Thách thức lớn với ngành nông nghiệp Australia

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang khiến xuất hiện nhiều các sản phẩm rau củ quả bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tạp chí The Conversation, người tiêu dùng Australia vốn quen với việc lựa chọn những loại trái cây và rau quả đẹp mắt. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang khiến xuất hiện nhiều các sản phẩm rau củ quả bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu. Australia cần tìm ra cách thức để khiến người tiêu dùng suy xét lại và sẵn sàng chấp nhận những sản phẩm này như một giải pháp hạn chế lãng phí thực phẩm.

Tổn thất về kinh tế do lãng phí thực phẩm ở Australia là rất lớn. Ước tính, nền kinh tế quốc gia châu Đại Dương này mất 36,6 tỷ AUD (23 tỷ USD) mỗi năm vì lý do này. Một số lượng lớn các sản phẩm rau quả tươi của Australia không bao giờ được đưa lên kệ hàng vì chúng bị từ chối ngay tại trang trại vì lý do thẩm mỹ, chẳng hạn như hình thức, kích thước hoặc độ chín không đạt tiêu chuẩn.

Nhiều người hiểu rõ điều này từ lâu. Đây là lý do dẫn tới việc hình thành các phong trào kêu gọi sử dụng các thực phẩm “xấu xí”. Những sản phẩm rau củ quả từng bị từ chối đã được đổi tên thành “wonky” (“què quặt”) ở Anh, “ingloryious” (“không có tên tuổi”) ở Pháp, “naturally imperfect” (“không hoàn hảo một cách tự nhiên”) ở Canada hoặc “odd bunch” (“rau quả kỳ quặc”) ở Australia.

Mặc dù sự tồn tại của những chiến dịch này là rất đáng khen ngợi, nhưng vẫn còn một thách thức lớn khác liên quan đến việc tiếp thị nếu mọi người muốn giảm thiểu việc lãng phí thực phẩm, đó là chấp nhận các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi khí hậu. Nhìn chung, điều này ám chỉ các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết cực đoan hoặc điều kiện thời tiết vừa phải. Hạn hán - được dự đoán sẽ trở nên khắc nghiệt và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu - là một ví dụ về những sự kiện khí hậu như vậy.

Sản phẩm bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu trông giống thực phẩm “xấu xí” vì chúng thường nhỏ hơn các sản phẩm thông thường, bị biến dạng hoặc có bề mặt không hoàn hảo. Tuy nhiên, trái ngược với thực phẩm “xấu xí”, hương vị và kết cấu của sản phẩm bị ảnh hưởng bởi khí hậu có thể khá khác biệt. Dưới tác động của hạn hán, táo có thể sẽ trở nên ngọt hơn và có nhiều hạt hơn, ớt có thể sẽ cay hơn và hành tây cay hơn. Trong trường hợp hạn hán nhẹ hoặc vừa phải, những sản phẩm như vậy vẫn có thể ăn được.

Nghiên cứu gần đây của một số chuyên gia tại Đại học Tây Australia, Đại học Edith Cowan và Đại học Tasmania đã chỉ ra một sự thật “có vẻ khá phũ phàng”. Nhiều người tiêu dùng có xu hướng né tránh hoàn toàn các sản phẩm thực phẩm bị ảnh hưởng bởi khí hậu. Và nếu cân nhắc đến giá cả, họ sẽ không chọn chúng nếu chúng không được giảm giá.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng đưa ra những khuyến nghị về cách thức khuyến khích mua những sản phẩm như vậy – bao gồm các thông điệp tiếp thị nhấn mạnh đến “khả năng thich nghi” của những sản phẩm rau quả chịu ảnh hưởng bởi khí hậu.

* Quá trình nghiên cứu

Nhóm tác giả đã tiến hành hai thí nghiệm riêng về cách thức lựa chọn sản phẩm của những người tiêu dùng khi mua trái cây và rau quả tươi. Một thí nghiệm được áp dụng với các sinh viên Australia, một thí nghiệm còn lại được áp dụng rộng hơn trong dân số Australia nói chung.

Những người tham gia được cho xem 8 loại táo khác nhau mô phỏng trong môi trường mua sắm, được mô tả bằng nhiều thuộc tính khác nhau bao gồm độ cứng, độ ngọt, hình thức và kích thước.

