Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu của báo chí chất lượng cao

Ngày 22/11 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc.

Độc giả trải nghiệm công nghệ đọc báo thông minh. Ảnh: T.L.

Độc giả trải nghiệm công nghệ đọc báo thông minh. Ảnh: T.L.

Đây là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh trao đổi, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới; bàn giải pháp để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng điều lệ Giải Báo chí quốc gia...

Công nghệ số ảnh hưởng mạnh mẽ tới báo chí

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi thông tin, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng của Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới, một trong số đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Đức Lợi cũng cho biết, thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí.

Sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều thành công tốt đẹp. Đối với báo chí ở Trung ương, trong 3 năm (2021 - 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao là 11,46 tỷ đồng; từ đó hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí... Đối với báo chí địa phương, trong 3 năm (2021 - 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ 27,7 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp tới trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; nhận được 4.263 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí...

Trình bày các tiêu chí đáp ứng báo chí chất lượng cao, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) nêu bật: Các tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao phải có tính phát hiện, tính mới, tính điển hình, tính dự báo, dự đoán, tính thực tế, tính khách quan, chân thực, tính nhân văn, nhân đạo, đáp ứng được cả tính quốc tế, quốc gia và địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững địa phương, vùng và quốc gia; tác phẩm, sản phẩm báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo phải thể hiện được tính sáng tạo trong sản xuất và phân phối nội dung số, có giá trị nội dung, kỹ thuật và mỹ thuật cao, với các giải pháp, ứng dụng, chương trình tương tác…

Không ngừng tìm cách kể chuyện mới

Các đại biểu dự hội nghị đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí trong quá trình triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) cho biết, theo Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức (WAN-IFRA), một trong những trở ngại lớn nhất của các cơ quan báo chí Đông Nam Á khi tiến hành chuyển đổi số là "Tư duy Text-Based" (tạm hiểu là quá lệ thuộc vào phong cách làm báo truyền thống, chú trọng câu chữ) thay vì “Tư duy sản phẩm” (Product Thinking), trong khi cách tiêu thụ tin tức của độc giả đã thay đổi.

Cũng theo WAN-IFRA, một trong 7 sự thay đổi lớn của truyền thông là thay đổi về cách kể chuyện (Storytelling). Từ cách kể chuyện bằng text (chữ) và ảnh sang cách kể chuyện đa phương tiện (Multimedia Storytelling).

Nhà báo hiện nay có thể kể lại câu chuyện của mình thông qua hình ảnh, video, graphic và dữ liệu. Việc tạo ra các sản phẩm đa phương tiện cũng rất dễ dàng thông qua các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo ra một sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí đa phương tiện: Mỗi khi triển khai một tuyến đề tài đặc biệt, đừng suy nghĩ mình sẽ làm bao nhiêu chữ, bao nhiêu kỳ, thể loại gì (phản ánh hay phóng sự). “Hãy nghĩ về những thể loại mới, kèm theo nhiều yếu tố đa phương tiện, kể chuyện bằng ảnh, video hay đồ họa, dữ liệu... Cùng đó, nâng cao trải nghiệm cho độc giả cũng chính là nâng cao giá trị cho bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên. Học kỹ năng mới chưa bao giờ là quá muộn” - ông Nhật chia sẻ.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, TS Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam VTV) cho biết, VTV đã tiến hành nhiều biện pháp đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả tác động xã hội của báo chí. Bà Loan chia sẻ về tầm quan trọng của kể chuyện trong các chương trình truyền hình như: Dùng các công nghệ tạo hình để biến Hoàng thành Thăng Long thành một bức tranh lịch sử tổng hợp Chương trình Chính luận - Nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; từ câu chuyện của một học sinh đến câu chuyện của cả một vùng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia…

VTV đã sử dụng các kênh truyền tải khác nhau để mở rộng độ tiếp cận với khán giả, lan tỏa các thông điệp trên diện rộng. Ví dụ Tuần phim Tài liệu về Hà Nội trên VTVgo: Khắc họa sống động, toàn diện thủ đô trong 70 năm để những bộ phim cũ và mới đặc sắc về Hà Nội được tập hợp trên một kênh mới.

Đây là một mô hình phân phối nội dung mới, khác biệt so với cách thức trước đây của VTV. VTV thực hiện việc khai thác và làm sống dậy kho tài nguyên sẵn có trong hệ thống lưu trữ của VTV và của Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, tạo một sức sống mới, được chiếu rộng rãi trên nền tảng số và chiếu trực tiếp cho khán giả. Đó là một góc nhìn đa chiều về Hà Nội, về văn hóa, con người suốt chiều dài lịch sử.

Hoài Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-xu-huong-tat-yeu-cua-bao-chi-chat-luong-cao-10295066.html
Zalo