Chuyển đổi xanh là cơ hội vàng để Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu

Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để đi nhanh trong hành trình chuyển đổi xanh, là cơ hội vàng để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Còn lắm thách thức

Ngày 23/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp”.

Theo khảo sát của VCCI Miền Trung - Tây Nguyên, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp miền Trung đã triển khai một số hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn thụ động, chủ yếu do yêu cầu từ khách hàng hoặc cơ quan quản lý.

Cũng theo VCCI Miền Trung – Tây Nguyên, hiểu biết, nhận thức của các doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới chuyển đổi xanh chưa đầy đủ, còn có sự khác biệt lớn giữa các nhóm doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm có hiểu biết và nhận thức về tiết kiệm nguyên liệu, kiểm kê khí nhà kính cao hơn so với doanh nghiệp sử dụng năng lượng quy mô nhỏ.

VCCI Miền Trung – Tây Nguyên tổ chức hội nghị “Chuyển đổi xanh – Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp”.

VCCI Miền Trung – Tây Nguyên tổ chức hội nghị “Chuyển đổi xanh – Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang các nước EU, có kinh nghiệm và hiểu biết về các quy định đối với môi trường, rác thải… tốt hơn do phải thực hiện các yêu cầu của đơn vị nhập khẩu…

VCCI Miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, tiềm năng về chuyển đổi xanh còn khá cao trong công động doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những khó khăn về nhân sự, năng lực và tài chính nên đa số doanh nghiệp có dự kiến triển khai đều là những kế hoạch trung từ 3 đến 5 năm và dài hạn trên 5 năm vì còn chờ vào mức độ ổn định của thị trường.

Kết quả khảo sát của VCCI Miền Trung – Tây Nguyên cho thấy, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ đồng bộ về các chính sách như các ưu đãi thuế, tài chính xanh, đào tạo nhân lực và đặc biệt là cơ chế tiếp cận thông tin minh bạch về công nghệ môi trường…

Cơ hội vàng cho chuyển đổi xanh

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Thanh - đại diện Quỹ Châu Á khẳng định, chuyển đổi xanh không phải xu thế đến gần nữa mà đã tác động hàng ngày, hàng giờ đến doanh nghiệp và các quốc gia.

Chuyển đổi xanh, sản xuất và kinh doanh bền vững là xu thế mà phần lớn các quốc gia trên thế giới theo đuổi; trong đó doanh nghiệp được xem là có vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi các nỗ lực giảm phát thải.

Theo số liệu thống kê của ông Nguyễn Chí Thanh, năm 2024 có 151 quốc gia đã có và cam kết thực hiện các mục tiêu về NeT zero; 170 quốc gia đã công bố mục tiêu quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo.

Đồng thời, gần 1.200 công ty đa quốc gia và các công ty lớn đều có mục tiêu Net Zero; trong đó các các gã khổng lồ đang có mặt tại Việt nam như Microsoft, Apple, Unilever, Heineken...

Trên toàn cầu, 623 tỷ USD đã đầu tư mới cho phát triển năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu hiện nay của doanh nghiệp.

Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu hiện nay của doanh nghiệp.

Về đầu tư tài chính, kể từ năm 2011 đến nay, các nhà đầu tư đang cắt giảm, rút các khoản đầu tư tài chính khỏi các dự án năng lượng hóa thạch. Tính đến cuối năm 2023, khoảng hơn 1.600 định chế tài chính cam kết không đầu tư vào năng lượng hóa thạch. Trong khi đó, xu thế lượng vốn từ các nhà đầu tư tư nhân đổ vào chuyển dịch xanh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.

“Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam họ đều đang đầu tư rất mạnh vào chuyển dịch xanh, giảm phát thải nhưng đằng sau đó là các luật chơi đã định hình lại thị trường, điều mà không chỉ các doanh nghiệp nội địa của họ phải tuân thủ mà buộc các nước xuất khẩu, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu phải đi theo nếu muốn đưa hàng hóa vào nước họ”, ông Thanh phát biểu.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, là nền kinh tế có độ mở rất lớn, xuất khẩu là 1 trong trụ cột của phát triển kinh tế, Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc chơi, nằm ngoài xu thế.

Thực tế cho thấy, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận rất rõ vấn đề này và đã có những quyết sách khá kịp thời, khi có chiến lược phát triển xanh, đặc biệt Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào 2050 và Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể để đạt được cam kết này.

Ngoài ra, sắp đến Việt Nam sẽ thử nghiệm thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp phát thải lớn đã và đang phải báo cáo phát thải và sẽ phải tham gia thị trường carbon.

Vì vậy, muốn cạnh tranh và tồn tại, các doanh nghiệp phải có chiến lược sản xuất kinh doanh sạch hơn, đầu tư cho kinh doanh bền vững nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, trong quá trình chuyển đổi xanh doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải không ít thách thức, tuy nhiên cũng mang đến nhiều cơ hội.

“Nếu nhìn xa hơn, chúng ta sẽ thấy cơ hội không nằm ở việc trì hoãn, mà ở việc tiên phong. Bài học từ các quốc gia đi trước cho thấy những doanh nghiệp chuyển đổi sớm sẽ chiếm lĩnh thị phần mới, nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, đối tác quốc tế và nhà đầu tư. Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để đi nhanh trong hành trình này khi có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, lực lượng lao động trẻ, nền tảng công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và một cộng đồng doanh nghiệp năng động, có tinh thần vươn lên. Chuyển dịch xanh là hành trình dài hạn, nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Thanh nhận định.

Hoàng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-doi-xanh-la-co-hoi-vang-de-viet-nam-vuon-len-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-d288964.html
Zalo