Chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số
Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Quá trình chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số, đồng thời phải được triển khai dựa trên các trụ cột cốt lõi của nền kinh tế xanh.
Đó là nhận định của PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" do Báo Người Lao động tổ chức ngày 19/2, tại TP HCM.
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, một trong những yếu tố quan trọng của kinh tế xanh là tài chính xanh, dựa trên nền tảng thị trường carbon. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đầu tư xanh. Điều này giúp doanh nghiệp và người dân chuyển đổi năng lượng hiệu quả hơn, đặc biệt khi năng lượng chiếm tới 73% tổng lượng phát thải của Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng: Quá trình chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số (Ảnh: BTC)
Bên cạnh đó, hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững cũng đóng vai trò quan trọng. Quá trình chuyển đổi này bao gồm việc giảm phát thải từ phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời cải tiến các khâu liên quan đến bao bì và thực phẩm - lĩnh vực đang chiếm tới 33% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ phát triển công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh trên cơ sở giảm thiểu rác thải và đẩy mạnh tái chế. Hạ tầng xanh, giao thông thông minh và quá trình điện khí hóa hệ thống phương tiện công cộng cũng là những yếu tố quan trọng trong mô hình phát triển bền vững.
Nói về nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi xanh, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện thể chế, tăng cường phát triển hạ tầng xanh, tài chính xanh, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh. Đồng thời, việc xây dựng và phát triển thị trường carbon sẽ tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Song song đó, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, đồng thời triển khai các giải pháp lưu trữ năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Chính phủ cũng đang hoàn thiện các chính sách, quy định nhằm thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng trong sản xuất công nghiệp và xây dựng đô thị thông minh để thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Còn ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới mục tiêu Net Zero, cần có một cách tiếp cận đa chiều nhằm hỗ trợ nền kinh tế dịch chuyển từ mô hình truyền thống sang nền kinh tế xanh.
Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và thực hành bền vững. Việc ban hành hướng dẫn rõ ràng, cung cấp các ưu đãi và xây dựng môi trường pháp lý ổn định sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và hạ tầng xanh.

Theo ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng UOB Việt Nam, việc tích hợp công nghệ số vào các sáng kiến xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả và giảm lượng khí thải carbon (Ảnh:BTC)
Chuyển đổi xanh cũng cần được đồng bộ với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc tích hợp công nghệ số vào các sáng kiến xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả và giảm lượng khí thải carbon. Điều này đòi hỏi đầu tư vào hạ tầng bền vững cũng như các công nghệ tiên tiến như lưới điện thông minh, hệ thống tiết kiệm năng lượng và sản xuất thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn vốn cho quá trình này, các tổ chức tài chính cần tiếp tục mở rộng các kênh tài trợ xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp bền vững và năng lượng tái tạo.
Hiện tại, nền kinh tế xanh của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 5% GDP, trong khi nền kinh tế nâu vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng lên tới 95%. Điều này cho thấy dư địa phát triển kinh tế xanh vẫn còn rất lớn.
Nếu có chiến lược triển khai hiệu quả, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để chuyển đổi mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn hướng tới một mô hình phát triển bền vững, đem lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế và cộng đồng.