Chuyển đổi xanh: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, yêu cầu chuyển đổi xanh mang đến không ít khó khăn và thách thức, nhất là về vốn đầu tư, công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để đổi mới tư duy, tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi, mở rộng thị trường và nâng cao hình ảnh thương hiệu.

Sáng ngày 23/5, tại TP. Đà Nẵng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên đã tổ chức hội nghị doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2025, với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp”.

Tại đây, nhiều chuyên gia nhận định, chuyển đổi xanh không còn là một sự lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là yếu tố định vị năng lực cạnh tranh và định hình con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, hiện nay thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hiệp định thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn xuất khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu… đều đặt ra yêu cầu ngày càng khắt khe về yếu tố xanh và bền vững.

Đối với Việt Nam, cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 không chỉ là nghĩa vụ quốc tế, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn. Đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp, chuyển đổi xanh mang đến không ít khó khăn và thách thức, nhất là về vốn đầu tư, công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để đổi mới tư duy, tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi, mở rộng thị trường và nâng cao hình ảnh thương hiệu.

Hội nghị Doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2025, với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp”.

Hội nghị Doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2025, với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp”.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng, có vị trí chiến lược, lực lượng doanh nghiệp năng động, song cũng là nơi chịu ảnh hưởng rõ nét của biến đổi khí hậu. Những thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp trong vùng cần chủ động hơn, linh hoạt hơn trong tiếp cận và thực hiện chuyển đổi xanh.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong khu vực đã sớm triển khai các sáng kiến xanh, từ đầu tư năng lượng tái tạo, cải tiến quy trình sản xuất, đến phân loại rác thải, tiết kiệm nước và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Những hoạt động này cần tiếp tục được nhân rộng và lan tỏa trong toàn bộ hệ sinh thái doanh nghiệp.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á, VCCI Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp trong khu vực về hiện trạng và nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh thông qua các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên cho biết, kết quả khảo sát cho thấy phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở trong khu vực đã thực hiện một số hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và bảo vệ môi trường, nhưng phần lớn vẫn mang tính thụ động, chủ yếu do yêu cầu từ khách hàng hoặc cơ quan quản lý. Doanh nghiệp thiếu chiến lược bài bản về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Nhiều tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến giảm CO₂ và phát triển bền vững chưa được phổ biến rộng rãi, ngoại trừ một số doanh nghiệp trong ngành dệt may, chế biến hải sản, chế biến gỗ… do đối tác nhập khẩu yêu cầu thực hiện. Đa số doanh nghiệp chưa nắm rõ các yêu cầu và lộ trình thực hiện.

Chuyển đổi xanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và định hình con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi xanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và định hình con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, mức độ hiểu biết và nhận thức về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều khác biệt giữa các nhóm doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có hiểu biết và nhận thức cao hơn về kiểm kê khí nhà kính so với nhóm doanh nghiệp sử dụng năng lượng quy mô nhỏ. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng có kinh nghiệm và hiểu biết tốt hơn về các quy định môi trường do phải đáp ứng yêu cầu từ đối tác nhập khẩu.

Tương tự, các doanh nghiệp sản xuất thuộc những ngành nghề khác nhau cũng có sự khác biệt về mức độ nhận thức và nhu cầu thực hiện chuyển đổi xanh.

Tiềm năng và nhu cầu chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp còn rất lớn. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn nhân lực, năng lực quản trị và tài chính nên phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ đặt ra kế hoạch thực hiện trong trung (3-5 năm) và dài hạn (trên 5 năm), phụ thuộc vào mức độ ổn định của thị trường... Bởi vậy, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ đồng bộ về chính sách, bao gồm ưu đãi thuế, tiếp cận tài chính xanh, đào tạo nhân lực và đặc biệt là cơ chế cung cấp thông tin minh bạch về công nghệ môi trường.

Có thể nói, chuyển đổi xanh là một hành trình dài và không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với sự đồng hành của Nhà nước - doanh nghiệp - xã hội và các đối tác quốc tế, cùng với tinh thần tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể biến những thách thức hiện nay thành động lực đổi mới, mở ra cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-xanh-thach-thuc-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-mien-trung-tay-nguyen-164697.html
Zalo