Chuyển đổi xanh là... tấm vé để HTX lên 'chuyến tàu' phát triển bền vững
Trong bối cảnh các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ngày càng siết chặt, biến đổi khí hậu tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp, hợp tác xã giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho thấy, các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh có thể tiết kiệm từ 10 – 30% chi phí năng lượng và nguyên vật liệu. Trong bối cảnh rủi ro thuế quan gia tăng, kéo theo chi phí đầu vào và giá bán leo thang, việc tối ưu chi phí sản xuất trở thành một lợi thế cạnh tranh rõ rệt.
Theo các chuyên gia, sản xuất xanh không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU hay Nhật Bản. Những sản phẩm “xanh” còn có thể được hưởng ưu đãi về thuế quan, thương hiệu và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Cơ hội lớn đi kèm thách thức không nhỏ

Chuyển đổi xanh không đơn thuần là việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất – kinh doanh theo hướng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không dễ dàng. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã quy mô nhỏ lẻ, rào cản về vốn, công nghệ, nhân lực và chính sách vẫn còn là thách thức lớn.
Với kinh nghiệm thực tiễn tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân tại nhiều địa phương, ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc CTCP Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp ConsulTech phản ánh thực trạng với Vnbusiness: “Chuyển đổi xanh trong sản xuất hiện còn rời rạc. Nhiều hợp tác xã không đáp ứng nổi tiêu chuẩn VietGAP, chứ chưa nói đến GlobalGAP. Tôi được nhiều đơn vị nước ngoài nhờ tìm nguồn hàng đạt chuẩn nhưng không kết nối được vì các đơn vị trong nước không chịu làm theo quy trình”.
Ông Vũ dẫn chứng trường hợp cụ thể về một chương trình hàng trăm tỷ hỗ trợ doanh nghiệp làm chứng nhận ISO, cải tiến sản xuất. Dù chương trình hoàn toàn miễn phí nhưng rất khó tìm đơn vị đăng ký tham gia. “Khi cho ‘cần câu’ thì lại không ai muốn câu. Người ta chỉ muốn được cho cá. Đó là tư duy rất đáng lo ngại", vị chuyên gia chỉ rõ.
Không chỉ trong nông nghiệp, nhiều ngành khác cũng đang loay hoay với bài toán “con gà quả trứng”, muốn xuất khẩu nhưng chưa chịu chuẩn bị nền tảng, ngại chi phí lớn. Tâm lý “đợi có đơn hàng mới làm chuẩn” khiến doanh nghiệp luôn ở thế bị động, đánh mất cơ hội cạnh tranh.
“Muốn có giá cao thì phải sản xuất chuẩn, mà muốn chuẩn thì phải đầu tư, phải học, phải làm. Không ai chờ mình xong mới đặt hàng cả,” ông Vũ chia sẻ.
Thách thức lớn khác là khó khăn trong tiếp cận vốn và công nghệ xanh. Theo chuyên gia, nguồn tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng trong nước và Nhà nước không thiếu, nhưng để tiếp cận được cần có năng lực xây dựng dự án, khả năng triển khai và cam kết thực hiện. “Nhiều doanh nghiệp không biết cách làm hồ sơ, không chịu thuê chuyên gia, cứ chờ được hỗ trợ sẵn. Họ phải ‘đau’ thì mới chịu thay đổi” ông Vũ nói thẳng.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cũng còn chồng chéo, thủ tục phức tạp, khiến doanh nghiệp nản lòng. Một bộ phận cán bộ quản lý có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm khiến dòng vốn, chương trình hỗ trợ khó đến được đúng đối tượng, đúng thời điểm.
Hành động quyết liệt để nắm bắt cơ hội
Một báo cáo năm 2023 của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, chỉ 18% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam có kế hoạch dài hạn liên quan đến phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn 55% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chưa hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì, và hơn 70% doanh nghiệp chưa có hành động cụ thể liên quan đến các mục tiêu xanh.
Từ những thách thức nêu trên, có thể thấy việc chuyển đổi xanh không thể chỉ trông chờ vào chính sách, mà đòi hỏi sự chủ động từ phía doanh nghiệp, hợp tác xã và sự đồng hành thực chất từ Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ.
Chính phủ đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi xanh. Theo Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất xanh có thể được giảm thuế thu nhập từ 10 – 30% trong 5 – 10 năm đầu, được hưởng ưu đãi về đất đai, hạ tầng khi đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái. Đây là cơ hội lớn nếu doanh nghiệp biết tận dụng.
Trong thực tiễn, không ít mô hình đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả cao từ sản xuất xanh. Tại Krông Pắc, Đắk Lắk, hộ ông Lê Trọng Minh (xã Ea Kênh) đã theo đuổi các giải pháp canh tác hữu cơ, sinh học trên vườn sầu riêng nhiều năm qua. Nhờ ghi nhật ký sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, vườn 1,7 ha sầu riêng trồng xen cà phê không chỉ phát triển tốt mà còn dễ dàng truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tiên phong hơn nữa là HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc, với 196 ha sầu riêng, sản lượng gần 3.000 tấn, đã ứng dụng công nghệ thông minh như thiết bị đo dinh dưỡng đất, bộ giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Nhờ đó, HTX kiểm soát chặt chẽ độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ… giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng và đảm bảo quy trình VietGAP một cách bài bản. Chủ tịch HTX, ông Mai Đình Thọ khẳng định: “Chuyển đổi số là phương thức giúp sản xuất xanh với chi phí thấp nhất nhưng vẫn đạt lợi nhuận cao nhất”.
Đóng góp trong thành công đó, chính quyền địa phương có vai trò đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân vùng trồng và cơ sở đóng gói thực hiện đúng các quy định.
Câu chuyện tại Krông Pắc cho thấy, chuyển đổi xanh hoàn toàn khả thi, ngay cả ở quy mô nông hộ hay hợp tác xã và doanh nghiệp – nếu có sự đồng hành, phối hợp giữa các bên, sự quyết tâm và tư duy quản trị phù hợp.
Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn trong một thế giới đang “xanh hóa” toàn diện. Với doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, đây không chỉ là thách thức, mà là cơ hội để tái cấu trúc sản xuất, nâng tầm sản phẩm, khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững.
Cơ hội đang ở ngay trước mắt – nhưng hành động phải bắt đầu từ hôm nay. Chỉ khi doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân và cơ quan quản lý cùng thay đổi, cùng “dấn thân” vào hành trình xanh hóa, thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể tự tin bước vào sân chơi toàn cầu – với vị thế bền vững, tự chủ và cạnh tranh.
TS. Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam
Xu hướng phát triển xanh và bền vững đang tạo ra lợi thế lớn cho HTX. Với đặc thù gắn kết chặt chẽ với nông dân và cộng đồng địa phương, HTX có thể tận dụng lợi thế này để phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch, hữu cơ, nông nghiệp thông minh và tuần hoàn. Đặc biệt, khả năng liên kết mở rộng là một điểm nổi bật của HTX kiểu mới. HTX có thể hợp tác với các doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định về chất lượng và số lượng. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, tạo ra giá trị bền vững.
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội
Chuyển đổi xanh không phải là một xu hướng nhất thời, mà là yêu cầu sống còn để tồn tại và phát triển trong tương lai. Doanh nghiệp không cần phải bắt đầu bằng những thay đổi lớn mà có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, dễ triển khai và ít tốn kém như: Tiết kiệm điện, giảm nhựa dùng một lần, lựa chọn nguyên liệu thân thiện với môi trường... Những hành động nhỏ này, khi được thực hiện đồng bộ và có hệ thống, sẽ tạo ra thay đổi lớn.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất mới. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách hoặc các nguồn tài chính ưu đãi, nhiều doanh nghiệp SME sẽ khó có khả năng thực hiện. Khi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi và phát triển bền vững. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động và có tầm nhìn xa trong việc đổi mới công nghệ. Chính sách thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động.