Quan tâm đào tạo nghề cho người lao động
Nhằm hỗ trợ lao động nông thôn có nghề nghiệp ổn định, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với các cơ quan chuyên môn đã tập trung, quan tâm đến công tác đào tạo nghề. Đặc biệt là trên cơ sở các chương trình, chính sách hỗ trợ, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ dạy nghề; qua đó góp phần quan trọng vào việc tạo sinh kế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên, sau 2 tháng, chị Lò Thị Phương, bản Co Luống, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) cùng với các học viên trong Lớp trồng và bảo quản nấm trong bản đã nắm bắt được kỹ thuật trồng, bảo quản nấm rơm. Trước đó, chưa biết đến các kỹ thuật trồng nấm, nhưng giờ đây chị Phương đã có thể thực hành làm ra sản phẩm nấm cho riêng mình.
Sau khi kiểm tra các bịch nấm mới thực hiện, chị Phương chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên, tôi được tiếp cận với cách thức trồng nấm nên cũng khá bỡ ngỡ. Thế nhưng, được giáo viên hướng dẫn nhiệt tình nên tôi và chị em trong bản đã nhớ các bước thực hiện trong quy trình trồng nấm và quen tay hơn khi thực hành. Do các học viên trong lớp đều là hộ nghèo và cận nghèo, vừa được hỗ trợ kinh phí học nghề, vừa biết thêm một nghề mà chỉ cần 2 tháng học nên ai cũng nhiệt tình tham gia. Kết thúc khóa học, sau này chúng tôi sẽ tận dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa tự trồng nấm phục vụ bữa ăn trong gia đình và hơn thế là có thể trồng nhiều hơn để bán, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình…”.
Cùng với hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân cũng đẩy mạnh công tác dạy nghề cho hội viên. Trước nhu cầu của hội viên nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề cho người dân lúc nông nhàn, bổ sung các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện tại địa phương. Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, làm việc với các ngành, các đơn vị trong tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động dạy nghề, hỗ trợ nông dân. Ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách đào tạo nghề, khảo sát nhu cầu học nghề, vận động hội viên nông dân đăng ký tham gia học nghề. Kết quả đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo 10 lớp dạy nghề dưới 3 tháng về kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng và bảo quản nấm; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây lúa cho 333 học viên tại các xã trên địa bàn huyện Điện Biên. Sau khi được học nghề, hội viên, nông dân đã nắm bắt được những chủ trương, chính sách pháp luật về đào tạo nghề; nắm được những kiến thức mới về quy trình sản xuất nông nghiệp để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Nhằm thay đổi tư duy nhận thức về công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người lao động, hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu, quy mô đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Mường Nhé đã phối hợp với UBND các xã, các cơ quan đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thông qua: Trang fanpage của trung tâm, tư vấn tại các điểm bản, thông qua các học viên... Trên cơ sở đó, tư vấn giúp người lao động chọn các ngành nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ và theo nhu cầu thực tế của xã hội để có thu nhập ổn định lâu dài và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Trần Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Nhé cho biết: Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, trung tâm đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp, các lực lượng xã hội và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò của học nghề trong việc nâng cao dân trí, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Nhờ vậy, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm có 920 người lao động tại các xã tham gia học nghề, trong đó sơ cấp nghề 204 người học, thường xuyên 716 người học. Kết quả đạt được như trên đã góp phần đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện tăng lên hàng năm. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường lao động đóng vai trò quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, dân số sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn với hoạt động sản xuất là nông, lâm nghiệp và thủy sản nên nguồn lao động của tỉnh Điện Biên có sự phân biệt rõ rệt giữa 2 khu vực và được tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, ước tính lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có hơn 345.800 người (tăng trên 2,96% so với cùng kỳ năm trước); trong đó lao động ở khu vực thành thị có 52.824 người (chiếm 15,27%) và khu vực nông thôn là 292.999 người (chiếm 84,73%). Với lực lượng lao động khá đông đảo, các cấp, ngành và địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới người dân. Tích cực thực hiện các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề để dạy nghề cho người dân. Riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 4.424 người; qua đó tạo cơ hội việc làm cho người lao động, giảm số người thất nghiệp trên địa bàn.
Việc quan tâm đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn là một trong những hướng đi đúng đắn, mang lại sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề nói riêng và công cuộc xóa đói, giảm nghèo nói chung.