Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Sinh viên ứng dụng công nghệ vào học tập và nghiên cứu

Sinh viên ứng dụng công nghệ vào học tập và nghiên cứu

Nhiều sinh viên Đại học Huế nhìn nhận rằng, việc ứng dụng các công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoạt động, phong trào ĐTN - HSV. Chỉ cần thông qua nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và Telegram, các sinh viên, thầy cô kết nối thông tin với nhau một cách nhanh chóng, kịp thời, trao đổi và chia sẻ công việc cũng như các hoạt động phong trào đoàn - hội, quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy.

ThS. Lê Chí Hùng Cường, Phó Bí thư ĐTN, Chủ tịch HSV Đại học Huế thông tin, gần đây ĐTN - HSV Đại học Huế đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý đoàn viên, hội viên, giúp lưu trữ và cập nhật thông tin hội viên một cách nhanh chóng, minh bạch và chính xác. Chữ ký số và quản lý văn bản số được ĐTN - HSV áp dụng trong xử lý hồ sơ, văn bản, giảm thiểu thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian.

Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và Telegram trở thành công cụ đắc lực trong việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, quảng bá sự kiện và kết nối sinh viên trong ĐTN - HSV Đại học Huế. Cổng thông tin điện tử đoàn - hội được sử dụng để đăng tải thông tin chính thức, thông báo các chương trình và sự kiện. Trong bối cảnh dịch COVID-19 và những hạn chế về tiếp xúc trực tiếp, các hoạt động như hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến qua các nền tảng Zoom và Microsoft Teams, thu hút đông đảo, đầy đủ sinh viên tham gia.

Qua hệ thống đăng ký tham gia trực tuyến, sinh viên có thể đăng ký các hoạt động, phong trào qua cổng thông tin, giúp đơn giản hóa quá trình tổ chức và quản lý. Các cuộc thi sáng tạo, tranh biện được tổ chức trực tuyến, tăng khả năng tiếp cận và sự tham gia của sinh viên ở nhiều địa phương khác nhau. Các hoạt động tình nguyện trực tuyến, thể dục thể thao gây quỹ trực tuyến, hỗ trợ số hóa dữ liệu tại địa bàn các phường, xã trên thành phố Huế được ĐTN - HSV Đại học Huế triển khai thuận lợi.

Trong nghiên cứu khoa học, thông qua nền tảng học liệu số đã cung cấp các tài liệu, bài giảng và hướng dẫn nghiên cứu qua hệ thống học liệu mở, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận. Việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) hỗ trợ sinh viên trong việc phân tích dữ liệu nghiên cứu, nâng cao chất lượng các bài nghiên cứu khoa học. Chương trình cố vấn trực tuyến đã kết nối sinh viên với các giảng viên và nhà nghiên cứu thông qua các nền tảng số.

Bên cạnh đó, các dự án khởi nghiệp được kết nối với các quỹ đầu tư và doanh nghiệp thông qua nền tảng trực tuyến. Ứng dụng công nghệ vào khởi nghiệp, khuyến khích sinh viên sử dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain và IoT để phát triển sản phẩm. Các hội thảo khởi nghiệp trực tuyến tạo không gian trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng khởi nghiệp giữa sinh viên và các chuyên gia cũng được tổ chức thu hút nhiều sinh viên tham gia.

Theo ThS. Lê Chí Hùng Cường, định hướng và tầm nhìn của ĐTN - HSV Đại học Huế là phát triển hạ tầng số, như đầu tư vào hệ thống máy chủ, phần mềm quản lý hiện đại nhằm tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động chuyển đổi số. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số cho cán bộ đoàn - hội và sinh viên nhằm tăng cường khả năng thích nghi với môi trường công nghệ; kết hợp mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và tổ chức phi chính phủ nhằm áp dụng các giải pháp tiên tiến vào các hoạt động.

TS. Nguyễn Văn Quang, Bí thư ĐTN Đại học Huế chia sẻ, thời gian qua ĐTN Đại học Huế tổ chức nhiều chương trình khuyến khích đoàn viên tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, gồm các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về kỹ năng số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực học tập và công tác. Đặc biệt, ĐTN triển khai thành công ứng dụng "Thanh niên Việt Nam" và thúc đẩy việc áp dụng các sáng kiến, sáng tạo trong sinh viên, góp phần tạo ra môi trường học tập hiện đại, thân thiện với công nghệ.

Từ việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và học tập, năm học 2023 - 2024 vừa qua, có 3 giảng viên trẻ Đại học Huế được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia công tác đoàn; 13 giảng viên trẻ được vinh danh cấp Đại học Huế; 39 sinh viên, nhóm sinh viên các trường thành viên, trường, khoa thuộc ĐHH được khen thưởng và đoạt giải thưởng tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/chuyen-doi-so-trong-thanh-nien-sinh-vien-149094.html
Zalo