Chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả
Năm 2024, tỉnh Yên Bái đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 1/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc về kết quả đánh giá, xếp hạng chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch trên nền tảng số.
Đặc biệt, với chủ đề "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Yên Bái đã tập trung tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng, phát triển mạng lưới viễn thông, Internet tốc độ cao, xóa các điểm lõm sóng, trắng sóng; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sáng tạo, phát triển các ứng dụng số phục vụ phát triển kinh tế số; tổ chức tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức của người dân, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng số trong phát triển kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2024, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xóa 39 vùng lõm sóng, trắng sóng 3G, 4G; Cổng Dịch vụ công tỉnh tiếp nhận và giải quyết 120.076 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt 50,9% tổng số lượng hồ sơ trực tuyến và không trực tuyến.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số đạt 100%; tỷ trọng kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực đạt bình quân 5,73%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,3%; thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, đạt 68,72%.
Một điểm đáng chú ý là mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh. Toàn tỉnh đã có trên 700 điểm quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt; có 237/237 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử tỉnh và các sàn thương mại điện tử trong nước, đạt 100%...
Đề án số 06 tiếp tục được triển khai quyết liệt với gần 400.000 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt mức độ 2 trên VNeID. Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đã góp phần nâng cao nhận thức, thói quen sử dụng các tiện ích công nghệ số của người dân. Việc thông tin, trao đổi giữa các cơ quan chức năng, giữa người dân được thực hiện và cập nhật liên tục, phục vụ đắc lực công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai…
Nổi bật là tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức Chiến dịch "Phổ cập các nền tảng, công nghệ số thiết yếu đến người dân”; tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng tỉnh Yên Bái năm 2024”; phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức học điều khiển trí tuệ nhân tạo phục vụ công việc”; tổ chức Chiến dịch truyền thông "Nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng”…
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh cho biết: "CĐS là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh công tác CĐS theo hướng thiết thực, hiệu quả mang đặc trưng Yên Bái, với phương châm "CĐS để người dân hạnh phúc hơn”, Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục khuyến khích người dân chủ động học tập, nâng cao kiến thức về CĐS; hỗ trợ tối đa để người dân ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế và cuộc sống; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng số, công nghệ số, nhất là các công nghệ mới, công nghệ trí tuệ nhân tạo vào công việc và các ngành, nghề, hoạt động kinh tế - xã hội; chú trọng ứng dụng nền tảng, công nghệ số trong công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh thông tin dữ liệu của tổ chức, cá nhân”.
UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế số; khuyến khích mô hình hợp tác CĐS giữa doanh nghiệp công nghệ số với các cơ quan, đơn vị Nhà nước và các loại hình doanh nghiệp. Cùng với triển khai, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đồng hành cùng các doanh nghiệp thực hiện CĐS, UBND tỉnh sẽ thường xuyên chủ trì tổ chức các lớp tập huấn CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là quyết tâm và khẳng định của tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh CĐS, tạo cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, bắt kịp xu thế CĐS, góp phần phát triển kinh tế số.