Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục thường xuyên

Cùng với xu thế chung của toàn ngành giáo dục, những năm gần đây hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, học tập được các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh quan tâm đẩy mạnh với mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.

Phòng tin học của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thọ Xuân được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Phòng tin học của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thọ Xuân được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Nếu như trước đây, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng CNTT. Các dữ liệu của ngành giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho công tác quản lý trở nên tiện lợi, không rườm rà về mặt sổ sách. Trong giảng dạy cũng vậy, những bài giảng từ giáo án điện tử ở các môn học đã tạo sự hấp dẫn, tư duy nhiều chiều trước một vấn đề cho cả người dạy và người học. Vì vậy, việc sử dụng giáo án điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập đang là xu thế đối với toàn ngành giáo dục nói chung, các cơ sở GDTX nói riêng.

Theo chia sẻ của thầy giáo Lê Hữu Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX huyện Triệu Sơn, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy học tập truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả hơn. Hiện 100% phòng học của trung tâm được lắp máy chiếu, ti vi thông minh và hệ thống loa hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy cũng như đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trung tâm cũng đã sử dụng không gian mạng để tương tác với các bậc phụ huynh trong quản lý việc học tập của con em mình. Từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập cùng với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, chất lượng giáo dục của trung tâm không ngừng được nâng cao và luôn là đơn vị dẫn đầu trong ngành học GDTX của tỉnh. Ví như trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa năm học 2024-2025, trung tâm có 21/21 em tham gia thi đều đạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 11 giải nhì, 6 giải ba và 3 giải khuyến khích, xếp thứ nhất toàn tỉnh.

Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thọ Xuân, để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học, trung tâm đã trang bị 4 đường truyền internet của nhà mạng VNPT, 4 máy chiếu, 1 phòng tin học với gần 40 máy vi tính; 100% phòng học, phòng chức năng được kết nối mạng

internet và trang bị ti vi thông minh. Đồng thời đưa vào sử dụng nhiều phần mềm quản lý giáo dục như sổ liên lạc điện tử, tin nhắn điện tử VnEdu, phần mềm phổ cập, quản lý nhân sự, kế toán... và yêu cầu 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử.

Cô Lê Thị Hằng, giáo viên giảng dạy môn Địa lý tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thọ Xuân chia sẻ: “Trước xu thế của thời đại cũng như yêu cầu đặt ra của Ban Giám đốc trung tâm, giáo viên luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy để tạo nên những tiết học sinh động, cuốn hút học sinh. Nhờ CNTT giáo viên đã xây dựng được những video, sử dụng hình ảnh sinh động phục vụ cho những tiết học có nội dung nói về cấu tạo của trái đất, hệ quả chuyển động của trái đất... mà trước đây giảng dạy truyền thống không làm được. Qua đó tạo hứng thú học tập cho học sinh trong mỗi giờ học”.

Theo Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thọ Xuân Hà Duyên Nam, việc ứng dụng CNTT đã mang lại hiệu quả thiết thực cả trong quản lý và giảng dạy, học tập, nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, 100% giáo viên của trung tâm đã ứng dụng tối đa CNTT, không gian mạng để đảm bảo nhiệm vụ dạy học theo yêu cầu. Cũng từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động, chất lượng giáo dục của trung tâm đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kết quả xếp loại học lực của học viên; thi học sinh giỏi cấp tỉnh những năm gần đây luôn trong tốp 3 toàn tỉnh. Trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2023-2024, trung tâm có 21 học sinh dự thi, thì có 13 em đoạt giải, trong đó 2 giải nhất (môn Toán và Địa lý); 2 giải nhì; 4 giải ba và 5 giải khuyến khích. Cũng trong năm học này, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt 99,36%, nhiều học sinh đoạt giải khi tham gia các cuộc thi trên mạng internet...

Việc ứng dụng CNTT thực hiện chuyển đổi số đang ngày một “thấm sâu” vào các hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập ở các trung tâm GDNN-GDTX cùng hàng trăm trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh. Những tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong GDTX đang tạo ra sự kết nối rộng mở hơn, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với hệ thống giáo dục này khi cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực CNTT còn nhiều hạn chế. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm nỗ lực hơn nữa của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, học viên, học sinh, để cùng nhau xây dựng môi trường số trong thời đại số hướng tới sự phát triển bền vững. Các cơ sở GDTX cũng cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa từ phía cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng để quá trình chuyển đổi số được diễn ra nhanh và toàn diện.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-giao-duc-thuong-xuyen-34877.htm
Zalo