Xuất khẩu dệt may khởi sắc ngay từ đầu năm
Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD (tăng 3 - 4 tỷ USD so với năm 2024). Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp đang nỗ lực đầu tư cho sản xuất xanh, ứng dụng Al vào các công đoạn sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, mở rộng thị phần…

Dệt may là 1 trong 4 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Ảnh tư liệu
Dồi dào đơn hàng, cần tuyển thêm lao động
Dệt may hiện là một trong 4 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, việc tăng trưởng của ngành dệt may đóng vai trò rất quan trọng trong xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bộ Công thương cho biết, ngành dệt may đón nhận tín hiệu tích cực với lượng đơn hàng nhiều, ổn định ngay từ đầu năm. Thống kê tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mỗi tháng còn lại trong năm, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam phải xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2024.
Với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp, chuyên gia dự đoán, xuất khẩu dệt may sẽ có đà tăng trưởng tốt. Theo ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, ngoài những tín hiệu khách quan từ thị trường, yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 là tích cực mở rộng thị trường. Các đơn hàng tăng trưởng trong năm 2024 của công ty từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông và nội địa. Phần còn lại đến từ các thị trường mới khai phá như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga… "Mới đây, đơn vị đã ký đơn hàng với một thị trường mới là châu Phi với 110.000 áo. Đồng thời, công ty cũng có nhiều đơn hàng quý I/2025 đã được chốt" - ông Phạm Quang Anh chia sẻ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng có đánh giá, trái ngược với những năm trước, ngành Dệt may rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động. Nhưng từ nửa cuối năm 2024 đến nay, tình hình lại đổi chiều đơn hàng tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo thiếu lao động. Hiện đơn hàng của doanh nghiệp dệt may tương đối dồi dào, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý II, có doanh nghiệp đang đàm phán đơn hàng quý III, quý IV.
Năm 2025, dự báo xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD. Doanh nghiệp cần có các giải pháp để “giữ chân” người lao động, bảo đảm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nổi bật hiện nay đó là các doanh nghiệp đang phải đối diện tình trạng thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động biến động cao.
Để giải quyết tình thế trước mắt, VITAS khuyến nghị, doanh nghiệp cần đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề, tăng ca, tăng giờ làm nhằm bảo đảm thực hiện theo kế hoạch xuất hàng cho đối tác. Giải pháp của tập đoàn là liên tục duy trì, thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng, cải thiện môi trường làm việc, chăm lo tốt hơn đến chất lượng cuộc sống của người lao động.
Tích cực ứng dụng AI, robot
Mặc dù tình hình hoạt động xuất khẩu của ngành Dệt may có dấu hiệu tích cực nhưng VITAS và doanh nghiệp dệt may cũng xác định, thị trường dệt may trong năm nay có nhiều cơ hội đan xen rủi ro bởi những yếu tố mới về kinh tế - chính trị từ những nhà nhập khẩu lớn và tăng nhiệt cạnh tranh, xu thế sản xuất xanh, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al), robot, công nghệ 3D… Để tránh bị tụt hậu, đánh mất thị phần, ngành dệt may Việt Nam cần có một chiến lược phát triển toàn diện và bền vững. Các doanh nghiệp trong ngành phải nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc, thiết bị.
6 giải pháp để ngành dệt may cất cánh trong năm 2025
Theo bà Lê Nguyên Trang Nhã - Ủy viên BCH Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, có 6 giải pháp chính giúp ngành dệt may đảm bảo tăng trưởng trong năm 2025, gồm: công nghệ sạch, đầu tư bền vững, đa dạng thị trường, nguồn nhân lực, phát triển công nghệ, huy động vốn. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường, củng cố mối quan hệ khách hàng bền chặt uy tín; nâng cao hiệu quả thương mại và tối ưu hóa lợi nhuận, đổi mới trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, kiểm soát chi phí và hiệu quả...
Theo VITAS, một trong những thành công nổi bật của ngành Dệt may Việt Nam trong thời gian gần đây là việc ứng dụng công nghệ hiện đại như robot và AI, công nghệ 3D vào quy trình sản xuất.
Robot hóa hiện đang được áp dụng trong nhiều công đoạn của chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang dần thay thế lao động thủ công bằng robot, đặc biệt trong các công đoạn như vận chuyển hàng hóa đến dây chuyền sản xuất, treo sản phẩm trên dây chuyền, kéo sợi... "Việc sử dụng robot không chỉ giảm lao động thủ công mà còn tăng cường tính ổn định và hiệu quả của quá trình sản xuất” - ông Giang nhấn mạnh, đồng thời cho biết, trí tuệ nhân tạo AI ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các mẫu sản phẩm mới. AI giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động hơn trong việc sáng tạo và sản xuất các mẫu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 (May 10) cho biết, để ngành Dệt may, thời trang Việt Nam trở thành thị trường lớn trên toàn cầu, doanh nghiệp cần phải “đi tắt đón đầu”, trong đó cần tích cực ứng dụng AI, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào sản xuất là nhiệm vụ sống còn.
Hiện nay, May 10 đang áp dụng AI vào công tác thiết kế, sản xuất, giúp nâng cao tính hội nhập của sản phẩm. Nếu như trước kia, công đoạn dây chuyền nước chảy hoặc dây chuyền cụm, May 10 phải cần từ 3 - 5 lao động thì hệ thống thiết bị mới đã giảm bớt số lao động thủ công tham gia tới một nửa, kéo theo năng suất tăng gấp đôi. Khi May 10 áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin, từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị thì thời gian sản xuất cho 1 sản phẩm đã giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện nay còn 690 giây/sản phẩm.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong năm 2025, đơn vị sẽ triển khai công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.
Triển khai công tác phát triển thương hiệu theo hướng tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tại thị trường nước ngoài. Tăng cường công tác hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Việt Nam (gạo, cà phê và thủy sản) tại thị trường nước ngoài.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, đồng thời giải pháp nêu trên, đơn vị xây dựng, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm đáp ứng về tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Chú trọng thực hiện công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển xanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, kết nối với các đối tác kinh doanh, đầu tư triển vọng như tại Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Được biết, về xúc tiến thương mại trong năm 2024 đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại địa phương, tham gia và hưởng lợi. Trong đó, tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 100 triệu USD (chưa bao gồm các hợp đồng được ký kết sau hội chợ, triển lãm, giao thương), doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng.