình thông qua chức năng ứng dụng AI tóm tắt văn bản. Đại biểu được hỗ trợ cung cấp văn bản quy phạm pháp luật liên quan nội dung tờ trình, qua đó việc thẩm tra hiệu quả hơn.

Đại biểu HĐND TP HCM được “trợ lý ảo” hỗ trợ nhiều việc

Đại biểu HĐND TP HCM được “trợ lý ảo” hỗ trợ nhiều việc

Theo ông Hiếu, hiện phần mềm này đang tiếp tục hoàn thiện. Ông cho rằng nếu có thêm phần tổng hợp ý kiến lưu ý (nếu có) của các sở, ngành đối với nội dung tờ trình thì sẽ tốt hơn nữa.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nhìn nhận bước đầu phần mềm nêu trên đem lại hiệu quả. Ông Bình cho hay đa phần đại biểu HĐND TP HCM là kiêm nhiệm, chỉ 1/3 là đại biểu chuyên trách và "trợ lý ảo" đã giúp họ tiết kiệm thời gian khi cung cấp đầy đủ các báo cáo, tài liệu, nghị định, thông tư liên quan tờ trình.

Để đẩy mạnh CĐS và cải cách hành chính, UBND TP HCM yêu cầu từ ngày 1-8, việc tiếp nhận và xử lý bằng văn bản giấy chỉ thực hiện đối với 4 loại hồ sơ, văn bản có tính chất đặc thù. Còn lại, không tiếp nhận văn bản giấy của các đơn vị. Yêu cầu này không áp dụng đối với người dân.

Ông Bình dẫn chứng trước đây, hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết của các ban được thực hiện thông qua việc chuyển hồ sơ giấy cho đại biểu xem. Lượng hồ sơ giấy cần chuyển lớn đã gây khó khăn cho đại biểu trong quá trình đọc, tra cứu văn bản liên quan để có ý kiến. Nay, phần mềm đã số hóa toàn bộ quy trình thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND TP HCM, giúp đại biểu tiết kiệm thời gian, HĐND thành phố cũng tiết kiệm ngân sách trong việc in ấn. Đại biểu cũng có thể có ý kiến góp ý mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào việc tổ chức các cuộc họp.

"Các buổi thẩm tra tờ trình nhanh hơn, giảm thời gian tìm kiếm tài liệu. Ngoài ra, "trợ lý ảo" còn giúp tiết kiệm tiền bạc cũng như giúp công việc hiệu quả hơn" - ông Bình nhận xét, đồng thời hy vọng phần mềm này tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-dong-tot-tu-chinh-quyen-so-196240802203815878.htm
Zalo