Kết nối vùng miền, đưa quả ngọt về Thủ đô
Nhiều địa phương đã khởi động chiến dịch kết nối – tiêu thụ – quảng bá vải lai chín sớm, vải trứng Hưng Yên cùng nhiều nông sản đặc sản khác nhằm đưa nông sản tươi ngon đến tay người tiêu dùng Hà Nội một cách nhanh chóng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khoát (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) năm nay chăm sóc gần 50 gốc vải lai chín sớm, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả. Nhờ thời tiết thuận lợi, vườn vải phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Sau một năm cần mẫn chăm sóc, ông đang háo hức chờ ngày thu hái những chùm quả ngọt đầu tiên, thành quả của cả quá trình lao động đầy tâm huyết.
Ông Nguyễn Xuân Khoát (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: "So với mọi năm, vải năm nay thu hoạch trước một tháng nên chúng tôi cũng lo ngại về chất lượng đầu ra, sản lượng dự trù được là từ 7-10 triệu/sào".
Phù Cừ là vùng trồng vải lớn nhất Hưng Yên với khoảng 1.200 ha, nổi bật với vải lai chín sớm và vải trứng. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, địa phương đã hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu, đạt chuẩn OCOP. Năm 2025, nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ đã được tổ chức, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp, thương nhân với vùng trồng, thúc đẩy tiêu thụ vải và nông sản tiêu biểu của huyện đến tay người tiêu dùng cả nước.
Hiện nay, nguồn cung của hầu hết sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của hơn 10 triệu dân sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô. Chính vì thế, tăng giao thương, kết nối với nông sản vùng miền chính là cơ hội để sản phẩm của vùng miền được đến gần hơn với người dân Thủ đô.
Ông Vũ Quang Thắng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết: "Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội để đưa các sản phẩm nông sản tốt vào trung tâm thành phố. Qua đó, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất tốt của người dân, đặc biệt đối với sản phẩm vải của Hưng Yên".
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đưa nông sản sạch, đặc sản địa phương vào hệ thống siêu thị, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm OCOP không chỉ tạo đầu ra bền vững cho nhà nông mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc ưu tiên sử dụng nông sản Việt – sạch, chất lượng và an toàn.