Chuyển đổi số trong du lịch: Hành trình đổi mới và vươn tới tương lai

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, chuyển đổi số đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, trong đó ngành du lịch không nằm ngoài xu thế chung. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ vào quản lý và phát triển du lịch, nhằm tạo ra một hệ sinh thái số hiện đại, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và nâng cao trải nghiệm của du khách.

Phát triển du lịch thông minh

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thế Nhân, những năm qua, du lịch Bình Thuận triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số. Nổi rõ, trong công tác quản lý, xúc tiến quảng bá du lịch, Sở đã tiếp tục triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Trong đó, chú ý phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh, tạo môi trường để doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước có thể tiếp cận, chia sẻ thông tin về du lịch Bình Thuận. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu du lịch đồng bộ hiện đại theo hướng số hóa dữ liệu du lịch các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ VR 360 độ thực tế ảo phục vụ thông tin hỗ trợ du khách và cập nhật dữ liệu lên bản đồ số để giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch Bình Thuận đến nhân dân và du khách. Bên cạnh đó, ngành đã triển khai xây dựng và lắp đặt 45 bảng quét mã QR (truy xuất nhanh thông tin) tại các địa điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm kiếm thông tin của nhân dân và khách du lịch. Đồng thời đã đẩy mạnh khai thác và phát triển các kênh mạng xã hội nhằm đa dạng các kênh quảng bá du lịch Bình Thuận.

Giao diện Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh.

Giao diện Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh.

Tính đến 12/2024, Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận đã có gần 12.600.000 lượt truy cập, hỗ trợ cả 2 ngôn ngữ Tiếng Anh và Tiếng Việt. Ứng dụng du lịch trên thiết bị di động trên 2 nền tảng Android và iOS với tên Binh Thuan Tourism có khoảng 400 tài khoản người dùng và quản trị doanh nghiệp; 460 bài tin tức, sự kiện; cập nhật trên 535 doanh nghiệp, trong đó có 352 doanh nghiệp lưu trú, 25 công ty lữ hành, 74 điểm ăn uống, 13 điểm mua sắm, 60 điểm tham quan, 11 điểm giải trí. Cập nhật hơn 500 tiện ích du lịch bao gồm: ATM, cây xăng, danh bạ công an, y tế, toilet công cộng, di chuyển, điện thoại hỗ trợ; 10 tour tham quan mẫu cho du khách tham khảo; 11 điểm du lịch quay chụp ảnh 360 độ (tham quan thực tế ảo).

Để đạt kết quả trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển du lịch số. Tập trung phát triển đồng bộ các yếu tố du lịch thông minh nhằm quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch Bình Thuận. Từ đó, tạo môi trường để các doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước có thể chia sẻ, liên kết cung cấp và tiếp cận các dịch vụ ngày càng đa dạng, bảo đảm chất lượng. Đến nay, đã đạt được kết quả bước đầu như hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú trong cả tỉnh; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch.

Di tích Trường Dục Thanh quay chụp ảnh 360 độ (tham quan thực tế ảo).

Di tích Trường Dục Thanh quay chụp ảnh 360 độ (tham quan thực tế ảo).

Không chỉ là bước tiến công nghệ

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch tỉnh cũng đối mặt với một số khó khăn cần khắc phục. Cụ thể, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch chưa đồng bộ và tương thích giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Cơ sở dữ liệu du lịch chưa được số hóa và tích hợp đầy đủ, chưa ứng dụng được nhiều công nghệ mới để bắt kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Mặt khác, chuyển đổi số trong ngành du lịch của tỉnh còn khó khăn với vấn đề thiếu hụt nguồn lực, bao gồm cả hạ tầng, công nghệ, tài chính lẫn nguồn nhân lực có chuyên môn công nghệ thông tin.

Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ trong du lịch, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tỉnh tiếp tục tạo cơ chế hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số của địa phương. Song song, tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp, phát triển Cổng thông tin du lịch Bình Thuận, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Sớm phê duyệt đầu tư dự án số hóa thực tế ảo VR 360 độ tất cả các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đẩy mạnh triển khai xây dựng dữ liệu cho bản đồ số VR 360 độ tại Bình Thuận. Cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh dữ liệu số du lịch để tích hợp với hệ thống dữ liệu số du lịch của tỉnh và của ngành Du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ an toàn và kết nối internet tốc độ cao để phục vụ cho các hệ thống, ứng dụng và dịch vụ trong hệ sinh thái du lịch thông minh đáp ứng nhu cầu về kết nối, chia sẻ và xử lý dữ liệu lớn, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin dịch vụ du lịch trên môi trường số của người dân và khách du lịch...

Chuyển đổi số trong du lịch không chỉ là bước tiến công nghệ mà còn là cơ hội để Bình Thuận khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp nâng cao trải nghiệm của du khách, tối ưu hóa quy trình quản lý và tạo ra những giá trị kinh tế mới. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự đồng bộ trong nhận thức, đầu tư nguồn lực và hợp tác đa phương, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành du lịch địa phương.

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-doi-so-trong-du-lich-hanh-trinh-doi-moi-va-vuon-toi-tuong-lai-127727.html
Zalo