Chuyển đổi số ngành Công Thương: Cần nỗ lực nội tại

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chính phủ điện tử, chuyển đổi số.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua khi đóng góp hơn 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam dự báo sẽ còn phát triển hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngành dệt may nỗ lực chuyển đổi số để tăng năng suất lao động. Ảnh: Mai Quế

Ngành dệt may nỗ lực chuyển đổi số để tăng năng suất lao động. Ảnh: Mai Quế

Để có được những kết quả đáng khích lệ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Tính riêng trong năm 2024, Bộ đã ban hành hàng loạt văn bản thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong Bộ Công Thương nói riêng và toàn ngành Công Thương nói chung.

Có thể kể đến như: Quyết định số 479/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia của Bộ Công Thương năm 2024; Văn bản số 1662/BCT-TMĐT gửi các đơn vị thuộc Bộ về việc tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

Quyết định số 653/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Bộ Công Thương; Quyết định số 2490/QĐ-BCT về việc ban hành quy chế An toàn thông tin mạng và An ninh mạng Bộ Công Thương; Quyết định số 2893/QĐ-BCT ban hành quy chế quản lý và sử dụng chứng thư chữ ký số, chữ ký số tại Bộ Công Thương…

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã ban hành, tham mưu trình lãnh đạo Bộ hơn 30 văn bản liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số và chính phủ điện tử… Đặc biệt trong công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt nhiều kết quả tích cực.

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết: Với quan điểm và thực tiễn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đến nay, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 129 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Công Thương cũng là đơn vị đi đầu trong rà soát, tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tạo thuận lợi cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, sự đồng lòng tích cực của các đơn vị, nhiều chuyển đổi số đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế; thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng.

Điển hình trong sự chuyển đổi này phải nhắc đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai nền tảng EVNCONNECT giúp tăng 30% hiệu quả trong quản lý điện năng. Tỷ lệ tự động hóa trong các nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia đạt 70% (năm 2024). Hay, Viettel Post ứng dụng công nghệ quản lý logistics số giảm 15% chi phí vận hành. Đáng chú ý, với việc triển khai mô hình Lean đã giúp các doanh nghiệp dệt may giảm thời gian cài đặt thiết bị từ 20-30 phút/thiết bị xuống còn 1-2 phút/thiết bị, đóng góp vào việc tăng tốc độ rải chuyền nhanh...

Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội: Ngành dệt may đã ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong sản xuất, như nhà máy dệt may thông minh sử dụng thiết bị kỹ thuật số kết nối toàn bộ nhà máy qua IoT; dây chuyền sản xuất sơ mi 100% kết hợp người - máy... Hiện, tỷ lệ các nhà sản xuất dệt may sẵn sàng tích hợp công nghệ số 35% tích hợp IoT; 42% điện toán đám mây; 18% áp dụng chuỗi khối; 27% sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu.

Không chỉ ở doanh nghiệp lớn, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ quá trình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số cũng đang diễn ra ở nhiều phạm vi khác nhau, giúp doanh nghiệp từng bước thiết lập hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang lại hiệu quả tích cực.

Cần những nỗ lực nội tại

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực song phát triển kinh tế số ngành Công Thương một cách bền vững vẫn còn không ít khó khăn, rào cản. Ở góc độ quản lý nhà nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay hệ thống phần mềm, phần cứng phục vụ công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại Bộ chưa được trang bị bản quyền dài hạn, dẫn đến chưa tận dụng được khả năng tối đa; một số cơ sở dữ liệu tại Bộ còn hạn chế, chưa đầy đủ, thiếu sự kết nối, chia sẻ, cập nhật dữ liệu do được xây dựng từ lâu.

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin nội bộ chỉ mới được triển khai ở mức cơ bản và cần tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh để đáp ứng được yêu cầu đặt ra nhằm thúc đẩy chính phủ điện tử tại Bộ.

Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ với thực tiễn triển khai: Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa được chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính theo quy trình điện tử, người dân và doanh nghiệp vẫn phải nộp chứng từ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Nguồn nhân lực và công tác tuyên truyền còn hạn chế, thiếu sự quan tâm và quyết tâm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghiệp thông tin, xây dựng chính phủ điện tử tại một số đơn vị thuộc Bộ…; nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra...

Thực tiễn tại nhiều doanh nghiệp còn khó khăn do hạn hẹp về năng lực tài chính. Trong khi đó, để đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới cần có tài chính dồi dào và nguồn nhân lực chất lượng để học hỏi, lĩnh hội công nghệ tiên tiến…

Về vấn đề này, TS. Hoàng Xuân Hiệp dẫn chứng, để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, trang thiết bị tinh vi, hiện đại, song điều này cũng đòi hỏi năng lực bảo trì càng cao. Hay việc sửa chữa thiết bị số hóa cũng cần máy lập trình, máy đính cúc tự động, máy cắt tự động, máy dệt 3D, máy in 3D, hệ thống kết nối trong nhà máy sợi... Do vậy, cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực (nhân lực kỹ thuật may, nhân lực sợi dệt) mới có thể đáp ứng được trong thời đại công nghiệp 4.0…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chuyển đổi số tại Bộ Công thương trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2025; tiếp tục hoàn thiện các văn bản về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chính phủ điện tử của Bộ phù hợp với hướng dẫn của các cơ quan hữu quan.

Tiếp tục hoàn thiện nâng cấp, cập nhật dịch vụ công trực tuyến; duy trì và vận hành hệ thống thanh toán điện tử trên hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử và Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương; tiếp tục kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện với Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó bao gồm việc kết nối hệ thống xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thị trường; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt.

Bên cạnh việc đảm bảo các dịch vụ công trực tuyến đã kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia trong các năm vừa qua hoạt động thông suốt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê và các đơn vị liên quan đảm bảo việc trao đổi thông tin về C/O form D với Cơ chế một cửa ASEAN được thông suốt.

Đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương; tiếp tục kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nền tảng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính tại Bộ Công Thương; tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương và Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Công Thương phiên bản 3.0…

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các diễn đàn liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó, nâng cao công tác tuyên truyền, đào tạo về thương mại điện tử một cách sâu rộng…

Các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương trong giai đoạn tiếp theo sẽ chú trọng vào 3 lĩnh vực cốt lõi của kinh tế số, bao gồm: Thương mại điện tử, Công nghiệp - sản xuất thông minh và Năng lượng thông minh.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-nganh-cong-thuong-can-no-luc-noi-tai-372870.html
Zalo