Chuyển đổi số toàn diện - Đưa AI vào từng khâu làm báo
Hành trình 'nhập cuộc' với chuyển đổi số, đặc biệt là với trí tuệ nhân tạo phải là cuộc cải tiến toàn diện, mạnh mẽ, cả trên báo in và báo điện tử. Làm được điều đó, không chỉ từ chủ trương, chiến lược mà còn ở sự đồng lòng, quyết tâm của từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên tòa soạn. Đây cũng là thông điệp từ cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Cao Cường - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhân ngày đầu Xuân 2025.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tăng tiện ích cho người dùng
+ Thưa ông, trong vai trò là lãnh đạo cơ quan báo chí, cũng là người nghiên cứu về công nghệ, về trí tuệ nhân tạo, ông đánh giá như thế nào về những thử nghiệm thành công từ việc ứng dụng AI vào hoạt động tác nghiệp (từ khâu tác nghiệp, sản xuất nội dung, biên tập, thu thập dữ liệu người dùng, phân phối sản phẩm phù hợp công chúng…) trong bối cảnh hiện nay?
- Trong xu thế chuyển đổi số chung của tất cả các ngành, lĩnh vực, chuyển đổi số báo chí đang là xu thế tất yếu ở các cơ quan báo chí. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí để tạo ra hệ sinh thái báo chí số với các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông đã trở nên cấp bách.
Trong dòng chảy như thác ghềnh của công nghệ, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đóng vai trò quan trọng đối với các Tòa soạn theo nhiều khía cạnh: AI giúp nhà báo tiết kiệm thời gian bằng cách tự động hóa các công việc như phân loại dữ liệu, tóm tắt nội dung, dịch ngôn ngữ, tạo bản tin ngắn,... AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu từ mạng xã hội, trang web và các nguồn khác để phát hiện tin tức tiềm năng, giúp nhà báo tiếp cận thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn.
AI có thể phân tích hành vi của người dùng để đề xuất tin tức phù hợp với sở thích của họ, giúp tăng mức độ tương tác và thu hút độc giả. AI có thể giúp tạo ra các định dạng báo chí mới như tin tức tương tác, báo chí dữ liệu, báo chí video,... AI giúp tòa soạn tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn, đặc biệt là trên các nền tảng kỹ thuật số. AI còn giúp các cơ quan báo chí tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, ví dụ như đề xuất nội dung trả phí hoặc dịch vụ phân tích dữ liệu báo chí.
+ Hệ sinh thái báo chí số như ông vừa đặt ra đòi hỏi những quyết tâm từ lãnh đạo, nỗ lực bền bỉ của tập thể và tất nhiên là cần một chiến lược bài bản, toàn diện… Báo Người Lao Động đã “nhập cuộc” như thế nào, thưa Phó Tổng biên tập?
- Nắm bắt xu thế đó, ngay từ đầu năm 2024, Báo Người Lao Động (cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP.HCM) đã tiến hành đợt cải tiến mạnh mẽ báo in và báo điện tử. Điểm khác biệt của lần cải tiến này là ứng dụng AI vào sản xuất nội dung nhằm tăng tiện ích cho người dùng. AI đã cải thiện các vấn đề về trải nghiệm đọc, tăng tương tác, thu hút bạn đọc trẻ; tối ưu lại thiết kế và trải nghiệm đọc trên phiên bản mobile. AI còn giúp Báo Người Lao Động điện tử đa dạng hóa cách trình bày, giúp tạo ra các nội dung dễ hiểu, dễ gây ấn tượng và hấp dẫn hơn đối với bạn đọc.
Tất nhiên trước đó, cách đây 4 năm khi vấn đề chuyển đổi số chưa thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội thì Đảng ủy Báo Người Lao Động đã ban hành một nghị quyết về chuyển đổi số. Điều đó cho thấy quyết tâm chuyển đổi số của chúng tôi đã có ngay từ những ngày đầu, để từng bước thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức. Đến hôm nay, Báo Người Lao Động đã hiện thực hóa những điều đó nên việc “nhập cuộc” với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo là điều tất yếu, không còn là quá áp lực lớn đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
+ Thưa ông, Báo Người Lao Động chính thức triển khai cổng thu phí đọc báo điện tử vào ngày 28/7/2022 đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Báo. Sau hơn 2 năm, chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP” đã vận hành trơn tru với vài chục ngàn tài khoản đăng ký. Ứng dụng AI vào mô hình thu phí, tờ báo đã tăng được hiệu quả như thế nào?
- Chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP” (chuyên mục báo chí đặc biệt, có thu phí trên Báo Người Lao Động điện tử) là phân khúc tác phẩm báo chí chất lượng cao, được đầu tư chuyên sâu, đề tài “độc”, lạ.
Báo Người Lao Động trở thành cơ quan báo chí có xuất phát điểm là báo in đầu tiên của cả nước triển khai thu phí đọc báo điện tử; là báo điện tử đầu tiên của làng báo phía Nam thực hiện thu phí… Đây cũng là chuyên mục được ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, bổ sung thêm nhiều tính năng để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất. Ví dụ, bạn đọc có thể mua tin - bài để tặng người thân, bạn bè; tự động “gia hạn gói đọc báo” để bạn đọc thuận tiện mua gói mới khi gói đang dùng sắp hết hạn; thống kê, theo dõi các tài khoản trả phí đọc báo để có chính sách chăm sóc phù hợp.
Từ phong trào học tập đến việc hình thành văn hóa số
+ Được biết, vừa qua, Báo Người Lao Động đã tổ chức 2 khóa đào tạo ứng dụng AI trong làm báo cho toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược đào tạo, tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, để sản xuất nội dung thông tin nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng xu hướng làm báo hiện đại?
- Chúng tôi hiểu rằng, nền tảng cốt lõi phải là việc đào tạo nguồn nhân lực để có thể sử dụng thành thạo công nghệ và ứng dụng vào công việc cụ thể. Do vậy, Báo Người Lao Động đã xây dựng phong trào học tập tại Báo với mục tiêu là tạo ra môi trường để có thường xuyên 40% – 60% đội ngũ nhân sự tham gia học tập về ứng dụng AI, công nghệ số, chuyển đổi số phù hợp theo hoạt động của Báo cũng như công việc chuyên môn của cá nhân.
Cụ thể, chúng tôi đã phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông) mở khóa đào tạo “Ứng dụng AI trong sản xuất tác phẩm báo chí số”, trong thời gian 21 ngày cho hơn 100 phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn nhằm giúp anh em xây dựng thói quen cũng như hình thành những kỹ năng sử dụng các công cụ AI (ChatGPT, ChatPDF, Gemini, Claude, Canva…) một cách thông minh nhất vào công việc chuyên môn. Sau khóa đào tạo, đã có nhiều phóng viên, biên tập viên có khả năng sử dụng AI tạo ra các bản tin podcast với kịch bản đa dạng, có tương tác; có khả năng sử dụng AI tạo ra các video/clip ngắn, các bản tin infographic và các bản tin video với Virtual MC...
Không chỉ đào tạo nội bộ, hiện nay Báo Người Lao Động và đơn vị đối tác đã và đang tổ chức các khóa học “Ứng dụng AI nâng cao năng suất làm việc, tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp”. Chương trình học đa dạng giúp học viên áp dụng thành thạo các ứng dụng của AI trong sản xuất nội dung, xử lý dữ liệu, công tác văn phòng cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước…
+ Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động tòa soạn đã tạo thành thói quen cho người làm báo Báo Người Lao Động chưa thưa ông? AI giúp gợi ý nội dung cho từng loại hình báo chí, thay thế nhiều công đoạn trong hoạt động báo chí thì việc vận hành của tòa soạn đã có nhiều thay đổi và có hiệu quả như thế nào trong sức ép tin tức hiện nay, thưa Phó Tổng biên tập?
- Quả thực, từ chủ trương và nỗ lực của tập thể Báo, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của chúng tôi đã ứng dụng AI xử lý văn bản, sản xuất tin, bài, video... khá thành thạo, trơn tru… Các khóa đào tạo đã giúp hình thành thói quen và kỹ năng ứng dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng vào công việc hàng ngày, tạo nên “Tòa soạn không giấy” toàn diện và hệ thống báo điện tử đổi mới, sáng tạo, hiện đại… Với sự quyết tâm thay đổi, Báo đã nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi số của Báo và từng bước hình thành văn hóa số.
Có thể nói rằng, sự bùng nổ của AI vừa tạo nên những thách thức nhưng cũng tạo ra những thuận lợi mới cho hoạt động báo chí. Để không tụt hậu, lọt ra khỏi đường đua, nó đòi hỏi từng cơ quan báo chí và từng nhà báo phải luôn vận động, học hỏi, cập nhập những tiến bộ của công nghệ, của AI để “buộc” nó trở thành một thư ký ảo đắc lực nhất. Tất nhiên, chúng tôi luôn hiểu, AI không phải là tất cả, vì AI không thể thay thế hoàn toàn được con người.