Chuyển đổi xanh ngành lúa gạo cần giải 'bài toán' chính sách và hạ tầng

Để mô hình lúa gạo phát thải thấp thực sự đi vào cuộc sống và nhân rộng trên quy mô lớn, một 'cú hích' mạnh mẽ từ chính sách và hạ tầng là điều kiện tiên quyết.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Ngày 19/5, Hội thảo quốc tế "Đánh giá vai trò và tiềm năng các hệ thống sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam" đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo là sự kiện khởi động cho dự án "Tăng cường sự phối hợp đồng bộ để thực hiện NDC (cam kết thực hiện giảm phát thải khí nhà kính) của Việt Nam trong hệ thống sản xuất lúa", do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (ISPAE).

Việt Nam tiên phong chuyển đổi xanh lúa gạo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Jongsoo Shin, Giám đốc khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành lúa gạo.

Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". TS. Jongsoo Shin nhận định đây là một sáng kiến quan trọng, mang tính điển hình không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực.

Dự án mới này được kỳ vọng sẽ xác định các cơ chế chính sách và thể chế hiệu quả, hướng tới mục tiêu kép: vừa giảm phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa nâng cao sinh kế cho người nông dân trồng lúa.

Theo ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chìa khóa để hiện thực hóa mô hình sản xuất lúa phát thải thấp nằm ở “quản lý nước hợp lý và xử lý rơm rạ hiệu quả”. Việc tưới tiêu tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa lượng nước ngập úng liên tục trên ruộng lúa không chỉ giúp giảm phát thải khí metan - một loại khí nhà kính có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính gấp nhiều lần so với CO2, mà còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước quý giá. Đồng thời, việc biến rơm rạ từ một phụ phẩm đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường thành nguồn phân bón hữu cơ hoặc các sản phẩm có giá trị khác không chỉ giảm phát thải mà còn tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đánh giá cao tính chiến lược và những kết quả bước đầu của đề án. Đây là một bước đi đúng đắn, mang tính chiến lược lâu dài. Thời gian qua, các hoạt động từ truyền thông, xây dựng mô hình, đến hoạch định kế hoạch trung và dài hạn đã được triển khai đồng bộ và bước đầu cho thấy tính khả thi cao.

Ở cấp độ địa phương, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tiến Thuận (Cần Thơ) đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ việc triển khai đề án. “Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã được triển khai tại một số vùng của tỉnh Cần Thơ, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng máy móc hiện đại. Kết quả ban đầu cho thấy mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn tại Hợp tác xã Tiến Thuận là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của mô hình lúa phát thải thấp. “Mô hình đã được triển khai thực tế và được các cơ quan chức năng giám sát, đánh giá. Kết quả cho thấy mô hình đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân. Hợp tác xã đã triển khai mô hình 50ha lúa phát thải thấp và đã phát triển thêm 20ha theo mô hình này. Sự lan tỏa tự nhiên từ những thành công ban đầu cho thấy sức hấp dẫn và tính khả thi của mô hình", ông Khải cho hay.

Cần cú hích từ chính sách và thị trường

Ông Thạch thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong triển khai mô hình, đặc biệt về hạ tầng thủy lợi và địa hình canh tác. Mô hình hiệu quả ở nơi có thủy lợi tốt, nhưng gặp khó khăn tại vùng địa hình phức tạp, ruộng manh mún. Do đó, cần giải pháp đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch đồng ruộng và sự vào cuộc của chính quyền để nhân rộng thành công.

Việt Nam nổi lên như một quốc gia tiên phong với tiềm năng to lớn để dẫn dắt sự chuyển đổi xanh cho ngành lúa gạo

Việt Nam nổi lên như một quốc gia tiên phong với tiềm năng to lớn để dẫn dắt sự chuyển đổi xanh cho ngành lúa gạo

Điểm đáng chú ý khác là sự linh hoạt trong áp dụng kỹ thuật. Ông Thạch cho rằng không nhất thiết phải tuân thủ 100% quy trình, miễn nông dân đạt 50-70% và vẫn giảm phát thải hiệu quả. Việc áp dụng cứng nhắc có thể gây khó khăn và giảm động lực của nông dân.

Về lâu dài, ông Thạch nhấn mạnh cần đầu tư vào hệ thống thủy lợi, tưới tiêu thông minh và nghiên cứu các giải pháp sinh học như giống lúa, chế phẩm ức chế vi sinh vật sinh khí metan. Đây là những giải pháp căn cơ, bền vững, có tiềm năng ứng dụng rộng rãi cho cả nước.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tùng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục. Đáng chú ý, vai trò mờ nhạt và sự tham gia chưa đầy đủ của các thành tố trong chuỗi giá trị đang là rào cản. Hiện tại, việc triển khai mới tập trung vào nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu vào và đơn vị nghiên cứu. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiêu thụ và liên kết tiêu thụ lúa gạo quy mô lớn chưa được chú trọng đúng mức. Sự tham gia tích cực của khối này sẽ tạo thị trường ổn định cho lúa gạo phát thải thấp, thúc đẩy nông dân chuyển đổi.

Một thách thức khác được ông Tùng nhấn mạnh là thiếu công cụ đồng bộ để đo lường phát thải. Điều này gây khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả thực tế và tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, vốn là cơ hội tăng thu nhập cho nông dân.

“Nếu không có công cụ minh bạch để tính toán và xác nhận lượng khí nhà kính được cắt giảm, thì rất khó để tiếp cận thị trường tín chỉ carbon”, ông Tùng chia sẻ.

Để thúc đẩy mô hình trồng lúa phát thải thấp, theo ông Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), yếu tố then chốt nằm ở việc nâng cao nhận thức và kiến thức của nông dân về lợi ích thiết thực của canh tác bền vững. Chỉ khi thấu hiểu giá trị, người nông dân mới tự nguyện và chủ động áp dụng các biện pháp này một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc tạo động lực kinh tế rõ ràng là vô cùng quan trọng. Nông dân cần thấy được lợi ích cụ thể, từ việc tăng năng suất, nâng cao thu nhập đến cải thiện chất lượng cuộc sống, để họ sẵn sàng chuyển đổi sang phương pháp canh tác mới. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông và tưới tiêu thuận lợi, sẽ tạo điều kiện tối ưu để nông dân tiếp cận và triển khai các biện pháp canh tác bền vững một cách dễ dàng.

Cuối cùng, sự vào cuộc mạnh mẽ với các chính sách hỗ trợ cụ thể từ chính phủ và các tổ chức quốc tế đóng vai trò quyết định trong việc khuyến khích cả nông dân và doanh nghiệp tham gia vào các mô hình canh tác tiên tiến này.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-xanh-nganh-lua-gao-can-giai-bai-toan-chinh-sach-va-ha-tang-164448.html
Zalo