Thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn

Sáng 9/9, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang phối hợp với Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo: 'Hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và sự tham gia của địa phương, doanh nghiệp Việt Nam'.

Dự hội thảo có các chuyên gia của các viện nghiên cứu và tư vấn chính sách của T.Ư; viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư; Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan liên quan của tỉnh, doanh nghiệp (DN) sản xuất bán dẫn và một số trường đại học, cao đẳng trong tỉnh…

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nêu: Ngành công nghiệp bán dẫn tuy quy mô không lớn nhưng có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại.

Lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, đến năm 2030, dự kiến có gần 1 nghìn tỷ USD sẽ đầu tư cho lĩnh vực này. Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành một trong những ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất thế giới.

Thời gian qua, nhiều nước phát triển trên thế giới đã có hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện có hơn 50 DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn.

Tiến sĩ Đặng Đức Anh trao đổi về các giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tỉnh Bắc Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với diện tích gần 2,4 nghìn ha. Theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030, Bắc Giang có 29 KCN với tổng diện tích khoảng 7 nghìn ha, thu hút khoảng 1 triệu lao động. Năm 2023, Bắc Giang duy trì trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, đạt gần 3 tỷ USD với 89 dự án FDI được cấp mới. Toàn tỉnh hiện có 3 DN bán dẫn như: Công ty TNHH Hana Micron Vina và Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam (KCN Vân Trung); Công ty TNHH SiFlex Việt Nam (KCN Quang Châu).

Trao đổi xung quanh chủ đề về phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được cải thiện mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện đồng bộ, hiện đại. Tỉnh có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngành công nghiệp này được xem là một trong những ngành công nghiệp xương sống, cốt lõi trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp khác như: Điện, điện tử, tự động hóa, viễn thông và công nghệ thông tin. Theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang được quy hoạch trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ.

Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu: Bắc Giang hiện có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn. Tỉnh là trung tâm công nghiệp mới nổi, vị trí thuận lợi do hệ thống đường giao thông cơ bản hoàn thiện kết nối với nhiều tỉnh và vùng kinh tế động lực. Môi trường kinh doanh thân thiện; hạ tầng phát triển tương đối thuận lợi. Trên cơ sở đó, tỉnh có cơ hội phát triển thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn gắn kết với vùng Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh. Tuy nhiên, Bắc Giang hiện vẫn có điểm hạn chế là hệ sinh thái hỗ trợ còn yếu và thiếu, đặc biệt là hệ sinh thái “mềm” gồm nhà ở xã hội, khu vui chơi, giải trí, y tế… Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chi phí thuê đất ở mức cao.

Trước thực tế đó, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Đặng Đức Anh khuyến cáo tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là ưu tiên dành quỹ đất thu hút nhà đầu tư chiến lược, hình thành khu kinh tế. Tỉnh nên nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ DN trong lĩnh vực bán dẫn; quan tâm phát triển hạ tầng xã hội như: Nhà ở cho công nhân, chuyên gia, khu vui chơi, giải trí, y tế có chất lượng. Tiếp tục phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ logistics; liên kết cụm ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi phải đầu tư lớn vào công nghệ cao và cơ sở hạ tầng hiện đại. Các DN địa phương cần có chiến lược cạnh tranh rõ ràng để có thể tạo ra lợi thế so sánh với các đối thủ toàn cầu. Đồng thời hiểu rõ các yêu cầu về bảo mật, tiêu chuẩn chất lượng và quy định môi trường để tuân thủ đầy đủ, giảm thiểu rủi ro về pháp lý.

Ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Hana Micron Vina cho biết, để đáp ứng yêu cầu hiện nay, DN cần nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản. Từ đó đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét tạo điều kiện cho DN hợp tác mở rộng với các đơn vị đào tạo nhân lực nhằm tạo thành hệ sinh thái bán dẫn phát triển bền vững; có chính sách ưu đãi riêng thu hút DN bán dẫn, nhất là bảo đảm ổn định nguồn điện cho DN hoạt động liên tục, hạn chế thấp nhất tình trạng mất điện gây tổn thất về kinh tế.

Tiến sĩ Phí Vĩnh Tường kết luận hội thảo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Giang cần thu hút DN “đại bàng” để tạo ra chuỗi cung ứng, kéo theo nhiều DN khác đầu tư vào địa bàn. Liền với đó là xem xét hình thành mô hình mẫu phát triển công nghiệp bán dẫn riêng cho tỉnh, thu hút nguồn lực. Ngoài ra, cần xem xét kiến nghị với T.Ư tạo môi trường thuận lợi cho tỉnh tham gia vào lĩnh vực này.

Bên cạnh các ý kiến trên, nhiều chuyên gia đề nghị tỉnh nên khuyến khích các DN thành lập các trung tâm nghiên cứu, hợp tác với các viện nghiên cứu và trường đại học để phát triển công nghệ tiên tiến, sản phẩm mới, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ từ nhà cung cấp nguyên liệu, thiết bị, dịch vụ hậu cần và hỗ trợ theo mô hình của Trung Quốc, Hàn Quốc…

Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Phí Vĩnh Tường, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhấn mạnh, ý kiến gợi ý cụ thể của các đại biểu về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là cơ sở để tỉnh tham khảo và vận dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Từ đó, tỉnh xây dựng chiến lược riêng, xác định chủ thể, phương thức huy động nguồn lực tham gia thành công vào chuỗi cung ứng bán dẫn. Trên cơ sở các ý kiến gợi ý, hai đơn vị chủ trì hội thảo tổng hợp để xây dựng khuyến nghị về chính sách với tỉnh và các bộ, ngành thông qua Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, sớm áp dụng vào thực tiễn.

Tin, ảnh: Minh Linh - Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-dong-bo-giai-phap-phat-trien-he-sinh-thai-cong-nghiep-ban-dan-132057.bbg
Zalo