Những quả táo cũng được dán giá bán và thông tin về việc chúng được bán ở siêu thị hay chợ nông sản. Tất cả những quả táo bị ảnh hưởng bởi khí hậu đều được đính kèm thông điệp “khả năng thich nghi”: “táo thích nghi và sống sót sau hạn hán”.

Nhóm tác giả đã tìm cách kiểm tra xem các đặc tính "cảm quan" của sản phẩm (cách thức chúng tác động đến các giác quan khác nhau của con người) cũng như mức độ đồng cảm với người nông dân tác động như thế nào đến ý định của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và mức giá họ sẵn sàng trả cho chúng.

Nhóm đã phát hiện ra rằng khi độ cứng, kích thước và tính thẩm mỹ của táo được người tiêu dùng cân nhắc, trong khi sự đồng cảm đối với những người nông dân ở mức thấp, người tiêu dùng có xu hướng tránh các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi khí hậu. Thay vào đó, họ lựa chọn các sản phẩm thay thế không bị ảnh hưởng bởi khí hậu với giá thành cao hơn (tuy nhiên không có hiệu ứng tương tự đối với độ ngọt của táo).

Phát hiện trên có thể không đáng ngạc nhiên, nhưng vẫn đáng lo ngại. Nếu những người nông dân không thể tái sử dụng các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi khí hậu - chế biến chúng thành bơ hoa quả, mứt, sinh tố hoặc thức ăn chăn nuôi, thì các sản phẩm đó không thể đi vào chuỗi cung ứng và có thể trở thành chất thải.

Các chiến dịch trước đây ủng hộ sử dụng trái cây và rau quả “xấu xí” cũng có thể không giúp ích nhiều cho vấn đề này. Các chiến dịch này nhấn mạnh vào hương vị và kết cấu không bị ảnh hưởng của sản phẩm. Việc tiếp thị các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi khí hậu cần một cách tiếp cận khác.

* Vấn đề là giá thành sản phẩm

Khi giá cả đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng, họ chọn các sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi khí hậu, bất kể mức độ đồng cảm của họ với những nông dân ở mức độ nào. Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ sẵn sàng mua các sản phẩm đã được giảm giá.

Có vẻ như đó là một kết quả tích cực hơn. Nhưng kỳ vọng của người tiêu dùng rằng “sản phẩm bị ảnh hưởng bởi khí hậu sẽ luôn được giảm giá” có thể gây bất lợi cho những người nông dân có biên lợi nhuận thấp và làm giảm giá trị của các sản phẩm này như một nguồn tài nguyên vẫn có thể sử dụng được.

* Sức mạnh của thông điệp “khả năng chống chịu”

Điều quan trọng là chúng tôi thấy rằng khi thông điệp “khả năng chống chịu” được người tiêu dùng đồng cảm, họ có xu hướng cân nhắc đến táo chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều hơn. Điều này cũng đúng ngay cả khi sự đồng cảm của họ đối với nông dân ở mức độ thấp.

Do vậy, có thể thấy rằng khi sự đồng cảm đối với những người nông dân không còn hiệu quả, việc tận dụng các thông điệp tiếp thị nhấn mạnh vào “khả năng chống chịu” của sản phẩm có thể là một hướng đi khác đáng để khám phá.

Nhóm nghiên cứu hiện đang tìm hiểu để đưa ra một loại thông điệp nào đó phù hợp liên quan đến “khả năng chống chịu” của rau củ quả để có thể khuyến khích việc mua các sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Trong nhiều năm, người Australia đã quen với việc chỉ mong đợi những loại trái cây và rau quả đẹp mắt. Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan không có khả năng giảm bớt, các sản phẩm rau củ quả bị ảnh hưởng bởi khí hậu sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện trong tương lai. Nếu muốn người tiêu dùng chấp nhận các sản phẩm đó, Australia cần phải tìm ra cách thức truyền đạt thông điệp và khiến người tiêu dùng hiểu về hương vị và kết cấu khác biệt của các sản phẩm này, và suy xét lại về những gì mà người tiêu dùng nước này sẵn sàng chấp nhận.

Lê Đạt (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-lon-voi-nganh-nong-nghiep-australia/362261.html
Zalo